Lý luận phê bình

Thông điệp từ một cuộc triển lãm

 

100 tác phẩm nhiếp ảnh độc đáo mang theo nhiều thông điệp cuộc sống đã được các tác giả chăm chút thận trọng gởi vào đã làm người thưởng lãm phải đắn đo, trăn trở suy nghĩ. Vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt tác, hùng vĩ của khắp miền Tổ quốc được ghi lại dưới nhiều góc nhìn ống kính mang đến khá nhiều điều bất ngờ thú vị. Nếu như  “Khoảnh khắc Hạ Long” hay “Quần đảo Long Châu – Cát Bà ” ghi lại vẻ đẹp của vùng biển phía Bắc thì “Rừng Tràm Trà Sư”, “Sếu Đầu đỏ” là những điểm xuyết đặc trưng cho vẻ đẹp phương Nam với biết bao loài chim muông quý hiếm.

Em Nguyễn Thị Thu Phương, sinh viên trường Đại Học Võ Trường Toản cho biết: “… Qua cuộc triển lãm em biết thêm nhiều về cảnh đẹp thiên nhiên, những di sản quý giá của đất nước, em sẽ vận động người thân bạn bè ra sức bảo vệ những tài sản vô giá ấy…”.

Ở góc độ kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường sống, bảo vệ thiên nhiên, chim thú quý hiếm, người xem giật mình trăn trở lo toan khi bắt gặp những bức ảnh gây “sốc” như  “Tây Nguyên màu xám”  cảnh báo nạn chặt phá rừng diễn ra nghiêm trọng tạo những gam màu xám tối tăm đang quan ngại. Bộ ảnh “Tàn sát loài khỉ” là tiếng chuông ngân báo động tình trạng tận diệt các loài thú quý hiếm đang có chiều hướng gia tăng đang cần sự chung tay ngăn chặn của cộng đồng.

Ông Phan Văn Chánh, ngụ huyện Phong Điền, TP Cần Thơ bộc bạch “… Tôi rất buồn và lo lắng trước việc tàn sát các loài thú quý hiếm, tôi nghĩ Nhà nước và nhân dân phải bắt tay chặt chẽ và hành động ngay để bảo vệ chúng, đồng thời trừng trị thích đáng những người đang tàn phá thiên nhiên, tận diệt thú rừng…”.

Cuộc triển lãm còn để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, cung cấp nhiều hiểu biết mới trong lòng người xem thông qua các bức ảnh đẹp phản ảnh các lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc anh em. Nếu như “Lễ hội Vật cầu bùn” mô tả sống động một môn thể thao truyền thống vui nhộn và hấp dẫn của người dân Bắc Giang thì “Lễ tảo mộ của người Chăm Bani” giúp người xem hiểu thêm về văn hóa Chăm trong nghi thức dân gian có tự lâu đời, “Lễ hội đả ngư” đưa người dự khán trở về câu chuyện huyền thoại đầy ý nghĩa nhân văn sâu sắc đã đi sâu vào lòng người hàng trăm năm nay.

Không dừng lại ở đây, có khá nhiều bức ảnh miêu tả nhẹ nhàng mà thâm thúy cuộc sống, sinh hoạt, các làng nghề truyền thống, những nếp sống xưa đầy giá trị. Đây những con đường “cổ” thân thương gần gũi chứng kiến bao thăng trầm của cuộc sống được thu gọn trong tác phẩm “Đường làng ngõ xóm”. Đây sự uy thiêng huyền bí lạ thường của nơi an nghỉ người Tây Nguyên xưa đưa lòng vào tác phẩm “Nhà mồ Tây Nguyên”. Tác phẩm “Đồ nghề của ngư dân” lại đưa người xem đến với những công cụ lao động gần gũi và thân thương của người dân vùng biển mà không phải ai ai cũng biết.

Chủ đề cũng rất quan trọng để tạo nên thông điệp chung của cuộc triển lãm là những tác phẩm ghi lại những công trình văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, sân khấu xưa luôn chứa đựng nét hoài cổ thâm trầm và sâu lắng như nhắc nhở con người hôm nay không được lãng quên cội nguồn. Một bưu điện Sài gòn cổ kính, một Đại nội Huế hoành tráng lộng lẫy kiêu sa, một Hội An trầm mặc cùng năm tháng cuộc đời, những vai diễn sân khấu để đời bất chấp qui luật của thời gian, tất cả đã làm sống lại khoảng không gian xưa u ẩn nhẹ nhàng trong lòng người đến xem.

Cần lắm, thiết thực lắm trong khi nhiều nơi đang diễn ra vấn nạn chặt phá rừng, khai thác thiên nhiên bừa bãi, tận diệt thiên nhiên, động vật hoang dã quý hiếm, phá bỏ, phá cách nhiều di sản dân tộc đang lo ngại, thì 100 bức ảnh, tuy không nhiều nhưng thực sự là một búc tranh tổng thể, một Việt Nam xưa được thu nhỏ tạo cảm giác mới lạ, thích thú, hấp dẫn. Đây là một thông điệp xanh thật ý nghĩa và cấp bách biết bao.

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Để lại một bình luận

Back to top button