Ảnh báo chí thiếu tính báo chí
Ảnh mới chỉ để minh họa
Theo đánh giá chung, dù đang có những bước tiến đáng ghi nhận về chất lượng, nhưng ảnh báo chí nước ta hiện vẫn còn nhiều mặt yếu kém cần được khắc phục. Một thực trạng phổ biến hiện nay là ảnh đăng báo chưa được các cơ quan báo chí quan tâm để sử dụng tối đa hiệu quả.
Theo ông Lê Quốc Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nhìn chung tỷ lệ sử dụng ảnh trên các báo khá cao, nhưng hầu hết ảnh đăng báo của chúng ta hiện nay là ảnh kèm theo tin, bài, có tính chất bổ trợ trực quan, minh hoạ cho tin, bài chứ chưa phải là những tác phẩm ảnh báo chí độc lập, có sức nặng như tiềm năng có thể của thể loại báo chí này. Mới chỉ có một vài cơ quan báo chí quan tâm đến việc này, nhưng đó lại là các tạp chí chuyên ảnh, ví dụ như báo ảnh Việt Nam.
Một thực trạng nữa phổ biến ở các ấn phẩm dạng tạp chí, đặc san là ảnh khá đẹp về hình thức, màu sắc bắt mắt nhưng ít thông tin báo chí, hầu hết mang tính chất minh hoạ, trang trí, thậm chí chỉ để lấp chỗ trống. Bên cạnh đó còn phổ biến tình trạng trang bìa của những số đặc biệt là những hình ảnh được sắp đặt, lắp ghép, bố trí sao cho đẹp như một tác phẩm hội hoạ hoặc tranh cổ động, nhiều khi công thức đến mức nhàm chán, chứ không phải là một tác phẩm báo chí điển hình cho chủ đề của ấn phẩm đó.
Nhà phê bình Vũ Đức Tân nhận xét: “Một số thư ký toà soạn và lãnh đạo các báo thường có đòi hỏi vô lý đối với phóng viên ảnh là sao không chụp thế này, thế nọ cho đẹp. Để có một thông tin chân thực, đôi khi chúng ta phải xét cái đẹp của ảnh từ góc độ báo chí”.
Một thực tế là tại Giải báo chí quốc gia những năm gần đây, mặc dù được quan tâm dành riêng một loại giải, nhưng số lượng ảnh báo chí gửi đến tham dự giải rất ít và chất lượng không được như mong đợi. Trong khi ảnh nghệ thuật của Việt Nam hàng năm gửi tham dự các cuộc thi quốc tế đã đoạt nhiều giải cao, đưa Việt Nam lên hàng “cường quốc” về ảnh nghệ thuật thì ảnh báo chí còn quá khiêm tốn.
Theo nhiều ý kiến thì một trong những nguyên nhân của thực trạng trên là do quan niệm sử dụng ảnh của chúng ta còn có những khiếm khuyết. Nhận thức của nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí chưa đánh giá đúng mức vai trò của ảnh báo chí như một loại hình báo chí độc lập, có ngôn ngữ riêng. Đó là chưa kể tới nhiều cơ quan báo chí chưa thật coi trọng giá trị của ảnh báo chí, khâu tuyển dụng phóng viên ảnh của nhiều tờ báo thiếu tính nguyên tắc nghề nghiệp. Thêm vào đó là đội ngũ phóng viên ảnh chuyên nghiệp còn quá ít ỏi, chưa được đào tạo bài bản, chủ yếu là phóng viên viết kiêm luôn chụp ảnh. Đặc biệt, cách sử dụng ảnh trên mặt báo còn dễ dãi, thiếu hoặc không có biên tập viên ảnh có năng lực thực sự để “gác cửa” cho thể loại thông tin này.
Ông Chu Chí Thành, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam nêu thực tế về cơ chế trả nhuận bút còn thấp cũng là điều khiến nhiều phóng viên ảnh nản lòng. Ở nhiều cơ quan báo chí, tờ báo chính và tờ phụ san có hai cách dùng ảnh và trả nhuận bút hoàn toàn khác nhau, trong đó lại có nghịch lý cái “phụ” cao hơn “chính”.
Cần một sự cố gắng đồng bộ
Nhằm nâng cao chất lượng ảnh báo chí, nhiều ý kiến khẳng định cần phải có một sự cố gắng đồng bộ của chính những người cầm máy và người sử dụng ảnh. Trước hết phải đưa ảnh báo chí về đúng với vai trò, vị trí của nó trên các ấn phẩm báo chí cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay. Để làm được điều này, các cơ quan báo chí cần chuyên nghiệp hoá phóng viên ảnh, trước hết họ phải là một nhà nhiếp ảnh thực thụ, đồng thời cần phải được đào tạo kiến thức báo chí.
Theo nhà báo, Phóng viên ảnh Đỗ Thuỳ Mai – Hội nhà báo tỉnh Cà Mau, chương trình đào tạo cử nhân báo chí, cần cải tiến, tăng thời lượng cho môn ảnh báo chí, cả lý luận và thực hành. Đào tạo phải theo tiêu chí “làm được” chứ không phải để biết. Đồng thời, quy trình tổ chức ảnh ở các tòa soạn cần phải được xây dựng cụ thể, có sự phối hợp chặt chẽ giữa phóng viên viết, phóng viên ảnh và hoạ sĩ trình bày. Các biên tập viên, thư ký toà soạn phải được trang bị kiến thức về ảnh nhằm liên kết những bài viết và bức ảnh sao cho hiệu quả nhất, truyền cho bạn đọc lượng thông tin phong phú và chân thực nhất.
Xã hội hoá ảnh báo chí cũng là vấn đề được quan tâm để nâng cao chất lượng ảnh báo chí. Thực tế là trong thời gian qua, bên cạnh đội ngũ phóng viên ảnh chính thức, các phóng viên ảnh tự do và cộng tác viên hoặc nhiều khi chỉ là người dân ở địa phương nơi có sự kiện diễn ra, đã góp phần không nhỏ làm phong phú diện mạo đời sống ảnh báo chí Việt Nam.