Tin tức chung

Tác phẩm “Học đánh chiêng” của tác giả Bảo Hưng (Dak Lak)

Nhìn vào toàn bộ bức ảnh, dễ thấy sự hồn nhiên, tươi vui của các nhân vật thu hút tình cảm của người xem. Các em bé cười thật tươi. Ông già cũng cười vui với các cháu và dạy các cháu học đánh chiêng. Lâu nay thường chỉ thấy ảnh các cụ già Tây nguyên gầy còm, hom hem, da nhăn nheo, buồn bã, nay có cụ tươi như thế thì khá lắm rồi. Có lẽ vì vậy mà Ban Giám khảo cuộc thi cũng dễ dàng ủng hộ tác phẩm này vào giải, “đánh bật” nhiều tác phẩm khác. Tuy nhiên, người viết muốn tác giả (và nếu được, xin cả các vị Giám khảo cuộc thi này) trao đổi thêm để sáng tỏ đôi điều về tác phẩm này.

Trước hết, có lẽ cần bàn về tính hiện thực, một tiêu chí mà bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào cũng phải tuân thủ. Cồng chiêng là di sản văn hóa của nhân loại và của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Bảo tồn nghệ thuật cồng chiêng và không gian văn hóa cồng chiêng là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách. Bức ảnh đã chạm vào đề tài đắc địa này. Tuy nhiên, bảo tồn phải cho đúng cách. Người Tây nguyên không ai đem úp chiêng xuống mà đánh như thế! Đánh như thế chiêng chỉ có kêu ộp ộp, cạch cạch chứ không ngân dài và vang xa. Nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh đã chụp ảnh các chàng trai Ê đê, Gia rai… tay xách chiêng, tay nện dùi trong những ngày hội làng rất mạnh mẽ, khỏe khoắn. Khi đánh chiêng, chiêng phải được xách trên tay hoặc treo vào đòn, hai người khiêng, người đi sau đánh chiêng mới là thực tế, còn úp chiêng xuống mà đánh, người viết bài này mới thấy lần đầu.

Thứ hai, việc ông truyền nghề cho các cháu gái cũng chưa ổn. Đi dự nhiều lễ hội cồng chiêng, người viết thường thấy các chàng trai đánh chiêng, còn các cô gái thì áo váy đẹp đẽ, chân tay nhịp nhàng lượn theo vòng xoang. Chưa thấy ở đâu, dân tộc nào các cô gái xách chiêng đánh cả. Xã hội và lễ hội đã “qui hoạch” như thế, việc truyền nghề đánh chiêng cho cháu gái trong bức ảnh này có điều gì đó không bình thường. Trong ảnh có ba đứa trẻ. Hai cháu phía trước đích thị là con gái vì có mái tóc dài. Đứa ngồi trên vai ông cụ có mái tóc cắt ngắn không rõ là con trai hay con gái. Nếu là con gái thì không thực tế như đã phân tích trên đây, còn nếu đúng là con trai để ông truyền nghề thì cũng cần phải xem lại. Xem lại ở chỗ ông đã truyền nghề cho cháu sai phương pháp. Đánh chiêng phải đánh ngang chứ ai lại từ trên gõ xuống. Đánh như thế chỉ có đánh trống. Không ai đánh chiêng như thế.

Hư cấu để tác phẩm hay hơn, đẹp hơn là cần thiết, nhưng dàn dựng sai thực tế như kiểu “học đánh chiêng” là không nên.

 

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Để lại một bình luận

Back to top button