Tin tức chung

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng: Nhiếp ảnh là sự thật

Ông tâm sự rằng, nhiếp ảnh trở thành nghiệp của đời ông và có sức lôi cuốn như một “người tình” vậy.

Tốt nghiệp Ðại học báo chí chuyên ngành báo ảnh, nghệ sĩ Trần Hồng sớm “bén duyên” với nghệ thuật chụp ảnh chân dung và đã định hình cho mình phương pháp chụp ảnh riêng “không giống ai”. Ông cho rằng chụp ảnh chân dung phải định hình, định tính được con người ấy là ai dù chỉ qua một khoảnh khắc nhất định.

Năm 1992, đợt triển lãm đầu tiên của nghệ sĩ Trần Hồng được tổ chức tại 45 Tràng Tiền với tên gọi Triển lãm ảnh của Trần Hồng. Ông kể: Ban đầu khi mới đưa ra ý tưởng người ta còn ngại ngần bởi chưa bao giờ có cuộc triển lãm chỉ toàn ảnh chân dung với những số phận khác nhau từ người ăn xin đến người nổi tiếng.

Nhiều người chất vấn ông tại sao lại trưng bày những bức ảnh đó cùng nhau, ông thẳng thắn bày tỏ: “Tôi muốn thông báo về số phận của những con người, không có sự phân biệt sang hèn. Ai cũng có quyền muốn mình được sung sướng nếu có người ta thấp hèn cũng chỉ vì điều kiện không cho phép”. Những bức ảnh trưng bày đầu tiên ấy đã ít nhiều tạo được dấu ấn về người nghệ sĩ trong lòng công chúng.

Với mong muốn khám phá đến tận cùng khả năng tiềm ẩn của phụ nữ Việt Nam trong đó nổi lên là các bà mẹ đã có nhiều đứa con hy sinh vì Tổ quốc, năm 1995, nghệ sĩ Trần Hồng tổ chức cuộc triển lãm mang tên Chân dung mẹ. “Tôi không gọi đó là các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng bởi với tôi tất cả các bà mẹ trên dải đất này xét về một góc độ nào đó đều là những bà mẹ anh hùng”.

Bao nhiêu bức ảnh chân dung mẹ có được là biết bao nhiêu lần nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng rong ruổi về mọi miền quê khám phá chân dung những người mẹ nhân từ, vĩ đại và mãi đến giờ ông vẫn không “dứt ra được”. Ông kể rằng bức ảnh chụp mẹ Nguyễn Thị Khánh (Hòn Ðất, Kiên Giang) trong ngôi nhà gỗ rất đẹp và rộng do Sư đoàn 4 tặng mẹ đã để lại trong ông nhiều cảm xúc nhất. Mẹ có bảy người con là liệt sĩ và trong ngôi nhà ấy mẹ càng cảm thấy đơn côi bên mâm cơm trống trải, chú mèo nhỏ nằm yên bên cạnh mẹ như cũng cảm nhận được nỗi buồn vắng quanh mình.

Trong quá trình tiếp xúc chụp ảnh các mẹ, nghệ sĩ Trần Hồng nhận thấy: “Nụ cười của các bà mẹ cuộc đời có nhiều hy sinh, mất mát bao giờ cũng chứa đựng mâu thuẫn, dù cười cũng chỉ là cái cười giữa chừng, không giấu được nỗi đau dai dẳng.

Người nhiếp ảnh phải thể hiện được đằng sau nụ cười ấy là gì, không phải cứ nhìn cái cười cơ học mà đánh giá. Biết bao giọt nước mắt thể hiện niềm vui nhưng có bao nụ cười lại thể hiện niềm vui giả dối”.

Những bức ảnh này được tập hơn in thành sách ảnh với nhan đề Chân dung mẹ do Nhà xuất bản Quân đội ấn hành năm 1997 và được Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam bình chọn là tác phẩm đạt giải xuất sắc năm 1998. Niềm hạnh phúc lớn hơn đối với ông là mỗi lần về quê chụp ảnh, người dân đều đón chào ông bằng những lời chào thân thiết “bà mẹ Việt Nam đã về”.

Niềm đam mê chụp ảnh chân dung đã thôi thúc nghệ sĩ Trần Hồng tìm đến Ðại tướng Võ Nguyên Giáp. Gần 20 năm được tiếp xúc với Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, nghệ sĩ Trần Hồng đã có hơn 1.500 thước phim nhựa mầu và đen trắng ưng ý chụp Ðại tướng. Trong số đó, ông chọn ra 95 phim mầu làm ảnh trưng bày tại triển lãm Ðại tướng Võ Nguyên Giáp – những lần tôi được gặp tổ chức tại Quảng Bình tháng 8-2006 nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 95 của Ðại tướng.

Theo nghệ sĩ Trần Hồng, ngày nay chụp những bức ảnh đẹp không khó vì đã có máy móc hỗ trợ nhưng chụp ảnh thế nào cho có ý nghĩa thì lại là một vấn đề rất cần đến chuyên môn. Những bức ảnh ấy phải cho thế hệ sau thấy được thời đại nhà nhiếp ảnh sống có điều gì nổi bật bởi nhiếp ảnh là sự thật và sự thật không bao giờ có sự xuyên tạc.

 

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Để lại một bình luận

Back to top button