Lý luận phê bình

Đầu tư chọn lọc, bám lấy hơi thở cuộc sống, nâng cao chất lượng nghệ thuật để sáng tác

Liên quan đến hoạt động ĐTST, ngoài một số mặt tích cực nhưng sự đầu tư khá dàn trải thể hiện qua việc hầu hết hội viên sau thời gian quay vòng vài năm đều có quyền được đăng ký nhận đầu tư của Hội. Đề tài sáng tác do cá nhân tự đăng ký và Hội phê duyệt, phương thức đầu tư này dẫn đến các hiện tượng:

–      Mục đích đầu tư dù dưới hình thức nào cũng nhằm để thu được những tác phẩm NANT xứng đáng với số tiền Nhà nước & nhân dân bỏ ra tuy nhiên có một điều chắc chắn rằng yêu cầu của “Nhà Đầu tư” trong nhiều trường hợp có thể có nhiều khác biệt so với sản phẩm thu được từ người nhận đầu tư vì họ chỉ có thể đăng ký đề tài dựa vào năng lực và sở trường sáng tác của mình. Do chưa có cơ chế “đặt hàng” đối với NSNA nhận đầu tư nên Hội khó có thể chủ động để có được sản phẩm mong muốn.

–      Liên quan đến người nhận ĐTST, tất nhiên là hội viên thì ai cũng có trách nhiệm và có quyền lợi bình đẳng như nhau vậy nhưng trong số những hội viên được nhận đầu tư thời gian qua, không phải là không có những người tuổi đã khá cao, sức không còn khỏe, không còn cầm máy thường xuyên hay đã gần cạn nguồn cảm hứng… Trong khi đó, để thực hiện những đề tài sáng tác mà Hội đặt ra có thể rất khó khăn phức tạp, “nóng bỏng” hoặc “dài hơi” thì sức khỏe & niềm đam mê “máu lửa” của người thực hiện luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu, không thể thiếu được. Hiện tượng trên dẫn đến việc Ban lãnh đạo Hội cần có giải pháp hài hòa trong hoạt động đầu tư, đảm bảo được tính mục đích của hoạt động đầu tư nhưng cần tránh gây xáo trộn nhiều về tâm lý trong hội viên thuộc nhiều thế hệ, nhiều lứa tuổi khác nhau.

–      Về đề tài ĐTST, mặc dù rất muốn nhưng thật không dễ dàng gì cho người nhận đầu tư tiếp cận với những “vùng cấm” luôn nhan nhản và ống kính “không được hoan nghênh” liên quan những đề tài nhậy cảm như LLVT hay các doanh nghiệp xí nghiệp kể cả Nhà nước hay tư nhân … Không ai có  thể trách các cơ quan, xí nghiệp hay doanh nghiệp về những “bảng cấm” này vì tính chất nhiệm vụ hay quyền lợi của các cơ quan đơn vị có khả năng bị đe dọa, nạn xâm phạm bản quyền tràn lan hay tính cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt. Chính vì vậy hội viên dù đam mê hay muốn “liều mình” đến đâu để tìm đến những đề tài gai góc, cuối cùng cũng chỉ có thể chọn những đề tài an toàn loại “mỳ ăn liền” cho dễ thực hiện … Do vậy phạm vi đề tài không thể phó mặc cho người thực hiện mà cần có sự thu xếp, can thiệp và hỗ trợ khi cần thiết của Hội và cơ quan các cấp liên quan.

–      Liên quan đến thời gian, thông thường kỳ hạn hợp đồng ĐTST chỉ gói gọn trong năm. Tuy nhiên thời gian 1 năm chỉ phù hợp với những đề tài nhỏ, ngắn hạn, phạm vi hẹp. Nguồn ngân sách cấp cho ĐTST bị “ngắt mạch” từng năm khiến cho công tác đầu tư dài hạn bị cản trở, kết quả đầu tư không thể vươn tới tầm cao, đạt tới tầm xa như mong đợi. Đây cũng là một “trở ngại khách quan” đối với cả cấp quản lý và người thực hiện.

–      Kết quả của một đề tài được đầu tư thời gian qua chỉ vừa tầm một ảnh bộ ảnh nhỏ mà chưa bao quát sâu rộng được sự kiện lớn hay vấn đề của một ngành, địa phương … Nói hơi quá nhưng dấu ấn để lại của bộ ảnh 10-15 tấm sau nghiệm thu đề tài chỉ là “nửa vời” cho cả Hội lẫn hội viên nhận đầu tư. Mong muốn có được một cuốn sách ảnh có giá trị về mỗi đề tài “dài hơi” vẫn luôn là mong ước không chỉ của riêng ai. Vậy nhưng điều đó lại hoàn toàn có thể trong tầm tay nếu các cơ quan quản lý thay đổi phương thức đầu tư.

Nhiệm vụ của Hội trong nhiệm kỳ VIII đòi hỏi hoạt động ĐTST phải nhậy bén hơn, nỗ lực hơn, bám lấy hơi thở của cuộc sống với chất lượng nghệ thuật cao hơn. Yêu cầu trên đặt ra là cấp thiết đối với những người trực tiếp cầm máy nhưng trước hết phải là đối với Ban lãnh đạo Hội trong công tác này. Để đáp ứng được nhiệm vụ này, Hội nên xem xét việc đổi mới phương thức đầu tư thông qua việc áp dụng các biện pháp như sau:

● Đầu tư sáng tác có chọn lọc

Sự chọn lọc ở đây thực hiện với hai đối tượng, một là “đề tài” và hai là “hội viên nhận ĐTST”. Đây chính là hai điều kiện “cần” và “đủ” để giải quyết bài toán đầu tư một cách hiệu quả. Trong đó, con người là điều kiện “cần” và đề tài là điều kiện “đủ”.

Trước hết liên quan đến con người, thực tế cho thấy trong đội ngũ của Hội, ngoài những hội viên đã cao tuổi tuy có đủ đam mê nhưng “lực bất tòng tâm” còn có những người vội thỏa mãn với danh nghệ sỹ mà dừng lại trên con đường sáng tác hoặc thậm chí có cả những người dùng danh nghệ sỹ chủ yếu để kiếm sống … Do vậy, để đạt được  hiệu quả đầu tư cao, đáp ứng được nhiệm vụ của NANT trong tình hình mới thì sự chọn lọc để tạo ra đội ngũ “hạt giống” là cần đặt ra. Tuy nhiên tiêu chí gì, tiêu chuẩn gì cần đặt ra để chọn lọc đội ngũ này và  gồm những ai? đó là vấn đề cần được các cơ quan quản lý cân nhắc kỹ nhưng cũng cần đạt được sự đồng thuận của hội viên trong cả nước. Theo người viết có thể tóm tắt  đội ngũ “hạt giống” trong hoạt động ĐTST là những NSNA có đạo đức xã hội & nghề nghiệp tốt, có kinh nghiệm sáng tác, có khuynh hướng sáng tác hướng tới xã hội & cuộc sống, còn đam mê và có sức khỏe. Như vậy “hạt giống” không nhất thiết phải là những người đạt tước hiệu cao mà chính là những NSNA có khả năng đáp ứng được nhiệm vụ mà xã hội & nhân dân đang cần giao phó.

Về đề tài, trong thời gian trước đây nếu Hội ít khi “can thiệp” vào đề tài của người nhận ĐTST thì nay, điều này có thể thay đổi. Trường hợp hội viên đã chuẩn bị hoặc chọn được đề tài phù hợp và thiết thực từ trước, Hội có thể tham gia góp ý bổ sung hoặc yêu cầu điều chỉnh cho tác giả dưới dạng một cuộc “bảo vệ đề tài”. Nếu nội dung, tiến độ, kinh phí & kết quả dự kiến của đề tài được thống nhất giữa Hội và hội viên, khoản ĐTST thỏa thuận giữa hai bên sẽ được thể hiện dưới dạng hợp đồng.

Ngoài những những đề tài hay được người nhận đầu tư đề xuất, sau khi thống nhất với các cơ quan, ban nghành địa phương hữu quan Hội có thể có danh mục đề tài  để trao cho những hội viên “hạt giống” phù hợp với yêu cầu của đề tài thực hiện sáng tác. Tuy gọi là “trao” nhưng đây hoàn toàn không phải là nhiệm vụ mang tính hành chính để rồi kết quả thu được mang nặng tính hình thức đối phó mà thiếu đi một trong những điều căn bản là tính sáng tạo nghệ thuật.

Một vấn đề tế nhị đặt ra là đối với những hội viên không thuộc danh sách chọn lọc nhận đầu tư của Hội thì sao? Hội viên không thuộc danh sách nhận đầu tư năm nay thì vẫn có thể vào danh sách năm sau hoặc năm sau nữa. Để vào được nhận đầu tư sáng tác, ngoại trừ những hội viên có tuổi tác cao hay sức khỏe yếu, số còn lại cần phấn đấu, nỗ lực tìm đề tài thích hợp và nâng cao tay nghề. Để nâng cao tính khách quan trong việc lựa chọn đề tài và nhân sự nhận ĐTST, Hội cần xem xét việc trao cho Hội đồng Nghệ thuật thực hiện nhiệm vụ này hoặc sau này là Hội đồng Giám khảo – nếu được thành lập.

● Bám lấy hơi thở cuộc sống mà sáng tác.

Trong nghệ thuật, tất cả các khuynh hướng sáng tác lành mạnh đều được tôn trọng & bình đẳng nhưng một khi được Nhà nước, xã hội đầu tư sáng tác bằng tiền của dân thì đề tài sáng tác cần ưu tiên phục vụ xã hội & nhân dân mà việc bám lấy hơi thở cuộc sống để sáng tác là tất yếu.

Bằng biện pháp cụ thể Hội cùng các cơ quan hữu quan cần hỗ trợ, tạo điều kiện cho hội viên đi sâu sáng tác về những đề tài của xã hội, về cuộc sống. Thực tế cho thấy để có được những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao phản ánh đúng những vấn đề đất nước & xã hội cần, người cầm máy phải “nằm” trong sự kiện, bám sát với con người trong sự kiện. Tuy nhiên dù tài năng & tâm huyết đến mấy nhưng để có được những hình ảnh tiêu biểu về quá trình đổi mới toàn diện của đất nước cũng như bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, người cầm máy cần có sự định hướng chuyên sâu và hỗ trợ cụ thể của Hội mà trước hết là được tiếp cận sự kiện hay những hoạt động có tầm cỡ.

Ngoài những vấn đề thời sự “nóng” cần phản ảnh xảy ra trong khoảng thời gian tuy không dài như sự kiện dàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm chủ quyền của đất nước ta, trong thực tế để hoàn thành một đề tài cấp Hội hay cấp Nhà nước, sự đầu tư cần tập trung hơn, dài hơi hơn. Thời gian đầu tư không nên chỉ gói gọn trong thời gian 1 năm và chỉ là tập hợp 15-20 ảnh như hiện nay. Với số lượng ảnh này, kết quả đầu tư chưa thể bao quát nhiều mặt của một đề tài lớn, lĩnh vực chuyên sâu hay một vấn đề trong xã hội hiện nay, ví dụ như: hình ảnh các đảo lớn của VN; đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển hay giáo dục nơi vùng sâu vùng xa; con người lao động trong hầm mỏ … Tuy nhiên những đề tài lớn hay dài hơi cũng đặt ra vấn đề cần điều chỉnh về quy mô & mức độ đầu tư, nhất là về tài chính.

● Nâng cao chất lượng sáng tạo nghệ thuật

Là hội nghệ thuật chuyên ngành, mọi hoạt động của Hội đều cần hướng đến việc nâng cao chất lượng nghệ thuật. Định hướng “bám lấy hơi thở cuộc sống để sáng tác” cũng không nằm ngoài mục đích này. Vấn đề quan trọng đặt ra ở đây là sáng tác theo những mảng đề tài mang hơi thở cuộc sống, bên cạnh tính chính trị-xã hội luôn được chú trọng thì người NSNA cần không ngừng nâng cao tính nghệ thuật trong tác phẩm của mình. Nói đến điều này là cần thiết vì thực tế cho thấy đã có những biểu hiện thiên lệch về tính thời sự trong khi tính nghệ thuật của tác phẩm chưa được song hành phát huy đúng mức. Hoạt động ĐTST  chỉ có thể thành công một khi kết quả thu được có giá trị nghệ thuật cao. Tính nghệ thuật của đề tài đầu tư cần được quan tâm ngay từ đầu, ngay từ giai đoạn bảo vệ đề tài mà Hội đóng vai trò chủ khảo. Tính nghệ thuật của sản phẩm đầu tư không nên “phó mặc” hoặc chỉ trông đợi vào tài năng, kinh nghiệm của người NSNA mà cần được Hội đánh giá, theo dõi hoặc điều chỉnh – nếu thấy cần thiết trong suốt quá trình đầu tư. Đây là việc khó khăn khi đề tài kéo dài, tuy nhiên không phải là không làm được một khi được các cấp quan tâm.

Có thể nói gọn lại, những đề tài xã hội hay đề tài chuyên ngành cần được Hội phân định ở hai cấp, cấp Hội & cấp Nhà nước để trao cho cá nhân các NSNA hay nhóm các nghệ sỹ “hạt giống” được lựa chọn thực hiện trong 1-2 năm hoặc  kéo dài hơn nếu cần thiết. Đề tài nên được nghiệm thu từng giai đoạn và kết thúc bằng việc in ra sách ảnh nếu kết quả nghiệm thu tổng thể tốt. Bằng cách này, Hội & các bộ ngành hay Nhà nước và cả NSNA nhận ĐTSTsẽ có những bộ sách ảnh theo đề tài Nhà nước cần,  xứng đáng với tầm vóc xã hội.

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Trả lời

Back to top button