Tác giả bức ảnh hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu qua đời
Vợ ông, bà Le Lieu Brown cho biết ông qua đời trong bệnh viện ở New Hampshire. Từ năm 2000, ông đã bị bệnh Parkinson và những năm gần đây ông chủ yếu ngồi xe lăn. Ông được đưa tới bệnh viện ngày 27/8 do khó thở và đã không qua khỏi.
Trước khi qua đời, cựu phóng viên này sống cùng vợ tại Thetford, thuộc bang Vermont ở Đông Bắc nước Mỹ.
Năm 1964, ông Malcolm Wilde Browne và đồng nghiệp David Halberstam ở tờ báo Times đều đoạt giải thưởng Pulitzer nhờ những bài báo viết về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Tâm điểm trong sự kiện Browne phản ánh gây sự chú ý toàn thế giới là hình ảnh một nhà sư tự thiêu giữa đường phố Sài Gòn trước sự chứng kiến của khoảng 500 người.
Mặc dù nhiều phóng viên phương Tây đã được báo trước về sự kiện này, chỉ Browne quan tâm đến những gì các Phật tử nói và đã ở đó để chứng kiến sự kiện khủng khiếp đó. Bức ảnh của Browne chụp cảnh nhà sư cao tuổi Thích Quảng Đức tẩm xăng, biến mình thành ngọn đuốc sống đã xuất hiện trên trang nhất khắp mặt báo toàn cầu.
Bức ảnh khi được AP tung ra ngay lập tức gây chấn động trong trái tim những người yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới và được World Press Photo chọn trao giải Bức ảnh báo chí xuất sắc nhất thế giới năm 1963. Bức ảnh lịch sử này còn được bình chọn là một trong những bức ảnh có khả năng làm thay đổi lịch sử thế giới.
Ở Nhà Trắng, Tổng thống John F. Kennedy cũng đã phải thốt lên “Chúa ơi” khi nhìn thấy bức ảnh trên. “Không một bức ảnh thời sự nào trong lịch sử lại gây ra nhiều cảm xúc khắp thế giới như ảnh đó”, ông nhận định.
Ông Malcolm Wilde Browne sinh năm 1931 tại New York. Dù tốt nghiệp chuyên ngành hóa học tại ĐH Swarthmore nhưng ông lại chọn làm phóng viên cho một tờ báo quân đội vào năm 1956. Sau đó, ông làm phóng viên chiến trường của hãng tin AP và tiếp đến là New York Times.
Browne đã dành phần lớn sự nghiệp báo chí của mình ở tờ New York Times, nơi ông cống hiến 30 năm trong bốn thập kỷ liên tiếp với vai trò phóng viên, trong đó hầu hết thời gian là tác nghiệp ở những vùng chiến sự. Nếu điểm lại, Browne từng thoát chết sau ba lần bị bắn trong máy bay chiến đấu, bị trục xuất khỏi nhiều quốc gia, cũng từng nằm trong danh sách “phải chết” ở Sài Gòn.
Malcolm Browne được các đồng nghiệp đánh giá là một sự tổng hòa của phức tạp, bí ẩn và trên tất cả là người độc lập. “Malcolm Browne cô độc. Ông làm việc một mình, không chia sẻ nguồn tin và không thường xuyên tham gia các cuộc xã giao trong nhóm các nhà báo. Browne còn bướng bỉnh nữa. Ông không chịu thỏa hiệp về một bài viết chỉ đề hài lòng các biên tập viên hoặc ai khác”, đồng nghiệp Horst Faas từng nhận xét về Browne như vậy.