Lý luận phê bình

Hãy trả lại sự thật và thanh danh của người nghệ sĩ

Bài trả lời phỏng vấn của ông Vũ Huyến, Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội NSNA VN đăng trên báo Tiền Phong ra ngày 12/8/2011, đã xúc phạm đến rất nhiều nghệ sĩ khác, kể cả các nghệ sĩ quá cố (các bậc lão thành đã góp phần xây dựng nền nhiếp ảnh Việt Nam), làm dấy lên một làn sóng bất bình xung quanh phát ngôn của ông Vũ Huyến. Là con gái của nghệ sĩ Nguyễn Tiến Lợi, cũng là người tham gia trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, tôi xin đi vào phân tích từng điểm mà ông Vũ Huyến đã nêu, để thấy được phần nào sự “thẳng thắn” của ông Vũ Huyến.

Qua những câu trả lời phỏng vấn, dư luận dễ đặt câu hỏi, phải chăng ở lần xét tặng Giải thưởng Nhà nước lần này, ông Vũ Huyến có điều gì bức xúc nên mới “xổ toẹt” những thành tựu, những ghi nhận thành công của các nghệ sĩ lão thành trong giới nhiếp ảnh như thế?

Trước tiên, nói đến chuyện bức ảnh “Trạm quân y dã chiến” của nghệ sĩ Võ An Khánh (Bạc Liêu). Bức ảnh đã được tác giả chụp năm 1970. Không thể phủ nhận tác động cũng như thành công vang dội của bức ảnh, nhưng ông Vũ Huyến cho rằng bức ảnh ấy là “diễn”, làm cho nghệ sĩ Võ An Khánh rất bất bình và phải lên tiếng cũng ngay chính trên báo Tiền Phong, số ra ngày 31/8/2011. Chúng tôi rất tâm đắc với ý kiến của Nghệ sĩ Võ An Khánh: “Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam lập ra Tiểu ban Phê bình là rất cần thiết cho sự phát triển của ngành, song cần phê phán, đánh giá tác phẩm dựa trên tinh thần xây dựng…”. Bài trả lời phỏng vấn của ông Vũ Huyến đã làm ảnh hưởng đến uy tín của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.

Không chỉ nghệ sĩ Võ An Khánh mà ngay cả những nghệ sĩ đã khuất như nghệ sĩ Nguyễn Tiến Lợi, nghệ sĩ Triệu Đại cũng bị ông Vũ Huyến bôi nhọ thanh danh bằng những phát ngôn hoàn toàn không mang tính xây dựng. Năm 1946, nghệ sĩ Nguyễn Tiến Lợi là chiến sĩ quyết tử của Trung đoàn Thủ đô, vừa tham gia chiến đấu, vừa là nhà nhiếp ảnh, đã cầm máy chụp được những hình ảnh cuộc chiến đấu dũng cảm của quân và dân ta trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Từ năm 1947 – 1951, ông là phóng viên nhiếp ảnh quân đội thuộc Đại đoàn 308, trực tiếp tham gia các chiến dịch Sông Thao, Lê Hồng Phong, Cao – Bắc – Lạng… Ông đã được tặng thưởng “Huân chương Chiến công” cao quý cho những đóng góp về nghệ thuật. Đặc biệt bức ảnh Xung phong được ông chụp trong trận Phố Ràng năm 1949 đã đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan ảnh Quốc tế tổ chức tại La Habana, Cuba năm 1969, và được trưng bày tại nhiều triển lãm trong nước cũng như nước ngoài. Năm 2007, bằng tác phẩm Xung phong (chứ không phải tên bức ảnh là Đường ra tiền tuyến như ông Vũ Huyến đã nêu) và những đóng góp trong lĩnh vực nhiếp ảnh (trong triển lãm Hình ảnh lịch sử 60 ngày đêm nhân kỷ niệm 60 năm ngày Toàn quốc kháng chiến, nghệ sĩ Nguyễn Tiến Lợi đã có đến 100 bức ảnh trên tổng số 145 bức tham gia triển lãm; ngày hôm nay tại Bảo tàng Quân đội vẫn còn lưu giữ rất nhiều tác phẩm ảnh của nghệ sĩ Nguyễn Tiến Lợi) ông đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước đợt II. Ông Vũ Huyến nói rằng “dư luận hồi đấy cho rằng bức ảnh … trích từ phim ra”. Nhưng chính ông Vũ Huyến hồi đó là người đã bỏ phiếu nhất trí tại Hội đồng cơ sở chuyên ngành trong dịp xét trao tặng Giải thưởng Nhà nước, và bức ảnh Xung phong hồi đó chiếm số phiếu tuyệt đối 10/10 phiếu. Trong giới nhiếp ảnh, điều mà không ai dám phủ nhận là tính tài liệu, tính chân thực lịch sử và tính nghệ thuật được hoà quyện trong các tác phẩm nhiếp ảnh của nghệ sĩ Nguyễn Tiến Lợi. Vậy thì tại sao sau bao nhiêu năm, đến nay bỗng dưng ông Vũ Huyến lại phát biểu theo kiểu “đổi trắng thay đen” như vậy? Những lời phát biểu của ông Vũ Huyến chính là bóp méo lịch sử, xúc phạm đến các nghệ sĩ, những nhân chứng lịch sử, những chiến sỹ đã trực tiếp có mặt nơi chiến trường gian khổ ác liệt để có được những tấm ảnh vô cùng quý giá đó.

Nghệ sĩ Triệu Đại cũng là người đã từng có mặt trong chiến thắng Điện Biên Phủ, là nguời đã ghi được những giây phút vinh quang và hào hùng của dân tộc. Bức ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ đứng phất cờ trên nóc hầm Tướng De -Castries đã đi vào lịch sử và tên tuổi nghệ sĩ Triệu Đại, tác giả bức ảnh đó cũng được nhắc đến mỗi khi nói về sự kiện lịch sử đó. Giá trị lịch sử của bức ảnh đã được kiểm chứng qua bao năm tháng, chưa có một ai dám nói bức ảnh đó là diễn, ngoài ông Vũ Huyến. Lời phát biểu của ông Vũ Huyến cũng làm gia đình con cháu nghệ sĩ Triệu Đại vô cùng bất bình và bức xúc. Toà án lương tâm không thể tha thứ cho người đang tâm xúc phạm đến những đồng nghiệp đã khuất, phủ nhận những đóng góp của những nghệ sĩ với mục đích không trong sáng.

Thêm một luận điểm nữa của ông Vũ Huyến cũng khiến chúng tôi bất bình, đó là ông nói cần tránh trường hợp một người được giải 2 lần. Trước hết, hiện nay không có bất cứ văn bản nào quy định như vậy. Thứ hai, từ năm 1951, nghệ sĩ Nguyễn Tiến Lợi đã chuyển sang ngành điện ảnh; là một nghệ sĩ nhiếp ảnh tâm huyết, từng lặn lội trên khắp các nẻo đường, có nhiều kinh nghiệm trong chiến trường, khi chuyển sang công tác điện ảnh, ông là một trong những người đầu tiên góp phần xây dựng nền Điện ảnh cách mạng Việt Nam; và trong lĩnh vực điện ảnh, ông cũng đã gặt hái rất nhiều thành công. Nhiều tác phẩm điện ảnh ông tham gia đã giành được nhiều giải thưởng như: Phim Chiến thắng Tây Bắc (1952-1953) đoạt Giải Bông sen Vàng (cùng đạo diễn Mai Lộc); đạo diễn phim Cô gái công trường, Khói trắng, Biển gọi (Giải Bông sen Bạc). Đặc biệt là đạo diễn kiêm quay phim chính bộ phim tài liệu lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ (1953-1954) đoạt giải Bông sen Vàng, là một cột mốc đã đánh dấu sự trưởng thành của nền Điện ảnh dân tộc, mang một dấu ấn lịch sử, lưu lại cho các thế hệ mai sau những hình ảnh của một chiến công lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Bộ phim này đã trở thành “những thước phim vô giá” như trong cuốn Lịch sử Điện ảnh Việt Nam đã nhận định. Cùng với bộ phim, tên tuổi của nghệ sĩ Ưu tú, Đạo diễn Nguyễn Tiến Lợi đã đi vào lịch sử Điện ảnh nước nhà và được nhiều người biết đến hơn nửa thế kỷ qua. Năm 1975, nghệ sĩ Nguyễn Tiến Lợi cũng đã vinh dự có mặt tại Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử để trực tiếp chỉ đạo thực hiện những bộ phim tài liệu quý giá được đánh giá cao trong nước và quốc tế. Năm nay, gia đình chúng tôi đã làm hồ sơ đề nghị xét trao Giải thưởng Nhà nước cho nghệ sĩ Nguyễn Tiến Lợi với những đóng góp cho Điện ảnh Việt Nam như đã nêu ở trên. Hai lĩnh vực Nhiếp ảnh và Điện ảnh hoàn toàn khác nhau, và không vì lý do đợt trước nghệ sĩ Nguyễn Tiến Lợi đã được Gải thưởng Nhà nước (trong lĩnh vực Nhiếp ảnh) rồi thì lần này không xét ở lĩnh vực Điện ảnh nữa. Chúng tôi thấy đây là một quan điểm sai trái và không thiện chí.

Thêm nữa, ông Vũ Huyến cho rằng, “việc thẩm định không đúng (trong mỗi đợt xét trao giải thưởng) sinh ra mất đoàn kết, làm cho không khí văn học nghệ thuật kém đi, buồn đi”… Chúng tôi cho rằng quan điểm này mang tính tiêu cực, không xây dựng. Đành rằng, trong mỗi dịp như thế này, không sao tránh khỏi có nguời vui, nguời buồn, có nguời nhất trí, có nguời không, nhưng không thể vì thế mà bỏ hẳn công việc trao tặng những phần thưởng, những danh hiệu để tôn vinh những đóng góp của các nghệ sĩ trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Chúng tôi không nghĩ vì việc xét trao tặng giải thưởng mà làm văn nghệ sĩ mất đoàn kết, có chăng chỉ có những người có cái tâm không trong sáng mới nghĩ như vậy.

Qua bài viết này, tôi mong muốn Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam xem xét sự việc và lên tiếng để sự thật được sáng tỏ, không để những phát ngôn không mang tính xây dựng của một cá nhân làm ảnh hưởng đến danh dự của những nghệ sĩ, những hội viên của Hội…

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Trả lời

Back to top button