Kỹ thuật

Ống kính nào cho máy DSLR nhỏ?

Năm 2009 quả là một năm đáng nhớ đối với giới ham mê nhiếp ảnh với sự ra đời của hàng loạt máy ảnh du lịch cảm biến lớn. Song song đó, đã manh nha bước phát triển tiếp theo là cảm biến phải lớn hơn và máy phải thay được ống kính. DSLR hoàn toàn thỏa mãn đặc tính này nhưng chúng lại có kích thước quá cồng kềnh dù các hãng đã nỗ lực không ít để thu nhỏ. Chỉ đến khi liên minh Micro Four Thirds giữa Olympus và Panasonic được thành lập với các sản phẩm lần lượt ra mắt như GF1 và E-P1 thì câu trả lời dường như mới được tìm thấy. Không thể không kể đến các phiên bản gọn nhẹ cao cấp dùng cảm biến APS-C như Leica X1 hay những bước đi táo bạo của Sigma, nhà sản xuất vốn được biết đến về ống kính nhiều hơn là về máy ảnh với các phiên bản DP1 hay DP2. Rồi đến lượt Samsung cũng không chịu đứng ngoài với phiên bản NX10 vừa được giới thiệu chỉ vài ngày trước đây.

Xu hướng có vẻ như đã dần hình thành, vấn đề chỉ còn là thời gian khi tất cả những nhà sản xuất máy ảnh tham gia vào cuộc chơi, đặc biệt là những tên tuổi lớn. Tuy nhiên, để các máy du lịch cảm biến lớn thay được ống kính này thực sự làm chủ được cuộc chơi, cần phải có những thế hệ ống kính đủ sức hấp dẫn cho những người muốn tìm kiếm một hơi thở mới trong nhiếp ảnh.

Máy ảnh số ống kính rời định dạng siêu nhỏ dành cho ai?

Trước tiên cần phải xác định ai sẽ là người sử dụng những máy ảnh nhỏ nhắn xinh xắn này. Các nhà sản xuất thì cho rằng thị trường chúng nhắm đến là những khách hàng đang sử dụng máy du lịch, muốn nâng cấp lên DSLR nhưng ngại kích thước cồng kềnh và tùy chỉnh phức tạp. Chính với quan điểm như vậy, các nhà sản xuất đã bán kèm ống kính ban đầu không được hấp dẫn cho lắm với độ mở nhỏ, dải zoom chưa hợp lý. Tuy nhiên, họ mới chỉ xác định được nửa vấn đề. Chính các máy thay ống kính cỡ nhỏ này cũng thu hút sự chú ý của giới chuyên nghiệp không kém gì giới không chuyên, bởi lẽ, giới chuyên nghiệp luôn muốn những máy ảnh nhỏ gọn đủ để có thể mang theo bên mình nhưng lại phải đủ chất lượng và đủ ống kính cho họ thỏa sức sáng tạo.

Để làm gì?

Giờ đến công đoạn xác định mục đích của những ống kính cần thiết cho một thế hệ máy mới với dải zoom tiêu chuẩn cho góc rộng, thông thường và tele phục vụ các mục đích nhiếp ảnh trong điều kiện đủ sáng. Tuy nhiên, cần lưu ý, phần lớn bức ảnh là chụp người, và chủ yếu là chụp bạn bè, gia đình trong nhà, tại các bữa tiệc, buổi gặp mặt… Vì vậy, ống kính cần được thiết kế cho những mục đích như vậy, từ các ống góc rộng để chụp ảnh đám đông tới các ống tele đủ để có thể chụp chân dung một ai đó từ xa… Và tất nhiên là phải có độ mở đủ lớn để tận dụng ánh sáng tự nhiên.

Bám vào thế mạnh

Điều quan trọng trong việc bán hàng là phải tìm kiếm một điểm mạnh tiếp thị. Và điểm mạnh đó đối với các máy thay ống kính cỡ nhỏ đó là chất lượng hình ảnh đẹp như DSLR, đặc biệt là chụp ở ISO cao, nhưng kích thước lại nhỏ gọn hơn nhiều. Vì thế, để đảm bảo duy trì được thế mạnh này, ống kính phải được thiết kế sao cho nhỏ gọn vừa đủ, lý tưởng nhất là chỉ dài cỡ 3,5 đến 4 cm là cùng.

Zoom nào nằm đủ trong túi

Khác với ống prime có thể thiết kế nhỏ lại, ống zoom rất dễ có xu hướng bị quá dài, và như vậy mất đi lợi thế cơ động với các máy DSLR bình dân đang ngày càng nhỏ lại như hiện nay, nhất là đối với các phiên bản có thiết kế khá giống với một thân DSLR như Panasonic G1/GH1 hay Samsung NX10. Mặt khác, do là các ống kit, nên tốc độ khá chậm (độ mở không đủ lớn), vì thế, thực tế lại không có nhiều lợi thế thực địa như các ống nhanh trên những dòng máy du lịch cao cấp như Panasonic LX3. Olympus đã đưa ra một dải zoom khá thông minh 14 – 42 mm cho dòng Pen của mình, nhưng về độ mỏng thì dường như các ống siêu mỏng (pancake) lại được chú ý hơn.

3 ống pancake: Olympus ZD 25 mm F2.8, Samsung NX 30 mm F2, và Pentax 40mm F2.8 Limited. Ảnh: Dpreview.

Lợi thế của ống pancake

Rõ ràng với các ống pancake như Panasonic 20 mm f/1,7 ASPH hay Olympus 25 mm f/2,8, máy ảnh Micro Four Third như Panasonic GF1 và Olympus E-P1 có lợi thế vượt trội về chụp ảnh trong điều kiện thiếu sáng hơn bất kỳ máy du lịch cảm biến nhỏ thông thường, đồng thời lại hơn hẳn DSLR về kích thước nhỏ và tính cơ động cao. Chính vì thế, Samsung đã rất khôn khéo khi tung ra phiên bản NX10 đã kèm ống 30 mm f/2.

Các máy ảnh nhỏ gọn, bỏ túi với chất lượng ảnh cao rất hấp dẫn đối với giới nhiếp ảnh bởi một nguyên lý vô cùng đơn giản: máy ảnh tốt là máy ảnh luôn có bên mình. Tất nhiên, bên cạnh tính cơ động và chất lượng tốt, chúng còn phát huy được nhiều lợi thế khác ngoài lề nữa. Chẳng hạn, nếu đến một bữa tiệc, chỉ cần bạn rút một máy DSLR kèm một ống độ mở f/2,8 thôi, lập tức bạn sẽ được coi ngay là một tay ảnh chuyên nghiệp. Vì thế, chĩa ống kính tới đâu, bạn sẽ rất dễ làm cho đối tượng chụp cảm thấy bối rối. Nhưng nếu sử dụng một máy ảnh thay ống kính nhỏ gọn như một máy du lịch, đối tượng của bạn sẽ cảm thấy thỏa mái và tự tin hơn nhiều và bạn sẽ có được những tấm ảnh tự nhiên hơn.

Tránh sử dụng đèn tích hợp

Một trong những lợi thế của máy DSLR và các máy thay ống kính nhỏ gọn là do có cảm biến lớn nên chụp với ISO cao tốt hơn nhiều so với các máy du lịch. Lợi thế này giúp cho người chụp có thể chụp tay trong điều kiện trong nhà mà chỉ cần dùng ánh sáng phòng tự nhiên thay vì đánh thêm đèn flash. Nhờ thế, ảnh trông sẽ “thật” hơn, tránh được cảm giác “bẹt” do đèn flash chớp thẳng vào đối tượng. Với những tình huống này, nếu như được trang bị thêm ống kính có độ mở lớn, lý tưởng nhất là f/2, thì lợi thế của máy thay ống kính cỡ nhỏ còn được tăng thêm gấp mấy lần.

Chống rung không thay thế được ống nhanh

Mặc dù chống rung đã trở thành tính năng gần như cố định trên các máy du lịch thông thường, nhưng nên nhớ rằng một ống kính chậm có chống rung cũng không thể thay thế cho một ống kính nhanh được. Cùng cầm tay chụp trong điều kiện thiếu sáng, tốc độ chụp chậm sẽ khiến cho đối tượng chuyển động bị mờ đi. Mà chụp người thì đối tượng lại luôn có xu hướng chuyển động thay vì đứng yên. Vì thế một tốc độ đủ nhanh nhờ vào độ mở ống kính rộng mới là hợp lý. Nếu như ống độ mở rộng lại được kết hợp với cơ chế chống rung cảm biến thì lại càng lý tưởng.

Một lợi thế khác phải kể đến nữa là ống kính độ mở lớn sẽ thu hẹp khoảng nét, làm cho hậu cảnh bị mờ đi, đối tượng chính trở nên rõ nét hơn và như được tách ra từ hậu cảnh. Đây chính là đặc điểm mà các ống kính chậm, nhất là ống kính có cả tính năng chụp macro cũng không dễ gì đạt được.

Tựu trung lại, ống kính cho máy ảnh định dạng Micro Four Thirds cần được thiết kế vừa nhanh, vừa nhỏ gọn mà vẫn bao trùm được đủ dải từ góc rộng tới tele. Các ống này nên được thiết kế xung quanh khoảng của ống kit, nhưng được cải tiến sao cho góc rộng hơn hoặc độ mở lớn hơn, và đặc biệt là tốc độ lấy nét phải nhanh hơn. Chẳng hạn, DSLR Canon đưa ra những ống prime từ 20 mm f/2,8 tới 100 mm f/2 mà độ dài chỉ từ 75 mm đổ lại. Định dạng Micro Four Thirds có lợi thế hơn hẳn DSLR với ống kính có thể thiết kế nhỏ hơn nhiều, vì thế, đạt tiêu chí ống kính gọn nhẹ không phải là điều không làm được.

Một số ống kính cho máy ảnh DSLR định dạng siêu nhỏ. Ảnh: Dpreview

Dưới đây là những ống kính mơ ước cho những máy ảnh thay thế ống kính nhỏ gọn kiểu như định dạng Micro Four Third mà trang Dpreview đưa ra (tất cả tiêu cự đều tính tương đương máy phim 35mm):

Góc rộng

Ống prime góc rộng không chỉ nhỏ mà còn nên dừng ở góc rộng cuối cùng của dải zoom của ống kit, không rộng quá (như ống 14mm f/2,8 của Panasonic là quá rộng). Lý tưởng nhất là các ống 24 mm f/2,5 hoặc 28 mm f/2.

Tiêu chuẩn

Cả Panasonic và Samsung có vẻ đã bắt kịp rất tốt xu hướng mới với các ống pancake nhanh khá hoàn hảo. Tuy nhiên, các hãng khác có vẻ vẫn chưa tham gia nhiều vào phân khúc này. Các ống kính lý tưởng gồm 40 mm f/1,7 hoặc 45 mm f/2.

Tele ngắn

Không cần quá dài, các ống này chỉ cần thiết kế đủ cho chụp ảnh chân dung với độ mở đủ lớn để tốc độ đủ nhanh trong những điều kiện ánh sáng yếu. Nói chung, chỉ cần ở trong phạm vi đầu cuối của dải zoom ống kit, nhưng phải được cải tiến để nhanh hơn. Các ống lý tưởng cho phân khúc này nên ở mức 85 mm f/1,8 hoặc 100 mm f/2.

Tất nhiên, nếu như các hãng có đủ nhiệt tình chế tạo ra nhiều tiêu cự ống kính khác nhau cho nhiều mục đích (mà Panasonic là đại diện chẳng hạn với ống 20mm f/1,7 sắp ra), các máy ảnh thay ống kính nhỏ gọn sẽ cso thể sánh vai với những thế hệ máy phim cổ điển danh tiếng một thời như Leica hay Contax.

Với một xã hội ngày càng cơ động, năm 2010 hứa hẹn sẽ thu hút thêm nhiều các tên tuổi máy ảnh ganh đua trên phân khúc thị trường này chứ không chỉ còn là cuộc chơi của Panasonic, Olympus và Samsung nữa. Nhìn vào thành tích trụ hạng của phiên bản Panasonic LX3 với độ mở f/2 hay sự trở lại của Canon S90 cũng với ống f/2 đủ để thấy không chỉ giới nghiệp dư mà cả giới chuyên nghiệp đều đang trông ngóng một phiên bản hội đủ tính năng nhỏ gọn, cảm biến lớn, thay được ống kính, ống đủ nhanh và một chất lượng ảnh xuất sắc để có thể luôn mang theo bên mình mỗi khi bất chợt gặp một khoảnh khắc đẹp.

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Để lại một bình luận

Back to top button