NSNA Đinh Quang Thành và những tác phẩm để đời
Ra đi không hẹn ngày về
Là phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam trong nhiều năm, từng xông pha khắp các mặt trận, cập nhật ảnh chiến sự ở hầu hết các địa phương, nhưng theo lời ông kể thì chuyến Nam tiến năm 1975, đúng thời khắc diễn ra chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mới thực sự để lại trong ông nhiều ấn tượng sâu sắc.
Bồi hồi nhớ lại, trong ánh mắt xa xăm của người nghệ sỹ – phóng viên ấy dường như đang tái hiện lại cả bầu không khí sục sôi, gấp gáp lúc bấy giờ. Ông kể, ngày 26-3-1975, khi đang công tác tại Hải Phòng, nhận được thông báo từ cơ quan, ông gấp rút trở về Hà Nội để tham gia chiến dịch. Về tới nơi, ba lô, quần áo, súng ống và các dụng cụ tác nghiệp đều đã chuẩn bị trước, xe ô tô chờ sẵn đợi giờ xuất phát. Không có nhiều thời gian, ông chỉ kịp gọi điện cho người vợ hiền yêu dấu đem hai con tới tạm biệt trước khi lên đường. Vì chiến tuyến đang sôi sục, vài giây ngắn ngủi chẳng kịp để gia đình nhỏ có thời gian lưu luyến, bịn rịn. Trong ánh mắt của người chồng, người vợ ấy, chỉ còn đó sự tin tưởng, hy vọng và thảng thốt niềm lo lắng xa xăm.
Nghệ sỹ Đinh Quang Thành tâm sự rằng, thời khắc đó con người ta không thể nghĩ suy nhiều thứ quá bởi không khí đất nước, chiến tranh đang vô cùng khẩn trương. Cùng đi với ông còn có hai phóng viên quân đội là Trung úy Hứa Kiểm và Trung úy Vũ Tạo. Không giống hai người bạn đồng hành, ông chưa bao giờ cầm súng, nhưng giờ đây, khoác lên mình chiếc ba lô và màu áo xanh quen thuộc, cây súng ngang hông, ông cũng cảm thấy mình đã trở thành người lính thực thụ. Có chăng, điểm khác biệt chỉ là ông ý thức rất rõ ràng rằng, hòa vào làn bom đạn xối xả kia, vũ khí mà ông sử dụng để chiến đấu có đôi phần khác biệt, đó là những tin tức nóng hổi, những khoảnh khắc lịch sử chớp lấy và kịp thời cung cấp tới nhân dân, đồng bào.
Ông nhớ lại: Xe ô tô đi gấp gáp ngày đêm, sáng 27-3, tổ của ông đã có mặt tại Huế. Từ Huế tiến thẳng vào Đà Nẵng, cầu phà khắp nơi bị đánh sập, ô tô đi lại vô cùng khó khăn, nhiều lúc, ông cùng đồng nghiệp phải lội qua sông mà đi tiếp. Khi tới cầu Nam Ô, ngoại vi thành phố Đà Nẵng, gặp Lữ đoàn tăng 203, cả tổ nhanh chóng bắt kịp và nhảy lên xe tăng đi cùng. Nhờ vậy, mà mọi người chụp được rất nhiều ảnh giá trị khi xe tăng của quân ta tiến vào giải phóng Đà Nẵng…
Thời khắc lịch sử và tác phẩm để đời
Tại khu rừng cao su phía Nam Dầu Giây, Sư đoàn 304 trao lá cờ quyết chiến, quyết thắng cho Trung đoàn 66 Anh hùng để cắm trên Dinh Độc lập ngày giải phóng Sài Gòn
Hai chiếc xe tăng dẫn đầu Lữ đoàn tăng 203 sau khi húc đổ cổng Dinh Độc lập, băng qua sân án ngữ trước thềm hang ổ cuối cùng của chính quyền Ngụy
Lữ đoàn tăng 203 cùng Sư đoàn bộ binh 304, Quân đoàn 2 đánh địch trên xa lộ Biên Hòa-Sài Gòn, tiến vào giải phóng thành phố Sài Gòn
Các chiến sĩ Sư đoàn 10 Quân đoàn 3 truy kích địch trong sân bay Tân Sơn Nhất
Vừa phải tự bảo vệ mình, vừa làm tròn trách nhiệm của một phóng viên ảnh chiến sự là điều không đơn giản. Theo nghệ sỹ Đinh Quang Thành, ông giống như một người lính xung kích, luôn đi đầu trong mỗi trận đánh, mỗi chiến dịch nên thường xuyên phải đối diện với mũi súng quân thù, với cái chết cận kề trong gang tấc. Tuy nhiên, đối với ông, đó không phải là điều đáng ngại nhất. Điều khiến ông luôn trăn trở là làm sao để đưa được tin, ảnh về Hà Nội kịp thời. Ngày đó, các phương tiện chưa hiện đại như bây giờ. Tin thì có thể dùng máy chuyển nhưng ảnh thì bắt buộc phải chuyển trực tiếp.
Do vậy, cùng với đội ngũ các phóng viên, Thông tấn xã Việt Nam luôn có một số xe ô tô túc trực thường xuyên để kịp thời đem ảnh ngày đêm chuyển về cơ quan. Nhân nhắc tới khó khăn này, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành hào hứng kể lại kỉ niệm sâu sắc lần tham gia giải phóng Huế. Lần đó, để cản trở việc tiến quân của ta, địch đã đánh sập cầu Mỹ Chánh. Do vậy, toàn bộ anh em phóng viên phải đi bộ gần 30km từ Mỹ Chánh vào Huế, lấy tài liệu, chụp ảnh, sau đó lại đi bộ ngược trở ra Mỹ Chánh, lội sang bên kia sông, giao tài liệu cho anh em chờ sẵn để tức tốc đi suốt ngày đêm chuyển về Hà Nội. Ô tô này chuyển bánh thì ô tô khác tiếp tục trực chờ tin sau.
Chẳng quan tâm sống chết của bản thân, chỉ chăm chăm xem có đảm bảo cung cấp tin bài kịp thời hay không, đó có lẽ là điều mà khiến mỗi chúng ta đều phải khâm phục. Chia sẻ về điều này, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành bảo rằng, khi đó, có một câu nói của nhà lý luận báo chí người Nga mà ông vô cùng tâm đắc, đại ý là: Nếu anh muốn tấm ảnh của anh làm rung động lòng người, thì trước hết anh hãy rỏ vào đó những giọt mồ hôi, thậm chí là cả những giọt máu của mình nữa. Bởi vậy, ông đã luôn hành động theo lý tưởng ấy, ra đến mặt trận là không thể lùi bước mà chỉ có tiến lên.
Nhiếp ảnh gia Đinh Quang Thành vẫn bảo rằng, mình là người may mắn khi trực tiếp chứng kiến giải phóng Sài Gòn. Nhờ đó, mà ông lưu giữ được những khoảnh khắc ý nghĩa. Ngày 29-4, ông tập trung cùng các đơn vị bộ đội tại rừng cao su, sát thành phố Biên Hòa để chuẩn bị cho chiến dịch. Sáng 30-4, ông chụp được lễ trao cờ do Sư đoàn 304 trao cho Trung đoàn 66, đơn vị xung kích trong chiến dịch. Khi Lữ đoàn tăng 203 cùng Sư đoàn bộ binh 304 tiến quân trên xa lộ Biên Hòa dài gần 30km, từng đoàn xe tăng địch án ngữ giữa đường cùng những thùng phuy đổ đầy đất mong cản bước tiến quân ta, ông lại kịp thời ghi lại khung cảnh đậm chất thời sự đó.
Mặc dù không chụp được bức ảnh treo cờ trên nóc Dinh Độc Lập, song nhiếp ảnh gia Đinh Quang Thành lại có lối đi rất riêng để chớp lấy khoảnh khắc các chiến sỹ Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 truy kích địch trong sân bay Tân Sơn Nhất. Cho đến tận ngày nay, đây vẫn là bức ảnh duy nhất ghi lại thời khắc quan trọng ấy. Đó cũng chính là tác phẩm ghi đậm dấu ấn trong phóng sự “Giải phóng Sài Gòn” của ông.
Những gian khổ cuối cùng cũng được đáp đền xứng đáng, bao nhiêu máu và nước mắt đổ xuống như vỡ òa trong niềm đại thắng lớn lao. Đối với riêng nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành, phóng sự “Giải phóng Sài Gòn” với những bức ảnh đầy giá trị như: Lễ trao cờ tại rừng cao su; Máy bay địch trốn chạy bị bắn rơi trên đường phố Lý Thái Tổ, Sài Gòn; Truy kích địch trong sân bay Tân Sơn Nhất… cũng đã đem về cho ông vinh dự lớn lao với giải ba cuộc thi ảnh báo chí thế giới năm 1976.
Chiến tranh lùi xa, song cho tới hôm nay, khi nhắc tới những tháng ngày ấy, trong ánh mắt, giọng nói của ông vẫn bừng lên cảm xúc sục sôi không che giấu nổi. Trải lòng khi mỗi dịp kỉ niệm chiến thắng 30-4, ông bảo, với ông, đó mãi mãi là những ký ức không bao giờ phai. Những bức ảnh của ông cũng vậy, chúng mãi là chứng nhân đi cùng năm tháng ghi dấu về thời khắc lịch sử gian khổ mà hào hùng của dân tộc.