Lý luận phê bình

Nhiếp ảnh Việt Nam hội nhập để phát triển và nâng cao trách nhiệm người nghệ sĩ

Sau ba thập kỷ ra đời của nhiếp ảnh thế giới, người Việt Nam mới biết tới những tấm ảnh đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội do cụ Đặng Huy Trứ làm ra tại hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường vào năm 1869. Và trong suốt lịch sử phát triển của nhiếp ảnh, Việt Nam luôn phải chạy ma-ra-tong đằng sau rất xa các nước vì nhiều lý do, trong đó phải chịu cả trăm năm xâm lược của ngoại bang, sự lạc hậu về khoa học kỹ thuật suốt một thời gian dài, rồi đất nước trải qua chiến tranh liên miên, kinh tế yếu kém… nên nhiếp ảnh Việt Nam càng khó đuổi kịp thế giới cả về thiết bị kỹ thuật lẫn kiến thức, trình độ và tư duy sáng tác. Ngay cả thời kỳ được coi là huy hoàng của nhiếp ảnh – giai đoạn chống Mỹ cứu nước với nhiều bức ảnh báo chí nổi tiếng đoạt giải ở bên ngoài đất nước Việt Nam thì chúng ta cũng luôn gặp những khó khăn cố hữu ảnh hưởng không ít tới sự phát triển của bộ môn nghệ thuật này.

Đất nước thống nhất, cùng sự phát triển đi lên của cả dân tộc, đặc biệt trong những năm đổi mới, hội nhập quốc tế, nhiếp ảnh Việt Nam đã bước sang trang mới với sự phát triển toàn diện hơn của nhiều khuynh hướng sáng tác nghệ thuật đa dạng, phong phú. Bên cạnh ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật được thể hiện, sáng tác theo phong cách tả thực, đã xuất hiện nhiều thể loại ảnh khác mà nhiều nhà nhiếp ảnh, nhiều nghệ sĩ đã tìm tòi, thực hiện thành công. Khái niệm “nghệ thuật nhiếp ảnh” thời nay được hiểu rộng hơn rất nhiều qua cách tư duy khác biệt so với trước đây. Các nhà nhiếp ảnh thế giới đã sử dụng những tính năng vượt trội của nhiếp ảnh để chuyển ý tưởng của mình vào sáng tác, cho ra đời những tác phẩm có giá trị gây xúc động mạnh mẽ đến người xem. Nhiếp ảnh Việt Nam hội nhập, giao lưu quốc tế đã học hỏi, tiếp thu được nhiều kiến thức quý báu mà bản thân chúng ta không thể có được nếu chỉ loanh quanh làm nghệ thuật trong nhà với nhau. Hội nhập để học tập, để phát triển. Các nhà nhiếp ảnh Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công trên con đường sáng tạo nghệ thuât của mình. Nhiều bức ảnh đã đoạt giải thưởng cao ở trong nước và quốc tế, bởi nội dung tác phẩm mang tính nhân văn sâu sắc, phản ánh thực chất cuộc sống, con người Việt Nam. Việc tham gia tích cực của hội viên và nhiều nhà nhiếp ảnh ở các sân chơi quốc tế khác nhau không chỉ để họ tự hoàn thiện nghề nghiệp, dám thử thách tài năng ở những cuộc thi mới mà còn góp phần vào công tác đối ngoại nhân dân, giới thiệu đất nước, hình ảnh con người Việt Nam với bạn bè thế giới. Một đất nước Việt Nam có bề dày lịch sử văn hiến với bản sắc dân tộc độc đáo mà ít quốc gia nào trên thế giới có được. Có thể nói: Hiện nay, nhiếp ảnh là một ngành nghệ thuật có thế mạnh vượt trội trong giao lưu quốc tế bởi ngôn ngữ nhiếp ảnh đồng nhất của mọi quốc gia, tính năng sang bản gốc nhanh chóng, đảm bảo chất lượng hình ảnh, tác phẩm có thể được gửi đi cực nhanh, cực rẻ tới mọi địa điểm trên thế giới thông qua đường truyền internet. Các hoạt động phục vụ cuộc thi và triển lãm ảnh cũng rất thuận lợi nên hằng năm trên thế giới có hàng trăm cuộc thi ảnh khác nhau. Đây chính là sân chơi lớn cho các nhà nhiếp ảnh của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

 

Trơ trọi 2 – tác giả Trần Phong (HCV FIAP) tại Phần Lan năm 2012

Nhiếp ảnh Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, nhu cầu giao lưu, trao đổi học hỏi trong xu thế hội nhập quốc tế là cần thiết và có lợi cho chúng ta. Hội NSNAVN luôn mở rộng quan hệ đối ngoại với các tổ chức nhiếp ảnh khác nhau trên thế giới, cả đa phương lẫn song phương với phương châm vì hòa bình, hữu nghị, hiểu biết giữa các dân tộc, trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và không vụ lợi. Nhiếp ảnh là chiếc cầu nối cho các tổ chức hội và các nhà nhiếp ảnh của nhiều quốc gia xích lại gần nhau hơn trên một sân chơi chung – đó là lòng đam mê với nghệ thuật nhiếp ảnh. Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật Quốc tế – FIAP, là một kênh như vậy trong hoạt đông đối ngoại của Hội NSNAVN. Cho dù FIAP luôn coi mình là tổ chức nhiếp ảnh nghiệp dư toàn cầu, nhưng với 85 quốc gia thành viên, trong đó nhiều nước có trình độ nhiếp ảnh phát triển rất cao như: Đức, Pháp, Anh, Ý… thì đủ hiểu họ ở giai tầng nào của nhiếp ảnh đương đại. Song song với FIAP, Hội NSNAVN đang có mối quan hệ hợp tác, hữu nghị, trao đổi nghề nghiệp với Hội Nhiếp ảnh nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Pháp, Singapore, Lào…

Qua Đại hội FIAP 30 vừa được tổ chức tại Việt Nam, chúng ta hiểu bạn và bạn cũng hiểu Việt Nam hơn. Quốc tế đánh giá cao Hội NSNAVN không chỉ ở khả năng tổ chức một Đại hội quan trọng, mà còn dành nhiều lời lẽ tốt đẹp cho nhiếp ảnh Việt Nam. Chúng ta đoạt nhiều giải thưởng cao nhất của các cuộc thi và triển lãm ảnh quốc tế truyền thống quan trọng được tổ chức (2 năm một lần) tại các Đại hội FIAP gần đây: năm 2006 đoạt Huy chương Vàng tại Trung Quốc, năm 2008 đoạt Cup thế giới tại Slovakia và năm 2010 lại đoạt Huy chương Vàng tại Hà Nội dành cho thể loại ảnh nghệ thuật có đẳng cấp của FIAP, có lẽ cũng là điều dễ hiểu.

Nhiếp ảnh Việt Nam xuất phát chậm, nhưng sự nỗ lực, chăm chỉ đã cho chúng ta những thành công đáng ghi nhận. Chúng ta đang khẳng định mình và cố gắng đuổi kịp bạn bè thế giới.

1. Giao lưu, hội nhập quốc tế góp phần nâng cao tư duy và nghệ thuật sáng tạo của nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam

Một tác phẩm ảnh thành công phải hội tụ đủ hai điều kiện, đó là giá trị tư tưởng, nội dung và nghệ thuật thể hiện. Nhìn nhận một cách khách quan thì nhiếp ảnh Việt Nam đi sau, theo chậm hơn nhiếp ảnh thế giới. Chúng ta lại không phải là đất nước của những phát minh và phát triển kỹ thuật nhiếp ảnh, nên kiến thức từ cơ bản đến hiểu biết sâu, rộng về lĩnh vực nhiếp ảnh đương nhiên là còn nhiều hạn chế. Sách vở học tập, đào tạo chúng ta cũng phải dịch từ tài liệu của nước ngoài, nên từ trước tới nay việc giao lưu, hội nhập để bổ sung, nâng cao kiến thức nhiếp ảnh là công việc thường xuyên của những người làm công tác nhiếp ảnh. Muốn sáng tác được một tác phẩm ảnh tốt, đẹp, trước hết người nghệ sĩ phải chế ngự hoàn hảo các tính năng, kỹ thuật của chiếc máy ảnh, bao gồm cả các thiết bị, phụ kiện kèm theo, và rồi sau này khi công nghệ số phát triển, sáng tạo một tác phẩm ảnh đòi hỏi ở người nghệ sĩ năng lực xử lý máy ảnh kỹ thuật số, máy tính, internet… còn cao và phức tạp hơn nhiều. Việc học tập, nắm bắt kiến thức trên, có con đường nhanh nhất là tham gia giao lưu, hội nhập nhiếp ảnh để nghệ sĩ tự trang bị cho mình những yếu tố cần thiết phục vụ sáng tác ảnh nghệ thuật.

Trước hết, hãy đề cập tới vấn đề kỹ thuật, công nghệ của nhiếp ảnh thế giới. Với sự phát triển khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ nhanh chóng, những người trực tiếp sử dụng máy ảnh phục vụ niềm đam mê nghệ thuật của mình phải thường xuyên cập nhật thông tin, nghiên cứu những chức năng của thiết bị mới, đồng thời thử nghiệm hiệu ứng trên tác phẩm của mình. Mỗi thiết bị mới ra đời, nó đều cho thấy những tính ưu việt cao hơn các dòng máy ảnh trước đó, trong khi các hãng sản xuất máy ảnh xuất xưởng đều đặn hết dòng máy ảnh này đến dòng máy ảnh khác, kèm theo các phụ kiện hỗ trợ cho việc thực hiện ý đồ sáng tác của nhà nhiếp ảnh… Khi chuyển sang kỷ nguyên KTS, các dòng máy ảnh số, kèm theo máy tính và hàng loạt thiết bị KTS khác hỗ trợ cùng các chương trình phần mềm phức tạp sẽ đòi hỏi sự học tập thường xuyên qua giao tiếp, trao đổi với nhau của các nhà nhiếp ảnh.

Hoa biển – tác giả: Đào Tiến Đạt Huy chương DIGA và Bằng Danh dự tại Hoa Kỳ năm 2012

Việc giao lưu, hội nhập nhiếp ảnh quốc tế chính là sự học tập qua bạn bè nhiếp ảnh, qua các tác phẩm được chọn dự treo triển lãm và tác phẩm xuất sắc đoạt giải tại các cuộc thi. Được xem, thưởng ngoãn các tác phẩm ảnh đẹp của quốc tế sẽ cung cấp cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam những phương pháp sáng tác mới, những cách nhìn mới, lạ mà các nhà nhiếp ảnh nước ngoài đã thể hiện. Bên cạnh đó, tính tư tưởng trong các tác phẩm ảnh của quốc tế cũng là yếu tố nội dung để chúng ta tham khảo. Thế mạnh của nhiếp ảnh nước ngoài là phản ánh rất chân thực, sinh động thực tiễn cuộc sống, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, đồng cảm cùng chia sẻ với người trong cuộc, đặc biệt nhiều ảnh mang tính phản biện xã hội khá mạnh mẽ. Bên cạnh đó, nhiều nhà nhiếp ảnh khác lại thích thú với những khuynh hướng sáng tác mới như dòng ảnh ý tưởng mang tính thể nghiệm của nhà nhiếp ảnh. Đó là những tác phẩm ảnh có phong cách thể hiện riêng, chứa đựng suy nghĩ, thông điệp của chính tác giả đối với xã hội và người xem. Với bản lĩnh người cầm máy, cùng nhãn quan chính trị, trách nhiệm công dân, với lòng yêu nghề và tính cần cù chăm chỉ làm việc, các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đã biết chắt lọc, học tập nâng cao nghiệp vụ nhiếp ảnh thông qua giao lưu, hội nhập, đấy mạnh tư duy sáng tạo nghệ thuật để cho ra đời những tác phẩm mang bản sắc văn hóa Việt, có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật làm rung động những người yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh. Vậy là giao lưu, hội nhập quốc tế đã góp phần giúp nhiếp ảnh Việt Nam tiếp thu được tinh hoa văn hóa thế giới, hỗ trợ các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam nâng cao chất lượng sáng tác ảnh nghệ thuật của mình.

2. Những cái được và hạn chế nhìn từ hoạt động giao lưu, hội nhập quốc tế ảnh nghệ thuật hôm nay

Từ ngày thống nhất đất nước, thực hiện công cuộc đổi mới trên nhiều lĩnh vực, nhất là hoạt động đối ngoại rộng mở, việc giao lưu và hội nhập quốc tế, ảnh nghệ thuật đã phát triển sang một thời kỳ mới, phong phú và đa dạng ở cả quy mô, cách thức tổ chức và ứng dụng công nghệ cao. Năm 1991, Hội NSNAVN tham gia Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật Quốc tế gọi tắt là FIAP – Tổ chức nhiếp ảnh có gần 100 quốc gia thành viên trên các châu lục. Với số lượng các nước thành viên trên, mỗi năm các quốc gia tổ chức trên dưới 100 cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật, theo nhiều chủ đề khác nhau. Mục đích của FIAP là tăng cường sự hiểu biết, chia sẻ giữa các quốc gia thành viên vì hòa bình, hợp tác giữa các dân tộc; học hỏi kinh nghiệm sáng tác và tôn vinh ảnh nghệ thuật giữa các quốc gia và nhà nhiếp ảnh trên toàn cầu. Phải khẳng định: Từ khi Hội NSNAVN tham gia tổ chức FIAP, nhiếp ảnh Việt Nam đã giao lưu và hội nhập với quốc tế khá tốt và ngày càng sâu rộng ở cả góc độ quốc gia thành viên lẫn cá nhân các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Trong những năm gần đây, Hội NSNAVN tham dự các cuộc thi cấp quốc gia do FIAP tổ chức đã đạt những thành tựu đáng ghi nhận: Năm 2008, Việt Nam đoạt CUP thế giới FIAP – Giải thưởng cao nhất dành cho quốc gia thành viên có bộ ảnh đen – trắng đẹp nhất. Những năm sau đó, Việt Nam đoạt Huy chương Vàng, Bạc, Đồng FIAP dành cho bộ ảnh nghệ thuật quốc gia ở các lứa tuổi khác nhau. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam còn tham gia tích cực các hoạt động thi và triển lãm ảnh nghệ thuật ở nước ngoài, đoạt rất nhiều giải thưởng, trong đó có nhiều giải thưởng cao. Đặc biệt có những tác giả đoạt nhiều giải thưởng ở nhiều cuộc thi khác nhau, ở nhiều nước khác nhau, như nghệ sĩ Đào Tiến Đạt (Bình Định), Lê Hồng Linh (TP. Hồ Chí Minh), Hoàng Quốc Tuấn (TP. Hồ Chí Minh), Duy Anh (Tiền Giang), Trần Phong (Gia Lai), Lý Hoàng Long (Lâm Đồng), Ngọc Thái (Hà Nội)… Nhiếp ảnh Việt Nam được nhắc đến nhiều tại các sự kiện nhiếp ảnh nghệ thuật của quốc tế, điều đó cho thấy sự nỗ lực của anh chị em nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam trong sáng tác ảnh nghệ thuật. Vị trí vai trò của nhiếp ảnh Việt Nam đã được bạn bè quốc tế công nhận. Nhiếp ảnh chúng ta có sự tiến bộ vượt bậc về tư duy ý tưởng, và hình thức thể hiện nghệ thuật, nhất là khâu xử lý kỹ thuật với công nghệ mới và  thiết bị máy ảnh KTS. Về tư duy nội dung, khám phá đề tài cuộc sống, tính nhân văn trong tác phẩm nhiếp ảnh của bạn bè quốc tế rất mạnh, hình ảnh con người được các nhiếp ảnh gia khai thác sâu sắc. Đây cũng là hạn chế của nhiếp ảnh Việt Nam, nên việc giao lưu với nhiếp ảnh quốc tế, chúng ta học tập được nhiều ở các bạn thể loại ảnh quan trọng này. Nhiếp ảnh Việt Nam vẫn có truyền thống mạnh về thể loại ảnh báo chí, nên cách thể hiện vẫn mang dáng dấp của một bức ảnh thời sự, ghi chép. Sau thời gian hội nhập, sáng tác ảnh nghệ thuật của Việt Nam được mở rộng hơn nhiều với các thể tài khác nhau, trong đó có nhiều thể loại ảnh mới như ảnh chân dung nghệ thuật, thiên nhiên, ảnh thời trang, ảnh thể thao… Hay chúng ta cũng đã thử nghiệm tổ chức cuộc thi về ảnh “ý tưởng” (dòng ảnh sáng tạo) – một khuynh hướng sáng tác mới đối với nhiếp ảnh Việt Nam. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam được tiếp cận nhiều nội dung mới của sáng tác ảnh nghệ thuật của nhiếp ảnh thế giới, nên công việc sáng tác của chúng ta phong phú hơn, đa dạng hơn, hấp dẫn hơn, đáp ứng phần nào nhu cầu thưởng lãm của nhân dân và những người yêu thích bộ môn nghệ thuật này.

Fishing nets – tác giả Lý Hoàng Long – HCV FIAP Tây Ban Nha 2014

Việc giao lưu, hội nhập nhiếp ảnh không chỉ diễn ra ở nước ngoài, mà được thực hiện ngay trên đất nước Việt Nam. Hội NSNAVN tổ chức định kỳ 2 năm/lần cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật quốc tế, gọi tắt là VN. Tính đến nay chúng ta đã thực hiện 7 kỳ thi vào năm 1996, 2002, 2005, 2007, 2009, 2011 và mới nhất là tháng 10/2013 vừa qua. Các cuộc thi quốc tế do Việt Nam tổ chức đã thu hút sự tham gia ngày càng nhiều tác giả trong nước và quốc tế, từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong 2 kỳ thi cuối, Hội đã tổ chức theo phương thức hoàn toàn mới, đó là thi ảnh kỹ thuật số (files ảnh mềm). Tất cả các công đoạn của cuộc thi đều được số hóa và sử dụng internet để nhận ảnh, chấm chọn, thông báo kết quả trên mạng… Năm 2013, với việc đổi mới đề tài theo nhiều chuyên đề ảnh nghệ thuật, VN-13 đã có 1500 tác giả của 50 quốc gia, vùng lãnh thổ với hơn 15.000 files ảnh gửi dự thi. Qua các cuộc thi quốc tế do Hội tổ chức, nghệ sĩ và các nhà nhiếp ảnh, cũng như cộng đồng và những người yêu thích nhiếp ảnh Việt Nam được cọ xát, học hỏi, thưởng lãm cách thức sáng tạo ảnh nghệ thuật của nhiếp ảnh nước ngoài. Đây là cơ hội vô cùng quý giá cho nghệ sĩ nhiếp ảnh chúng ta, được tận mắt ngắm nhìn cách thể hiện ảnh nghệ thuật của nhiếp ảnh thế giới, để từ đó tiếp tục nghiên cứu, suy nghĩ và đầu tư cho việc sáng tác của mình.

Ngoài ra, Hội NSNAVN giao lưu, hội nhập với bạn bè quốc tế còn thông qua các hoạt động tổ chức sự kiện nhiếp ảnh trên đất nước Việt Nam. Năm 2010, Hội NSNAVN đã đăng cai và tổ chức thành công Đại hội FIAP 30 – Sự kiện quan trọng của Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật Quốc tế tại Việt Nam, thu hút 250 đại biểu là những nhà nhiếp ảnh nổi tiếng từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Qua 7 ngày Đại hội và đi thực tế sáng tác tại Hà Nội, Ninh Bình, Hạ Long, Cẩm Phả, đã để lại trong lòng bạn bè quốc tế ấn tượng sâu sắc về một Việt Nam hiếu khách, tổ chức chu đáo Đại hội FIAP và về một đất nước vô cùng tươi đẹp. Các nhà nhiếp ảnh quốc tế đã chụp rất nhiều ảnh tại Việt Nam để mang về nước, đây là một cách quảng bá hiệu quả về đất nước con người Việt Nam ra nước ngoài.

Tuy nhiên, tiếp cận với phương pháp thể hiện ảnh nghệ thuật nước ngoài, các nghệ sĩ chúng ta cũng còn để cách nhìn, sáng tác “lạ”, ảnh hưởng tới tác phẩm của mình. Hội chứng bắt chước, làm theo, chạy theo giải thưởng cuộc thi, thiếu tính sáng tạo cá nhân vẫn còn ảnh hưởng với một số nhà nhiếp ảnh của Việt Nam. Một vài “mô típ” cũ, không tiêu biểu cho cuộc sống thực tế của ta vẫn được lặp đi lặp lại ở các cuộc thi, dễ gây hiểu nhầm, ví dụ như nhiều ảnh cụ già ở Tây Nguyên (đã có tờ báo nhận xét mô típ này như “hiện thân của sự nghèo đói”, chưa đại diện cho hình ảnh của đồng báo các dân tộc Tây Nguyên. Đây cũng là một hạn chế mà nghệ sĩ chúng ta cần rút kinh nghiệm, để những tác phẩm ảnh sau này sẽ gần gũi hơn với cuộc sống sinh động của nhân dân ta, và mang nhiều ý tưởng sáng tạo nghệ thuật cá nhân hơn của các nghệ sĩ Việt Nam.

Như vậy để thấy rằng giao lưu, hội nhập nhiếp ảnh nghệ thuật là yếu tố không thể thiếu đối với bộ môn nghệ thuật này. Chúng ta giao lưu không chỉ để học tập nâng cao trình độ, kiến thức nhiếp ảnh mà còn được cập nhật thông tin mới về máy ảnh, thiết bị KTS, về các phần mềm ứng dụng cho sáng tạo ảnh nghệ thuật, yếu tố không thể thiếu đối với một tác phẩm ảnh nghệ thuật. Qua nhiều năm hội nhập ảnh nghệ thuật, nhiếp ảnh Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, nhất là về kỹ thuật. Điểm yếu này của nhiếp ảnh Việt Nam thời gian trước, nay đã và đang được cải thiện rất nhiều. Giao lưu, hội nhập nhiếp ảnh thật sự góp phần nâng cao chất lượng tác phẩm ảnh của nghệ sĩ và các nhà nhiếp ảnh Việt Nam.

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Trả lời

Back to top button