Ý tưởng trong các thể loại ảnh
“Tác phẩm mà không có Ý tưởng như con người không có tâm hồn”
Thiên nhiên vốn dĩ vẫn vậy, từ cái thuở hồng hoang xa xưa… nhưng đó là thiên nhiên hoang dã hoàn toàn chưa có nghệ thuật, phải chờ khi có loài người thông minh xuất hiện mới có nghệ thuật và ý tưởng ra đời từ đó. Nghệ sĩ bằng tài năng của mình “đánh thức” thiên nhiên, hay nói đúng hơn đặt ý tưởng sáng tạo của mình vào đấy. Với tôi Ý tưởng là HỒN của tác phẩm, bố cục là CỐT và sắc độ là DA THỊT của tác phẩm. Một tác phẩm có kích thước to tổ bố mà lại thiếu Ý tưởng (HỒN) đó chỉ là tác phẩm “chết”.
Với mối quan hệ tương hỗ:
– Hình thức phản ánh nội dung.
– Nội dung quyết định hình thức.
Nhìn lại quá trình phát triển Nhiếp ảnh, qua các giai đoạn phát triển của khoa học – công nghệ và biến thiên của xã hội tác động vào tư tưởng con người, các nghệ sĩ nhiếp ảnh đã dùng hình thức để chuyển tải Ý tưởng vào nội dung tác phẩm thế nào?
1. Mượn thiên nhiên hoặc hiện tượng ngẫu nhiên để nói lên ý tưởng:
Hình tượng như: Chồi xanh trên lá vàng – Mầm xanh mọc xuyên qua lá vàng rụng – Măng và bụi tre v.v. xuất hiện khá nhiều, và bằng cặp mắt tinh tường phát hiện và kịp thời ghi lại trong khoảnh khắc vô cùng hiếm có như bức: “Chim về ngủ” – “Không biên giới” của Tomy Dimac, “Bồ câu hòa bình”…
Không biên giới – tác giả: Tomy Dimac |
2. Tự mình sáng tạo trong cách dàn dựng sắp xếp để nói lên ý tưởng:
Nghệ sĩ bậc thầy trong phong cách này Luis Raota (Argentin) và không thể không nhắc tới Man Ray với “Nước mắt thủy tinh, “Vĩ cầm” làm thay đổi diện mạo thế giới (theo Vapa) cho đến nay đã tốn biết bao giấy mực bình phẩm. Ở Việt Nam có: “Hận quá giang” triển lãm 1952 của Bùi Quý Vụ, “Tin Thu”, “Ngăn cách” của Lê Anh Tài… Nhìn chung những nghệ sĩ thời ấy chụp những đồ vật hình ảnh bình dị xung quanh mình để nói lên thân phận cá nhân con người. Miền Bắc trong không khí cả nước kháng chiến, những ý tưởng hầu hết nằm ở trong ảnh báo chí, như: “Xung kích” của Nguyễn Tiến Lợi, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của Lê Minh Trường, “Vượt trọng điểm (Trường sơn)” của Vũ Ba, “Dưới gót chân anh Giải phóng quân” của Đinh Ngọc Thông, “Nụ cười dưới chân thành cổ Quảng trị” của Đoàn Công Tính, “Bắt sống giặc lái Mỹ” của Phan Thoan…
Cô gái với cành hoa – tác giả: Marc Riboud |
Thế giới có nhiều tác phẩm ý tưởng tuyệt hay như: “Cô gái với cành hoa” (La jeune fille à la fleur), “Washington 1967” của Marc Riboud chụp cuộc biểu tình ngày 21/10/1967 tại Washington DC thủ đô Hoa Kỳ, hình ảnh nổi bật là bông hoa trên tay cô gái trao cho hàng lính Mỹ đang dương súng gắn lưỡi lê trước mặt cô, đó là thông điệp Hòa bình cô muốn gửi tới. Bức: “Salvador Dali Atomicus” của Philipe Halsman – 1948, Ý tưởng ở đây ẩn trong không gian siêu thực lồng ghép trong cái vô thực tất cả một mớ hỗn độn được bày xếp để thấy mọi thứ dường như chuyển động. Bức “Mặt nạ” sự đối lập sắc thái tình cảm của cái mặt nạ và người bán…
Mặt nạ |
Thế hệ nghệ sĩ Nhiếp ảnh sau khi đất nước thống nhất với những tác phẩm: “Ôi chao”, “Đời nghệ sĩ” của Đồng Đức Thành, hình ảnh con ve sầu nằm ở góc nhỏ trên nền trắng tinh khôi tác giả nói lên: Cuộc đời của nghệ sĩ trung thực trong trắng chỉ có dâng hiến cho người… rồi Huỳnh Ngọc Dân với “Thông điệp cô gái mù”.v.v. Bộ ảnh (chụp khay vuông) làm nên một Master FIAP: Hoàng Quốc Tuấn.
Như đã nói, Ý tưởng là phần hồn của tác phẩm, nó chi phối tất cả từ: Bố cục – Ánh sáng – Góc độ máy – Tiêu cự ống kính.v.v. Nhưng nó thường vô hình không dễ nhận ra bởi nó nằm ở nơi sâu thẳm của tác phẩm. Nếu những gì ta thấy bằng mắt (hình thức), tạm gọi là phần DƯƠNG thì Ý tưởng là phần ÂM như phần chìm của tảng băng trôi (cũng có những Ý tưởng đã “lộ thiên”). Ngôn ngữ trong ảnh ý tưởng sâu – rộng nên tác giả hay sử dụng cách nói “thiếu chính xác” để rộng nghĩa hơn. Vì vậy để có thể tiếp cận ý tưởng của tác phẩm người xem phải tự mình bóc dỡ từng vỉa, mảng đa tầng đa nghĩa mới hi vọng chạm tới được. Với những Ý tưởng đích thực, sâu sắc giàu tính nhân văn – trí tuệ… tự nó “bay ra” khỏi khung “chật hẹp” của tác phẩm vượt qua mọi rào cản của ngôn ngữ, tín ngưỡng những nếp nghĩ định kiến hẹp hòi lạc hậu cổ hủ, xuyên thấu lòng người, thức tỉnh lương tri nhân loại vươn tới CÁI ĐẸP, thay đổi nhận thức của cả một thế hệ, có độ lan tỏa “phủ sóng” rộng khắp.v.v. Đó chính là bức thông điệp chân lý mà tác giả muốn gửi tới chúng ta.
Bồ câu hòa bình |
3. Dùng photoshop tạo ra tác phẩm xây dựng ý tưởng.
Thời film nhựa những kỹ xảo thực hiện ở trong buồng tối (chambre noire). Ngày nay thế hệ nhiếp ảnh kỹ thuật số sử dụng photoshop dễ hơn trong thao tác thực hiện và đã có cuộc thi riêng: Ảnh Ý tưởng (tạm gọi như thế) đã chứng minh rằng cũng như ảnh film nhựa nếu chỉ giỏi photoshop mà ý tưởng nghèo, nội dung thiếu chiều sâu thì theo WA.Ghuethe (Nhà văn – Triết gia Đức) khi đánh giá họa sĩ vẽ để nhìn cho đẹp mắt nhưng không có tính sáng tạo thì… “chỉ là anh thợ sơn giỏi”. Ý tưởng là cái hồn cốt lõi, còn các hình thức thể hiện có thể khác nhau, khoa học – công nghệ mang đến cho Nhiếp ảnh những sản phẩm mới, hiện đại chính xác rất thuận tiện trong tác nghiệp.v.v. nhưng đó là cái “vỏ” chứa đựng, là phương tiện để chuyển tải ý tưởng tác phẩm.
Đến nay nhìn lại thấy mọi hình thức sáng tạo đều hay, đều có công chúng riêng của từng dòng và khó có thể nói “dòng” nào hay hơn “dòng” nào. Nó chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào tài năng của nghệ sĩ.