Lý luận phê bình

Thi vào Khoa Nhiếp ảnh trường Đại học sân khấu Điện ảnh Hà Nội

Vậy thi vào ngành Nhiếp ảnh, các thi sinh phải thi những môn gì? Thi như thế nào? Chúng tôi xin chia sẻ với các thí sinh một vài thông tin cũng như kinh nghiệm làm bài dự thi.

Cũng giống như các khoa thuộc các khối ngành nghệ thuật khác, thi vào khoa Nhiếp ảnh cũng phải trải qua 2 vòng thi. Vòng sơ tuyển và chung tuyển. Ở vòng thi Sơ tuyển, đề thi có khoảng 10 đến 20 câu hỏi bao gồm những kiến thức chung về các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của Việt Nam nói riêng và Thế giới nói chung. Ví dụ những câu hỏi trong bài thi kiến thức chung như sau:

1. Chủ tịch Quốc hội nước ta hiện nay là ai?

2. Hãy nêu 10 sự kiện tiêu biểu về văn hóa của Việt Nam trong năm qua?

3. Bài thơ “Người đi tìm hình của nước” là của tác giả nào?

4. Hãy kể tên 5 tác phẩm Điện ảnh của Việt Nam đạt giải Quốc tế?

5. Hãy kể tên 05 nhà Nhiếp ảnh và một vài tác phẩm của họ?

Trong các kỳ tuyển sinh trước, có thí sinh sau khi làm bài đã nói: “Đề thi ra toàn những câu hỏi “chẳng giống ai””. Xin thưa, dự thi vào các khối ngành nghệ thuật nói chung và ngành nhiếp ảnh nói riêng, tức là sau khi tốt nghiệp sẽ phục vụ trong lĩnh vực văn hóa thông tin, vì vậy đòi hỏi thí sinh phải nắm được kiến thức sơ đẳng về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội…

Kinh nghiệm cho thấy, để qua được vòng sơ tuyển tưởng dễ mà khó này, thí sinh cứ việc theo dõi sát sao chương trình thời sự trên sóng truyền hình. Xem thời sự cũng là hình thức xả stress sau những giờ miệt mài học tập những môn học khác…

Sau khi vượt qua được vòng sơ tuyển, thí sinh dự thi ngành Nhiếp ảnh sẽ phải thi ba môn: môn Văn, viết bài phân tích ảnh (hay còn gọi là Lý luận Phê bình Nhiếp ảnh), thi chụp ảnh và trả lời vấn đáp về những bức ảnh mà thí sinh đã chụp.

Cụ thể ở vòng thi chung khảo diễn ra như sau: Đối với môn Văn, đề thi ra theo quy định trong khung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đối với môn năng khiếu chụp ảnh, hội đồng tuyển sinh sẽ dẫn thí sinh đến một địa điểm nào đó cách trường Sân khấu Điện ảnh khoảng 30 đến 100 km để chụp ảnh. Thời gian chụp từ khoảng 9 sáng đến khoảng 4 giờ chiều. Sau khi Hội đồng tuyển sinh in phóng ảnh xong, các thí sinh sẽ lựa chọn ra khoảng 10 bức ảnh mình chụp đẹp nhất và trả lời vấn đáp ban giám khảo. Những câu hỏi mà ban giám khảo đưa ra không khó, thường là những câu hỏi liên quan đến kiến thức về nhiếp ảnh mà cụ thể nằm ngay trong những bức ảnh mà thí sinh đã chụp. Ví dụ em thích nhất bức ảnh nào trong bộ ảnh của em? Tại sao em lại chụp đối tượng ở góc độ này mà không phải khóc độ khác? Em định nói gì trong bức ảnh này?…

Kinh nghiệm cho thấy, để đạt được điểm cao trong bài thi này, thí sinh phải chụp được những tấm ảnh đa dạng về cỡ hình như: viễn cảnh, toàn cảnh, trung cảnh, cận cảnh và đặc tả. Thi đầu vào, ban giám khảo chưa yêu cầu thí sinh phải nắm vững kỹ thuật, nhưng mỗi bức ảnh mà thì sinh chụp phải có nội dung. Tức là khi xem ảnh người xem phải thấy được bức ảnh nói lên điều gì… Ngoài ra, bộ ảnh mà thí sinh chụp phải đa dạng về thể loại như ảnh phong cảnh, ảnh sinh hoạt, ảnh chân dung… Thí sinh không nên chỉ chụp toàn ảnh phong cảnh mà bỏ qua ảnh chân dung và ảnh sinh hoạt hoặc ngược lại…

Trong bài viết phân tích ảnh, đề ra thường có hai câu. Ví dụ: Câu 1: Bằng những kiến thức về nhiếp ảnh, hãy phân tích những bức ảnh sau và chứng minh “nghệ thuật nhiếp ảnh là vẽ bằng ánh sáng”. (Phát cho thí sinh từ 4 – 5 tấm ảnh để xem và viết bài phân tích). Câu 2: Hãy đặt tên cho những bức ảnh đó?

Đây thực sự là phần thi khó, bởi khi học phổ thông, thí sinh chưa được học cách viết một bài phân tích nhiếp ảnh. Nhiều thí sinh vào phòng thi rồi mà vẫn còn ngô nghê không biết phải viết như thế nào. Thôi thì cứ nghĩ như thế nào, viết thế đó. Kinh nghiệm cho thấy, để đạt điểm cao trong phần thi này, thí sinh phải biết cấu trúc bài viết. Bài viết bao giờ cũng phải có 3 phần: phần mở bài, thân bài và kết luận giống như một bài văn. Phần mở bài đưa ra khái quát chung rồi đưa ra những lời lẽ dẵn dắt người xem vào vấn đề mà đề bài yêu cầu. Phần 2 là phần quan trọng nhất, dù đề thi ở dạng nào cũng phải phân tích những tấm ảnh mà đề thi đưa ra, tức là đánh giá những bức ảnh đó thành công hay không thành công. Nội dung bức ảnh cũng như bố cục, ánh sáng và cách thể hiện của tác giả đã góp phần tạo nên sự thành công cho bức ảnh như thế nào. Sau đó dùng hiểu biết của mình để chứng minh vấn đề mà đề bài đưa ra.

Phần 3, nói lên cảm nghĩ của mình và khẳng định lại vấn đề mà đề bài yêu cầu.

Dưới đây là bài viết được điểm cao nhất trong kỳ thi tuyển sinh vào khoa Nhiếp ảnh, trường Đại học SKĐA năm học 2005 – 2006 mời các bạn tham khảo.

Đề bài: Hãy xem 04 bức ảnh sau và chứng minh “lao động là một yếu tố không thể thiếu đối với nhà nhiếp ảnh”. Thử đặt tên cho những bức ảnh đó?

Không biết từ bao giờ mong muốn có những tấm ảnh để làm kỷ niệm là nhu cầu không thể thiếu của mỗi người, nhất là trong những năm gần đây với sự bùng nổ của máy ảnh kỹ thuật số thì sở thích đó không bị coi là thú vui “xa xỉ” nữa. Nhưng để có được bức ảnh có giá trị nghệ thuật thì không phải là điều mà ai cũng có thể làm được. Để có bức ảnh đẹp, ngoài việc tìm tòi, sáng tạo, người cầm máy phải không ngừng lao động. Và không phải ngẫu nhiên Lep. Tônxtôi đã nói: “Lao động! Lao động! Tôi cảm thấy hạnh phúc khi tôi lao động!”.

Có ý kiến cho rằng: “Lịch sử nói chung phán xét những gì đã qua, còn lịch sử nhiếp ảnh phán xét những gì ngưng đọng lại”. Vâng, trong cuộc sống có biết bao nhiêu điều hàng ngày, hàng giờ vẫn diễn ra và lại trôi đi một cách buồn tẻ, nhưng với con mắt của nhà nhiếp ảnh, họ đã biết chắt lọc và giữ lại những bức tranh sinh động nhất của cuộc sống, bốn bức ảnh trên là một minh chứng.

Bức ảnh thứ nhất là bức ảnh phong cảnh, chụp dòng thác đang chảy. Người xem đã bị thu hút bởi một mảng sáng. Đó chính là dòng thác như một dải lụa bàng bạc từ trên cao đổ xuống tung bọt trắng xóa. Phía trước là những hàng cây đang nghiêng mình soi bóng xuống dòng suối tạo nên sự mát mẻ, thanh bình. Sau khi xem ảnh, nhắm mắt lại rồi nhưng vẳng bên tai người xem vẫn ào ào tiếng thác, vẫn róc rách tiếng suối nghe đến êm tai. Tuy nhiên, giá như khi chụp ảnh, người cầm máy chờ đợi để có thêm một vài người đang nô đùa phía trên phần bên phải hoặc phía dưới phần bên trái của khuôn hình thì bức ảnh sẽ hoàn thiện hơn. Tiếng suối, tiếng thác cộng với tiếng cười nói, vui đùa tạo nên sự hoà quyện giữa thiên nhiên và con người sẽ làm cho bức ảnh sống động hơn.

Bức ảnh thứ hai chụp những người phụ nữ đang ngồi trên gò đất, phía trước họ là những đôi quang gánh, phía sau họ là mái hiên của một ngôi nhà đã cũ, họ đang vui vẻ cười nói, trò chuyện (tạm đặt tên là “Giờ giải lao”). Để ý bức ảnh người xem thấy rõ những đôi chân trần của những người phụ nữ ấy đang lấm lem bùn đất. Họ vừa đi chợ về hay vừa từ dưới ruộng lên hoặc chuẩn bị gánh rau ra chợ bán? Bối cảnh trong bức ảnh không cho người xem thấy rõ điều đó, nhưng tất cả những người phụ nữ ấy cùng cười và mắt nhìn về một hướng như chờ đợi những người bạn đang đi về phía mình. Họ cùng ngồi nghỉ, cùng nói về buổi chợ với những mớ rau, đồng cà. Vâng, câu chuyện của những người phụ nữ chốn thôn quê ấy bao giờ cũng giản dị, giản dị như nụ cười, như cuộc sống của chính họ.

Bức ảnh thứ ba là bức ảnh chụp đàn cò, (tạm đặt tên là “Thanh bình”), tác giả đã đặt đàn cò trắng trên phông nền xanh thẳm làm cho người xem thấy rõ được tư thế của từng con cò. Phía trên là hai con cò đang dang cánh chuẩn bị hạ xuống, phía dưới là những con cò đang đậu trên ngọn tre như dáng ngồi chờ đợi. Sự chờ đợi trở về của bầy đàn sau một ngày kiếm ăn vất vả. Ở bức ảnh này tác giả đã chọn được thời điểm bấm máy phù hợp, hai con cò phía trên đang vỗ cánh, tạo nên cái “động” làm cho bức ảnh sinh động hơn. Tuy nhiên nếu cái phông nền phía sau được thay bằng cảnh hoàng hôn đỏ sẫm thì sự sum vầy của “gia đình” nhà cò lúc này sẽ có ý nghĩa hơn…

Bức ảnh thứ tư chụp hai bà già đang têm trầu, (tạm đặt tên là “Đôi bạn”). Khi xem bức ảnh này người xem chợt nhớ về tuổi thơ của mình. Nhớ những buổi trưa hè hoặc những đêm sáng trăng được bàn tay chai sần thô ráp của bà, của mẹ hát ru đưa ta vào giấc ngủ sâu. Người xem cũng chợt liên tưởng đến những lần nhai trầu hoặc giã trầu cho bà ăn khi hàm răng của bà đã rụng gần hết.

Khi xem bức ảnh “Đôi bạn” trong tâm khảm người xem bỗng vang lên lời một ca khúc. Hát rằng: “Đất nước tôi, thon thả giọt đàn bầu. Nghe dịu nỗi đau của mẹ, ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ. Các anh không về, mình mẹ lặng yên…”. Vâng, có thể hai người mẹ trong bức ảnh này không phải là những người mẹ tiễn con trong đoàn quân ra trận năm ấy, nhưng dáng ngồi lặng lẽ của họ cho ta thấy sự cô đơn của tuổi già. Sự cô đơn mà có lẽ các lớp cháu con cũng không thấu hiểu, chính vì vậy họ đã phải tìm đến nhau, nương tựa vào nhau  để cùng sẻ chia tâm sự…

Các nhà tâm lý học cho rằng: “cùng với tưởng tượng, sáng tạo, cảm xúc đã giúp nghệ thuật thăng hoa”, và có lẽ khi chụp bức ảnh này tác giả đã phải trải lòng mình, đã hiểu và cảm thông trước sự cô đơn của tuổi già nên mới bắt được cái “hồn” để tạo nên thành công chung cho bức ảnh.

Bốn bức ảnh trên chưa hẳn đã hoàn thiện nhưng được người xem chấp nhận và chắc chắn nó sẽ sống mãi trong lòng người xem. Đó cũng chính là niềm vui, niềm mong ước của người nghệ sĩ mỗi khi công bố tác phẩm của mình trước công chúng. Tuy nhiên để đạt được kết quả như vậy, ngoài việc tìm tòi, sáng tạo, người nghệ sĩ đã phải lao động không ngừng. Bởi vì nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống nhưng nghệ thuật lại đi trước cuộc sống. Nếu không tìm tòi, sáng tạo thì người cầm máy chỉ có những bức ảnh vô hồn, là bản coppy nhạt nhẽo từ cuộc sống. Hơn nữa sự may mắn chỉ đến với những người yêu lao động và biết lao động. Nếu không lao động nghệ thuật hết mình thì chắc hẳn người nghệ sĩ không có được những bức ảnh thành công. Bốn bức ảnh trên được người xem đón nhận bởi tài năng và cũng là kết quả của sự lao động hết mình của người nghệ sĩ.

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Để lại một bình luận

Back to top button