Tin tức chung

Vũ Tín – nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh của nông nghiệp, nông thôn

Thế hệ phóng viên ảnh Thông tấn xã Việt Nam những năm ấy có rất nhiều tay máy đã từng xông pha, lăn lộn với chiến trường, sống cùng những năm tháng lịch sử; trong đó có cả Phóng viên cao cấp, nghệ sĩ nhiếp ảnh – thương binh Vũ Tín, một trong những phóng viên ảnh của thời kỳ sau ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng.

Từ một nhân viên kỹ thuật buồng tối, ông trở thành phóng viên nhiếp ảnh của Nha nhiếp ảnh Trung ương. Sau một thời gian ngắn là phóng viên ảnh Báo Nhân dân, tháng 3 năm 1960, ông về Phân xã Nhiếp ảnh (sau này là Ban Biên tập Ảnh – TTXVN) và đi thường trú tại Hải Phòng. Thời gian gắn bó tại Hải Phòng trong 5 năm cộng với lòng yêu nghề đã mang đến cho ông những tác phẩm để đời. Tác phẩm “Bên dòng Tam Bạc” – giải Nhất triển lãm ảnh toàn quốc 1960 – chụp toàn cảnh nhà máy xi măng Hải Phòng từ trên cao, nằm ở vị trí hợp lưu của hai con sông Tam Bạc và sông Cấm. Qua bức ảnh, có thể thấy cả một thành phố công nghiệp lớn ở phía Bắc đang trên đà phát triển với nhà máy hối hả khói trắng nhưng cũng rất hùng vĩ, nên thơ.

Bên dòng Tam Bạc (Cán bộ và công nhân nhà máy Ciment – Hải Phòng đang sôi nổi phấn đấu để hoàn thành kế hoạch cả năm trước thời hạn. Trong ảnh: Nhà máy Ciment – Hải Phòng nhìn từ trên cao xuống) – Ảnh: Vũ Tín

Tác phẩm “Ngày mùa trên sân phơi hợp tác” là thành quả của nhiều chuyến đi công tác khắp các tỉnh thành xung quanh Hải Phòng. Bức ảnh ghi lại cảnh đập lúa trên sân kho hợp tác ở Hưng Yên. Trên sân chỉ thấy không khí làm việc rộn ràng với những con người lao động cần mẫn. Tất cả đều chăm chú vào khâu lao động cuối cùng – khâu thu hoạch. Với bố cục hình tròn, một mùa vàng bội thu đang hiện hữu, cuộc sống no ấm đang hiện hữu. Tưởng như mùi rạ ngai ngái và hương thơm cơm mới cũng đang hiện hữu đâu đây… Bức ảnh đã đoạt giải Nhất khi được chọn đi dự thi ảnh của Tổ chức Nhà báo Quốc tế OIJ. Cũng trong những ngày lang thang quanh Hưng Yên, Hải Dương, nhà báo Vũ Tín còn bắt gặp một lớp bình dân học vụ ban ngày dành cho các mẹ, các chị sau những giờ lao động. Tác phẩm mang tên “Xóa nạn mù chữ” ấy cũng đoạt giải Ba trong những ảnh gửi đi dự thi của Tổ chức Nhà báo Quốc tế OIJ.

Ngày mùa trên sân phơi hợp tác (Sân phơi công cộng của 4 đội trong HTX Việt Hồng đang đập và chia lúa cho xã viên) – Ảnh: Vũ Tín

Bên cạnh thể loại quen thuộc của mình về nông nghiệp nông thôn, Phóng viên Vũ Tín cũng tiếp cận với những thể loại ảnh khác và ghi lại dấu ấn của mình khi chụp Lễ tang của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bức ảnh tứ trụ triều đình gồm các đồng chí: Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh túc trực bên linh cữu Bác hay hình ảnh đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam do bác sĩ Phùng Văn Cung dẫn đầu, ra thăm miền Bắc (28/02/1969) gần gũi, quây quần xung quanh vị cha già dân tộc đã khiến rất nhiều người xem xúc động.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận và các Bộ, các ngành ở Trung ương túc trực bên linh cữu Hồ Chủ tịch tại Hội trường Ba Đình trong những ngày lễ tang – Ảnh: Vũ Tín

Đầu năm 1972, một bước ngoặt lớn đã đến khi phóng viên Vũ Tín lên đường vào chiến trường. Ông ở trong nhóm phóng viên thứ nhất vào mặt trận Quảng Trị theo cánh quân chủ lực ở miền tây cùng với các phóng viên ảnh khác như: Đoàn Tý, Vũ Tạo, Nghĩa Dũng, Hồng Thụ và hai kỹ thuật viên thu phát Telephoto. Ngoài nhiệm vụ nhận phim của các phóng viên mặt trận, tráng phim, soi phim làm ảnh, duyệt và phát Telephoto về Hà Nội, ông còn xin làm thêm nhiệm vụ chụp ảnh ngoài trận địa. Và với chiếc máy ảnh của mình, ông đã có mặt khắp nơi, ghi lại những hình ảnh vẫn nguyên sức nóng của chiến trường: một trận đánh vừa kết thúc tại nhà thờ Ái Tử, những chiến sĩ quân giải phóng chốt trong thành cổ, nhóm quân ngụy tự nguyện ra hàng, những chiến sĩ giao liên Trường Sơn…

Và trong những ngày tháng ác liệt ấy, phóng viên Vũ Tín không may bị thương và để lại một phần thân thể mình ở chiến trường Quảng Trị. Ông được đưa ra Bắc điều trị. Đến khi vết thương lành hẳn lại trở lại cầm máy, tiếp tục kể câu chuyện của đất nước, của những con người xây dựng đất nước bằng hình ảnh. Với ông, vết thương năm ấy đã không ngăn được niềm đam mê với nhiếp ảnh. Chỉ với đôi nạng gỗ và sự giúp đỡ tận tình của người vợ hiền của mình, ông rong ruổi khắp mọi miền Tổ quốc, dọc theo chiều dài đất nước, từ Lạng Sơn, Hà Nội, Sóc Trăng, Bến Tre…Việc tưởng chừng như không thể mà lại thành hiện thực. Vượt lên sự nghiệt ngã của thương tật, giữa năm 1994, ông mở triển lãm ảnh cá nhân khi đã ngoài 60 tuổi, gồm hai phần đen trắng (những tư liệu về mặt trận Quảng Trị trước khi ông bị thương) và màu (hình ảnh đất nước con người mới chụp sau này). Đó là những tác phẩm – những khoảnh khắc lịch sử mà người xem cảm nhận rõ về bố cục, ánh sáng, góc độ, đường nét tạo hình thông qua con mắt của một người nghệ sĩ, chiến sĩ.

Hồ Chủ tịch nói chuyện với đoàn đại biểu MTDTGP miền Nam do bác sĩ Phùng Văn Cung dẫn đầu, ra thăm miền Bắc (28/2/1969) – Ảnh: Vũ Tín

 

Có thể nói, cuộc đời làm báo của phóng viên nhiếp ảnh Vũ Tín đã qua rất nhiều mảng ảnh, lĩnh vực khác nhau nhưng có lẽ nông nghiệp và nông thôn là mảng đề tài ông gắn bó lâu dài và đam mê nhất, cũng thể hiện nhiều nhất. Con đường đến với nhiếp ảnh của ông không phải là một con đường bằng phẳng, dễ đi mà gồ ghề, chông gai. Nhưng vì tình yêu và sự đam mê nghề nghiệp, ông đã vượt qua tất cả. Giờ này, có lẽ ông đang thanh thản nhìn mọi thứ qua một “khuôn ngắm đặc biệt”, và lại chuẩn bị bấm máy.

Trân trọng tưởng nhớ ông, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh của nông nghiệp, nông thôn.

 

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Trả lời

Back to top button