Cơ chế đo sáng và phơi sáng của đèn flash rời (Phần I)
Bài viết này chúng tôi đưa ra một số vấn đề cần quan tâm để giúp độc giả hiểu hơn về đèn flash. Thiết bị chúng tôi hướng tới là dòng máy ảnh EOS và đèn Flash rời Speedlite EX-series.
Trong phần 1 này chúng tôi nói đến Nguyên tắc đo sáng của đèn Flash và cách Kiểm soát phơi sáng đèn Flash đối với nhiếp ảnh. Phần tiếp theo là vấn đề Chế độ đo sáng.
Nguyên tắc đo sáng đèn Flash rời
Về cơ bản, chụp ảnh với flash khác hẳn so với chụp bình thường bởi lúc này bạn sẽ làm việc với hai nguồn ánh sáng khác nhau, một là nguồn ánh sáng sẵn có, hai là nguồn sáng do đèn flash tạo ra. Nguồn sáng có sẵn thì gần như là cố định, khó có thể thay đổi trong khi nguồn sáng do đèn flash tạo ra ta có thể chủ động điều chỉnh được. Ta cần điều chỉnh hợp lý để kết quả thu được là lượng ánh sáng như mong muốn từ sự kết hợp của hai nguồn sáng này.
Hình trên minh họa nguyên tắc đo sáng đèn Flash. Tổng thời gian phơi sáng đánh đèn flash được tính từ lúc màn trập bắt đầu mở ra đến khi màn trập khép lại. Với đèn flash hiện nay có các chế độ đo sáng tự động E-TTL (hoặc E-TTL II), một nguồn sáng trước (pre-flash) được phát ra khi bạn giữ cò chụp (đại khái như giữ cò lấy nét) để tính toán ánh sáng trước khi màn trập mở và qua đó phát ra xung lượng flash (flash pulse) phù hợp sau khi ấn nút chụp. Như vậy Pre-flash không tác động trực tiếp vào kết quả ảnh chụp được mà chỉ là thước đo gián tiếp cho xung flash. Xung flash và ánh sáng có sẵn là hai yếu tố ảnh hưởng đến độ sáng của kết quả chụp.
Cũng theo hình trên ta thấy xung lượng flash đánh sáng trong thời gian rất ngắn so với thời gian phơi sáng vì vậy tốc độ chụp (tốc độ cửa trập) có vai trò rất quan trọng trong việc thu lượng ánh sáng nhiều hay ít. Tốc độ càng chậm thì lượng ánh sáng thu vào càng nhiều và ngược lại.
Kiểm soát phơi sáng đèn Flash
Có 4 cách để kiểm soát lượng ánh sáng của đèn flash:
– Điều chỉnh khẩu độ của ống kính: khẩu độ (f) của ống kính chính là độ mở của ống kính. Độ mở lớn hay nhỏ sẽ tác động đến lượng ánh sáng đi vào cảm biến. Nếu mở khẩu lớn (tương đương với giá trị f nhỏ) thì lượng ánh sáng nhận được lớn và ngược lại.
– Thay đổi khoảng cách từ đèn flash tới chủ thể: điều này là hiển nhiên vì đối tượng chụp càng gần với đèn flash thì độ sáng nhận được càng lớn và càng hẹp (hay nói cách khác là bị chói và tương phản cao hơn so với xung quanh)
– Sử dụng công cụ (như Diffuser, card phản sáng, ô tán ánh sáng…) để làm dịu, tản rộng ánh sáng.
– Thiết lập các thông số điều chỉnh trên đèn flash rời: hiện nay, hầu hết các đèn flash rời đều có thể tự thiết lập các thông số cần thiết như tốc độ đánh flash, tăng giảm độ sáng của đèn, chế độ nhại sáng hoặc các chế độ đo sáng tự động thông minh.