Chụp ảnh theo hồn thơ Bác Hồ
Sau một năm thành lập; trước nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng đầy vẻ vang, tháng 3 năm 1960 công an vũ trang đã tổ chức đại hội chiến sĩ thi đua toàn lực lượng để động viên cán bộ, chiến sỹ quyết tâm làm tròn nhiệm vụ của mình. Tại đại hội này Bác Hồ đã đến dự. Một không khí vui mừng tràn ngập tại hội sau khi Bác đi thăm nhà ăn, chỗ ở các đơn vị đóng quân (tại học viện An ninh – Bộ Công an ngày nay) Bác đã nói chuyện về tình hình đất nước, âm mưu diễn biến chia cắt đất nước lâu dài khi Mỹ thay chân Pháp thành lập chính phủ bù nhìn ở miền Nam… Cuối buổi nói chuyện Bác đọc mấy câu thơ tặng toàn thể cán bộ chiến sĩ:
“Non xanh nước biếc trùng trùng
Giữ gìn Tổ quốc ta không ngại ngùng gian lao.
Núi cao sự nghiệp càng cao
Biển sâu ý chí ta so vào càng sâu
Thi đua quyết giật cờ đầu”.
Lời thơ của Bác đã trở thành lời huấn thị mà cho đến nay vẫn là Kim chỉ Nam, phương hướng hành động ở mọi lúc, mọi nơi cho công an vũ trang – nay là Bộ đội Biên phòng. Còn với tôi – một phóng viên ảnh trưởng thành trong lực lượng công an vũ trang, lời thơ của Bác có tác động mạnh mẽ vô cùng, và điều này được thể hiện trong quá trình hoạt động của mình. Lời thơ của Bác lúc nào cũng thấy ẩn hiện, nhất là khi đến với các chiến sĩ ở những nơi “đầu sóng ngọn gió” – Biên giới đất liền và hải đảo của Tổ quốc. Có thể nói tôi đã chụp hàng ngàn, hàng vạn tấn phim về mọi khía cạnh hoạt động của họ, từ mảnh đất địa đầu Lũng Cú tỉnh Hà Giang đến tận đất mũi Cà Mau, từ đảo Cô Tô (Quảng Ninh) đến Côn Đảo, Phú Quốc (Kiên Giang)… trong muôn ngàn gian khổ của cán bộ, chiến sĩ tôi luôn ao ước khắc họa bằng hình ảnh về người chiến sĩ theo vần thơ mà Bác đã tặng:
“Núi cao sự nghiệp càng cao
Biển sâu ý chí ta so vào càng sâu”.
“Núi cao sự nghiệp càng cao” |
Không chỉ để vinh danh sự nghiệp vẻ vang mà sẽ là mãi mãi trở thành biểu tượng về sự hy sinh và lòng trung thành với Đảng với Dân ở mọi vị trí. Năm tháng đã trôi qua, những lời thơ của Bác như là một kho báu. Đất nước ta trải dài theo lịch sử. Có đi nhiều đến với những miền biên cương, hải đảo của Tổ quốc, mỗi tấc đất, nhành cây, ngọn cỏ đều trở nên thiêng liêng. Hồn thơ, hồn sông núi cứ luôn hòa quyện vào nhau trở thành những bản trường ca bất hủ! Nhưng có thể do khả năng biểu đạt hạn hẹp, nên những bức ảnh tôi chụp chưa mấy thành công; nhưng dù sao cũng từ đấy tôi hiểu thế nào là ảnh sáng tác.
Thế mới biết việc “sáng tác” đối với nhiếp ảnh đã có đề tài và nội dung cũng không dễ gì trở thành tác phẩm.