Nghệ thuật nhiếp ảnh của người Việt Nam ở nước ngoài
Xin giới thiệu hai trường hợp:
1. Người hiếm viết lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam.
Đấy là Lê Ngọc Minh, từng gặt hái nhiều huy chương trên ảnh đàn. Vốn là kỹ sư cầu đường làm việc ở Việt Nam và Hoa Kỳ, từ đây ông đi vào nhiếp ảnh.
Ngọc Minh sinh năm 1938 ở Hà Đông. Đến năm 1993, chuyển hướng sang nghiên cứu và viết về Lịch sử Nhiếp ảnh Việt Nam. Số là năm 1993 về Việt Nam, Ngọc Minh ghé thăm Hội NSNAViệt Nam và được tặng sách Lịch sử Nhiếp ảnh Việt Nam – sơ thảo (NXB Thông tin-Văn hóa, Hà Nội, 1993) đã thôi thúc ông đi vào hướng viết này. Bởi ông có ưu điểm tiếp cận cộng đồng nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam ở hải ngoại.
Năm 2005, Lê Ngọc Minh chắp nối bằng thư điện tử với người viết Nguyễn Đức Chính do “đồng khí tương cầu”. Thư từ giao duyên từ Lê Ngọc Minh là một bảng thống kê gần 200 bài báo của Nguyễn Đức Chính ở trong nước cùng các sách nghề mà Nguyễn Đức Chính đã xuất bản. Điều đó cho thấy năng lực và trách nhiệm tập hợp tài liệu Nguyễn Ngọc Minh.
Về sử liệu, Lê Ngọc Minh có trong tay nhiều dữ liệu từ những năm 1950 về sau, ở Hà Nội, Sài Gòn và hải ngoại. Ông viết: Nhờ tài liệu của Nguyễn Đức Chính mà có được danh sách và việc làm nghề của anh em bên kháng chiến từ năm 1945 và trong Chiến tranh Việt Nam trước năm 1975; lần ngược lên Khánh Ký, Trương Văn Sán và Đặng Huy Trứ.
Mấy năm nay Ngọc Minh mắc bệnh hiểm nghèo, ung thư thận, đã mấy lần nằm bệnh viện. Nhưng ông vẫn đau đáu một lòng với nhiếp ảnh. Đầu năm 2012, ông cho biết đã hoàn thành bản thảo một nghìn trang và tập hợp danh sách năm nghìn nhà nhiếp ảnh chụp Việt Nam. Thật là một công sức lao động to lớn để có một công trình văn hóa đồ sộ! Nghĩ đến việc xuất bản, cần một khoản tiền, Ngọc Minh tâm sự: “Tôi tính bán nhà để có tiền in sách”. Đấy là cuộc trò chuyện vào giữa Tháng Hai. Qua Tháng Ba, Hội Nhiếp ảnh Việt Nam ở Hoa Kỳ làm lễ vinh danh thành tựu nghệ thuật của Lê Ngọc Minh: Nghệ sĩ Có công xuất sắc, Thày giáo, Nhà báo.
Thế mà … ngày 6 Tháng Tư, ông đã ra đi.
Từ quê nhà tôi gửi điện chia buồn tới gia đình ông và thắp nén nhang lòng tưởng nhớ một “Nhà viết” giàu tâm huyết.
2. Người ảnh Trần Trí “chơi” ảnh lối cổ.
Ông tìm mua, tự làm mộc lắp ráp các kiểu máy ảnh “thùng”. Ống kính khủng chỉ một khẩu độ mở F/5,6 hoặc F/6,5 với vòng xoay chỉnh nét hệ M hoặc F. Không định thời chụp, chỉ bằng mở đóng nắp OK hoặc tấm vải đen che.
Hình chụp ra phim âm khổ lớn từ cỡ 8×10 đến 20×24 inch.
Giấy ảnh in trực tiếp theo nguyên cỡ phim.
Người chơi ảnh tự làm lấy từng tấm phim chụp và từng tấm giấy in ảnh giống như thời thập niên 1850 – 1860. Việc làm thủ công, ông dùng tấm đế Xquang, lấy cọ quét lên dung dịch bạch kim. Giấy ảnh cũng được làm như vậy. Tùy tỷ lệ pha chế dung dịch cảm quang này mà mỗi tấm ảnh làm ra đều không giống nhau về sắc độ.
Để làm ra ảnh, ông làm mô thạch (bằng rau câu) mua ở chợ về, nấu lỏng cùng với mực tàu, san phẳng, phơi khô.
Phim (âm bản) in trực tiếp lên mô thạch bằng ánh sáng tia cực tím: được hình âm tính. Lấy giấy ảnh đã đã quét dung dịch cảm quang ấp lên “ảnh thạch”, tờ ảnh trở lại hình dương.
Như đã nói, do tỷ lệ pha chế dung dịch cảm quang, do thời lượng phơi sáng, mỗi lần in ảnh từ một tấm phim ra thành ảnh khác nhau về sắc độ: khi thì tim tím ngả đen, khi thì các cung độ nâu; mịn, không hạt. Ảnh có tông trầm, dịu, đạt chiều sâu cảm thụ và có cảm giác không gian ba chiều (nhờ muối bạch kim).
Nói thì ngắn, nhưng từng việc làm tỷ mẩn, kỳ công.
Trần Trí (nguyên tên Trần Phấn Trí) sinh năm 1963 ở Sài Gòn, từng sống ở Canada và định cư tại California. Đam mê chụp ảnh, loại ảnh chân dung, từ thời học phổ thông. trong nhiều năm nay lội ngược dòng về thời làm ảnh cổ xưa. Tự nghĩ: Làm Nghệ thuật là phải tự mình thực hành từ A đến Z, thích thú kiểu nhà nông “tự cày cấy lấy gạo mà ăn, tự đào giếng lấy nước mà uống”. “Cảm ơn Thượng đế đã ban cho chúng ta, người Việt Nam một đôi tay khéo léo và một bộ óc sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn để hoàn chỉnh những gì mình muốn thực hiện”.
Theo Trần Trí, trên thế giới đang có chừng hai trăm người theo đuổi việc làm ảnh lối nguyên thủy này. Sáng tạo, có ảnh phẩm, họ gặp nhau, giao lưu, bày xem chung. Đem tác phẩm đến trưng bày ở các trường đại học có khoa nghệ thuật, giúp bạn trẻ trong thời đại Ảnh Màu và Kỹ thuật Số hiểu được giá trị đích thực của Nghệ thuật Nhiếp ảnh là Đen Trắng.
Chưa từng có cuộc thi nào cho loại hình ảnh này cũng như chưa từng có Hội đoàn nào trao giải thưởng. Nhưng thỏa chí đam mê nghệ thuật.