Nhiếp ảnh gia không tay
Khó khăn chưa bao giờ có thể khiến Longhua phải lùi bước. Anh mất đôi tay từ khi 1 tuổi vì bị kẹt vào lò hấp bánh. Anh phải dùng hai cổ tay kẹp muỗng khi ăn hay kẹp bút chì để vẽ. Khó khăn không dừng lại đó, do tật nguyền nên Longhua không được nhận vào học đại học dù đạt điểm rất cao và cũng không ai chịu nhận anh vào làm nhân viên.
Không đầu hàng số phận, năm 22 tuổi, Longhua mua lại một chiếc máy chụp hình cũ từ một người bạn và tập thao tác với các nút li ti trên máy bằng cổ tay của mình và bắt đầu kiếm sống bằng nghề chụp ảnh.
Lâu dần, chụp ảnh không chỉ là nghề kiếm sống mà còn là tình yêu của anh. Longhua nói: ‘Tôi bị tật nguyền nhưng rất tự tin và đang sống hạnh phúc. Với tôi, không gì hạnh phúc hơn được lưu lại hình ảnh của cuộc sống’.
Cuối những năm 1980, Longhua quen và kết hôn với Wang Caifang trong sự phản đối của gia đình vợ vì anh là người không tay. Caifang thừa hiểu những khó khăn đang chờ mình trong tương lai nhưng ý chí kiên cường và tình yêu của Longhua đã giúp cô vượt qua tất cả. Đến nay cô vẫn tần tảo làm việc kiếm tiền để hỗ trợ kinh phí cho chồng đi chụp ảnh và đã hỗ trợ chồng 43.000 USD mở cuộc triển lãm chào mừng Paralympic 2008.
Để chào mừng Paralympic kỳ này, Longhua mở cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật về người khuyết tật nhằm đề cao những thành tựu họ đã vượt qua khó khăn vươn đến thành công. Lợi thế của Longhua là bản thân cũng là người khuyết tật nên anh dễ dàng cảm nhận, thấu hiểu sự khó khăn trong cuộc sống của những người khuyết tật, nhưng phải mất đến ba năm anh mới hoàn thành bộ sưu tập.
Một tác phẩm trong bộ sưu tập về người khuyết tật của Longhua – Ảnh: CCTV
Yang Hezheng, 36 tuổi, một trong những nhân vật chính trong tác phẩm của Longhua, không thể đi đứng từ nhỏ do bị bại liệt nhưng lại sống nhờ nghề trồng rừng. Hezheng nói: ‘Tôi thường bị trêu đi đứng không được nói gì đến chuyện trồng rừng trên đồi. Khi Longhua đến gặp và nói muốn chụp hình tôi, tôi đã sốc. Nhưng sau đó tôi đã bị anh huyết phục bởi chúng tôi là những người cùng cảnh ngộ, rất dễ thông cảm và hiểu nhau’.
Nói về ý nghĩa bộ sưu tập của mình, Longhua nói: ‘Tôi hi vọng công việc của mình sẽ mang lại tấm gương cho mọi người. Nó giúp người khuyết tật hiểu mình vẫn có thể thành công nếu biết nỗ lực. Mọi người sẽ nhìn vào tấm gương đó mà rèn luyện cho bản thân mình’.
Và việc làm của Longhua đã có hiệu quả. Ge Bin – 18 tuổi, một người vừa câm vừa điếc – nói bằng ngôn ngữ tay: ‘Tôi rất chán cuộc sống nhưng sau khi xem cuộc triển lãm, những bức ảnh đã dạy tôi giá trị của cuộc sống. Bây giờ tôi trân trọng từng phút giây và làm việc chăm chỉ’.
Longhua từng nhiều năm làm việc cho Hiệp hội Người khuyết tật Trung Quốc tại tỉnh Triết Giang. Anh cho biết chính phủ đã cố gắng giúp đỡ và mọi người bình thường đã có con mắt thân thiện hơn với người khuyết tật. Nhưng hiện nay vẫn còn rất nhiều người khuyết tật Trung Quốc bị đói ăn và nghèo khổ. Đó là nỗi day dứt và động lực để Longhua tiếp tục sáng tác ảnh trong tương lai.