Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật: vừa thiếu vừa yếu
Còn PGS.TS Đào Duy Quát – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhìn nhận: Đội ngũ trẻ làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay đang thiếu và yếu; chất lượng phê bình văn học, nghệ thuật trẻ hiện nay chưa cao; công tác đào tạo ngành lý luận, phê bình hiện nay gặp rất nhiều khó khăn và không phát huy được vai trò tạo dựng đội ngũ kế cận. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do 3 nguyên nhân chính sau: 1/ Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ các nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp bị buông lỏng một thời gian dài; 2/ Sự phát triển của báo chí văn nghệ hiện nay đang bộc lộ những bất cập dưới sức ép của “thương mại hóa”; 3/ Hệ thống cơ chế, chính sách về đào tạo, sử dụng, phát huy, tạo điều kiện hoạt động cho lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nói chung và đội ngũ trẻ nói riêng còn nhiều hạn chế, lạc hậu, yếu kém.
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến của các đại biểu đã được đưa ra nhằm tìm ra được lời giải đáp vì sao đội ngũ trẻ làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật lại vừa thiếu vừa yếu: Xã hội có cần lý luận phê bình không? Đầu ra của lý luận phê bình chưa có (sinh viên học lý luận phê bình ra trường khó xin được việc, các bài viết của các tác giả lý luận phê bình trẻ ít được đón nhận, các báo – tạp chí ít mở, ít dành số trang cho chuyên mục lý luận phê bình); Nhuận bút thấp; Tâm lý ngại va chạm; Công tác đào tạo lý luận phê bình chưa được quan tâm đúng mức…
Như chúng ta đã biết, lý luận văn học, nghệ thuật là khoa học nghiên cứu các quy luật chung của hoạt động văn học, nghệ thuật, bao gồm bản chất, đặc trưng, cấu tạo, quy luật tồn tại và phát triển của văn học, nghệ thuật nói chung cũng như từng loại hình nghệ thuật nói riêng. Còn phê bình văn học, nghệ thuật là sự thẩm định, lý giải, đánh giá các tác phẩm, tác giả, sự kiện, hiện tượng văn học, nghệ thuật đương đại.
Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật có vị trí, chức năng đặc biệt quan trọng trong đời sống văn học nghệ thuật, tác động tới sự nhìn nhận và đánh giá của người sáng tạo đối với hiện thực đời sống, gợi ý cho tác giả những vấn đề có ý nghĩa, và nó tồn tại, song hành cùng sáng tác. Ngoài ra, nó còn có các chức năng thẩm định, đánh giá, phát hiện các giá trị, các quy luật, dự báo, phát hiện cái mới, điều chỉnh, định hướng sự vận động, phát triển của văn học nghệ thuật…
Trong các ngành văn học, nghệ thuật, nhiếp ảnh là ngành thiệt thòi nhất, khi mà việc đào tạo chính quy mới được bắt đầu tại Việt Nam năm 1998 ở trình độ cao đẳng (thuộc khoa Nghệ thuật Điện ảnh) và đến năm 2005 là trình độ Đại học (Khoa Nhiếp ảnh được thành lập) tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Thêm một điều thiệt thòi nữa cho ngành nhiếp ảnh, đó là các ngành nghệ thuật khác như văn học, điện ảnh, mỹ thuật, âm nhạc… đều có đào tạo chuyên ngành lý luận phê bình, còn nhiếp ảnh đến nay mới chỉ được đào tạo kiến thức ở dạng cơ bản và cơ sở chứ chưa hề có chuyên sâu, lại càng không có chuyên về đào tạo về lý luận, phê bình.
Nhiều người cho rằng, sáng tác tác phẩm khó hơn viết lý luận, phê bình. Đây là một sự so sánh khập khiễng. Để sáng tác ra một tác phẩm đích thực và viết ra một bài lý luận, phê bình đều khó như nhau. Với nhiếp ảnh, nhiều khi tác giả sáng tác còn cho là mình “gặp may” khi có được khoảnh khắc “thiên thời địa lợi nhân hòa”. Nhưng, với người viết lý luận, phê bình nhiếp ảnh thì không bao giờ có cái gọi là “gặp may” đó cả, bởi người viết lý luận, phê bình phải trang bị cho mình một nền tảng kiến thức sâu, rộng không chỉ ở chuyên ngành nhiếp ảnh mà còn là sự tổng hòa của các ngành nghệ thuật khác. Mà để có được vốn kiến thức đó, họ phải không ngừng đọc, trau dồi, học hỏi, tích lũy qua thời gian.
Những người viết lý luận, phê bình nhiếp ảnh thời gian qua, một là được đào tạo về báo chí, nhiếp ảnh tại Liên Xô, Cộng hòa dân chủ Đức, hai là “tự phát” bằng vốn kiến thức của cá nhân tự tích lũy, tự nghiên cứu mà có được chứ không phải do đào tạo bài bản về lý luận, phê bình nhiếp ảnh.
Từ thực tế của nhiếp ảnh có thể nhận thấy, người viết lý luận, phê bình nhiếp ảnh vừa thiếu, vừa yếu về tổng thể, chứ không chỉ là thiếu những người viết trẻ. Số người viết lý luận, phê bình nhiếp ảnh có thể đếm được trên đầu ngón tay, mà hầu hết đều đã ở tuổi ngoài 60, 70, có thể kể đến những tên tuổi như: Chu Chí Thành, Vũ Đức Tân, Vũ Huyến, Văn Thành, Huy Hoàng… Người viết trẻ thì cũng ngoài 40, và có thể nói là quá ít – “như lá mùa thu” vậy, tìm mãi mới ra một, hai cái tên như: Việt Văn. Những người trẻ viết lý luận phê bình, nhiếp ảnh, dường như (theo chủ quan của người viết), các bài viết của họ, đậm chất phê bình hơn là lý luận. Mà, “phê” thì cũng nhẹ nhàng chứ không dám quyết liệt, vì tâm lý ngại va chạm, dễ bị mắng “trứng khôn hơn vịt”…
Tuy nhiên, trong thời kỳ hội nhập, mở cửa, khoa học kỹ thuật phát triển, nhiếp ảnh là một trong những ngành nghệ thuật nhanh và đa dạng. Các vị lý luận, phê bình “lão làng” trong ngành nhiếp ảnh nếu không “bổ sung” kiến thức mới, cập nhật được sự phát triển nhanh, mạnh của khoa học kỹ thuật, của ngành nhiếp ảnh thì khó có thể đưa ra được các ý kiến đánh giá khả năng phát triển, sự ra đời của các trào lưu, khuynh hướng hay trường phái nghệ thuật mới.
Chính vì vậy, ngoài tình yêu, tâm huyết, tự bồi đắp tri thức, vốn sống, bản mệnh nghề nghiệp và trách nhiệm công dân của mỗi cá nhân, rất cần sự quan tâm của Đảng, nhà nước, của các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng, các Hội chuyên ngành đối với việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng những người làm công tác lý luận, phê bình trẻ.
Rất mong Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, ngoài sự quan tâm, đầu tư cho lực lượng sáng tác, quan tâm, chú trọng hơn nữa đến công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng những người viết trẻ. Bên cạnh đó, nên có chính sách hỗ trợ, mở các chương trình tập huấn, hay cử đi tham dự các khóa tập huấn do các cơ quan cấp trên mở… Như vậy mới hy vọng có thêm nguồn những người viết lý luận, phê bình nhiếp ảnh hiện nay đang quá thiếu!