Nhiếp ảnh Hà Nội, sắc thái và truyền thống
Kể từ ngày hòa bình lập lại, giải phóng Thủ đô (10/10/1954), các nhà nhiếp ảnh Thủ đô theo kháng chiến trở về, hòa cùng với các nhà nhiếp ảnh vùng tạm chiếm trở thành một đội ngũ đông đảo.
Các nhà nhiếp ảnh Thủ đô đi sâu phản ánh phong trào thi đua tăng gia sản xuất trong nông nghiệp; xây dựng công trường, nhà máy trong công nghiệp, đã tạo nên một số tác phẩm như: “Bác Hồ” của Đinh Đăng Định, “Mùa lúa chín” của Trần Lợi, “Mùa thu hoạch” của Đức Như, “Em yêu hòa bình” của Vũ Tiu, “Tuổi trẻ trên công trường” của Mai Nam, “Ngày sản xuất, đêm học tập” của Đức Vân, “Già học trẻ” của Hoàng Đăng, “Nguồn vui” của Đỗ Huân, “Sương sớm Hồ gươm” của Dương Quỳ, “Bà, cháu” của Võ An Ninh…
Hà Nội những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, số lượng tác phẩm ảnh lại càng nhiều hơn, như: “Đi trực chiến” của Mai Nam, “Phúc Tân kêu gọi trả thù” của Vũ Ba, “Pháo đài bay B52 triệt hạ phố Khâm Thiên” của Trần Cừ, “Cấp cứu nạn nhân ở phố Lý Thường Kiệt” của Đinh Quang Thành, “Mùa xuân chiến thắng” của Văn Bảo…
Điểm qua vài nét mang tính lịch sử và truyền thống của nhiếp ảnh Hà Nội để rút ra một số kinh nghiệm quý báu, đó là các nhà nhiếp ảnh lớp trước đã khai thác tính chân thực và tính khoảnh khắc là đặc trưng của nhiếp ảnh để phản ánh cuộc đấu tranh cách mạng, xây dựng xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta, những nhà nhiếp ảnh đã tắm mình vào cuộc sống xã hội phản ánh những gương mặt người tốt, việc tốt, anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua, để thúc đẩy sự tiến bộ xã hội, giáo dục, nâng cao nhận thức và thẩm mỹ của công chúng.
Tóm lại, bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống, các nhà nhiếp ảnh đã nâng cao bằng nghệ thuật nhiếp ảnh của mình thăng hoa trở thành tác phẩm phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng.
Đất nước ta đã trải qua 20 năm đổi mới, mở cửa, đến nay đang trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cùng với tiến bộ trong khoa học công nghệ và đời sống ngày một nâng cao, từ đi bộ, đi xe đạp nay đã đi xe máy, ô tô; từ quạt nan, quạt điện nay đã chuyển sang điều hòa… Nhiếp ảnh cũng không ngoại lệ, từ máy ảnh cơ, máy điện tử nay đã chuyển sang máy ảnh kỹ thuật số; từ chấm sửa ảnh bằng bút lông, mực nho nay đã chuyển sang xử lý photoshop qua máy tính… Có thể nói trước kia khi sáng tác các nhà nhiếp ảnh luôn phải bận tâm đến điều chỉnh ánh sáng, cự ly thì nay nhà nhiếp ảnh chỉ cần tập trung vào cấu tứ, tạo hình, thể hiện sao cho mới lạ, tốt về nội dung, đẹp về hình thức.
Đội ngũ nhiếp ảnh Hà Nội hôm nay phần lớn là lớp trẻ, họ có sức khỏe, học vấn, tư duy nhạy bén trong phân tích và sáng tác. Đồng thời kế thừa kinh nghiệm của lớp trước – lấy hiện thực cuộc sống làm nguyên liệu để khai thác những sự kiện tiêu biểu, khoảnh khắc điển hình.
Mặt khác với tư duy sáng tạo, làm lạ hóa, mới hóa hình tượng nghệ thuật qua góc độ, ánh sáng, đường nét…
Những năm gần đây, qua các cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật Hà Nội, người xem có ấn tượng chung, những tác phẩm đã thể hiện được sự gần gũi, thân quen, nét nhẹ nhàng, hồn nhiên, tươi mới pha chút hào hoa bay bổng. Đó là những tác phẩm: “Sắc thắm Hồ Gươm” của Trần Hà, “Điệu múa Việt cổ” của Phạm Mạnh Kiên, “Lễ phóng sinh” của Hùng Cường, “Chiều Hồ Tây” của Vũ Hải, “Hương sen” của Nguyễn Quốc Dũng, “Bao mùa thu qua” của Quang Lâm, “Đêm bên cầu Chương Dương” của Thanh Hải, “Vũ điệu trên hồ” của Đỗ Phương Mai…
Sự đồng cảm, đồng điệu chung của những tác phẩm ảnh đã tạo nên sắc thái riêng của giới nhiếp ảnh Thủ đô.
Hồng Trọng Mậu