Tin tức chung

Tôn vinh văn hóa phố cổ bằng tiếng nói của người dân

Người dân phố cổ tự nói về phố cổ

Đó là những thông điệp được người dân phố cổ gửi gắm qua những bức ảnh do chính họ chụp – những bức ảnh đựơc các chuyên gia cho rằng chứa đựng tiếng nói vô cùng giá trị. Lần đầu tiên tại Việt Nam, các thành viên Chi hội Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam với sự hỗ trợ của nhóm nghiên cứu JICA đã thực hiện một phương pháp nghiên cứu cộng đồng hiện đại: người dân tham gia và tự bản thân họ xác định những giá trị cần được bảo tồn. 20 người dân phường Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã được học cách sử dụng máy ảnh để chụp những gì họ coi là giá trị văn hóa phi vật thể của khu phố cổ và chỉ sau hơn 3 tháng, những nhiếp ảnh gia “tay trái” này đã chụp tới gần 6.000bức ảnh. Triển lãm Tiếng nói từ những bức ảnh của người dân phố cổ Hà Nội (Photo Voice) với những tác phẩm tiêu biểu đã nói lên những bức xúc, nguyện vọng là mong muốn của cư dân phố cổ.

Những bức ảnh do cư dân phố cổ thực hiện đã mang đến cho người xem xảm xúc thú vị khi “đọc” một chuỗi sự kiện bằng hình ảnh. Không chỉ là những góc nhìn vật chất về phố cổ mà còn có cả những cảm xúc của con người dành riêng cho nó: “Không khí khu phố cổ Hà Nội khác lạ lắm, buôn bán tấp nập chẳng đâu sánh được. Đôi khi ấn tượng về nó cứ bàng bạc thế nào. Tôi dạy học ở Ninh Bình mấy chục năm, có đêm nhớ về Hà Nội, không thấy nhớ phố, nhớ nhà mà lại cứ thấy thèm một tiếng rao đêm” – ông Ngô Quang Ân (67 tuổi) đã cho biết như vậy. Mỗi một bức ảnh đều đi kèm những tâm tư, nguyện vọng mà người dân muốn bộ lộ. Khá thú vị là phương pháp nghiên cứu này đã thu hút được nhiều lớp người tham gia, từ những cụ già sắp bước vào tuổi “cổ lai hy” đến lớp trung niên, thanh thiếu niên… với những góc nhìn riêng về nơi mình đang sống. Ông Nguyễn Văn Quảng (54 tuổi) chụp bức ảnh phố cổ với những mái nhà lô xô, tâm sự: “Ngày nay, hầu hết các nhà mặt tiền phá vỡ hết cảnh quan của phố cổ; phía trong vẫn còn nhiều nhà giữ nguyên vì họ không sửa chữa mấy. Phải lưu giữ những bức ảnh thế này thì mới biết phố cổ đẹp như thế nào chứ!”. Ở khía cạnh nếp sống và chuẩn mực đạo đức, ông Lê Văn Minh (50 tuổi) chụp bức ảnh một bữa cơm gia đình: “Muốn gì thì muốn nhưng cũng phải giữ được nề nếp, gia phong…”. Có nhiều bức ảnh chứa đựng tiếng nói bức xúc, như ông Cung Đức Duy Sơn (35 tuổi) nói về trang phục cổ: “Ở Hà Nội, các hoạt động văn hóa chủ ysu còn đọng lại ở những người già. Mình thấy chỉ các cụ mới mặc quần áo ngày xưa, trang phục truyền thống còn lại rất ít. Trang phục này gợi lại những giá trị của phố cổ”, hay cụ Nguyễn Văn Sâm (71 tuổi) lại “Thèm có một không gian xanh”. Bành Hồng Điệp (24 tuổi) nói đến không khí ngột ngạt của nhiều ngôi nhà trong phố cổ: “Nhà này có 6 người, 3 thế hệ mà diện tích chưa đến 10m2…”. Mặc dù ở phố cổ chật chội, thiếu không khí, có nhiều bức xúc nhưng nhiều người vẫn không muốn chuyển đi…”.

Sẽ nhân ra thành nhiều sự kiện?

Tuần lễ sự kiện tuyến phố Hàng Buồm còn gồm nhiều hoạt động khác như triển lãm các giá trị lịch sử tại đền Bạch Mã, giới thiệu ẩm thực tuyến phố Hàng Buồn trình chiếu phim nhân học về các giá trị văn hóa phố cổ, giao lưu với nhòm làm phim và những người dân tham gia Photo Voice, giới thiệu mô hình bảo tồn và tái phát triển tại một ô phố thí điểm, cá nhạc quần chúng… Sự kiện này được tổ chức cũng nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa của phố cổ để giúp người dân nhận thức rõ hơn và cùng nhau xây dựng Hàng Buồm thành tuyến phố thương mại – du lịch văn minh, phát triển. Dự án Phát triển bền vững Khu phố cổ Hà Nội đã khởi động từ tháng 12.2005 và sẽ kết thúc vào tháng 9 năm nay, được thực hiện thí điểm tại ô phố Hàng Buồm, Hàng Giầy, Lương Ngọc Quyến. Bà Abe Tomoko (Điều phối viên dự án) cho biết: “Bước đầu, dự án đã giúp người dân cải tạo điều kiện vệ sinh và kinh doanh tại một số ngôi nhà cổ; làm vệ sinh, trang trí và làm đẹp tuyến phố; trùng tu và giới thiệu một số hiện vật cổ của đền Bạch Mã. Dự án với sự tham gia của cộng đồng sẽ mở ra những hướng giải quyết thích hợp cho việc cải tạo lại khu phố cổ trong giai đoạn tới…”.

Còn theo PGS-TS Nguyễn Văn Huy (Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam): “Phương pháp nghiên cứu với sự tham gia của cộng đồng đã có những hiệu quả rất thiết thực. Tiếng nói của người dân sẽ giúp các nhà khoa học, nhà quản lý tìm ra các giải pháp phát triển và bảo tồn trong tương lai, điều mà từ trước đến nay chúng ta chưa thực hiện. Vì vậy nếu còn có thể, chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia dự án với hy vọng những sự kiện tương tự được nhân rộng ở nhiều tuyến phố khác trong khu phố cổ…”.

Anh Thu

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Để lại một bình luận

Back to top button