Tin tức chung

Nhiếp ảnh gia Alberto Korda – Cuộc đời sau hai cú bấm máy

Khoảnh khắc và hình ảnh thì tràn ngập thế giới trẻ, nhưng mấy ai biết đến cái tên Korda thầm lặng.

Ông sinh tại Havana năm 28 của thế kỷ trước. Nếu tổng thống Pháp đã gọi Henri Cartier Bresson là con mắt của thế kỉ, thì tôi luôn cho rằng Korda là chứng nhân của cách mạng vô sản quốc tế. Vì cuộc đời ông chỉ xoay quanh hai nhân vật mà ông kính trọng: Fidel và Che.

Nếu có dư thời gian lê la cà phê thì bạn sẽ nghe rằng Korda là kẻ may mắn, Fidel và Che là hai nhân vật lớn của thế giới, nâng máy lên bấm máy là đẹp chứ có gì cao siêu. Riêng tôi thì kính trọng tất thảy ai đó dám chụp chân dung trắng đen – cái thứ màu sắc không thật nhưng luôn thừa quyền lực và phép thuật để phơi bày cá tính chủ thể.

Trong mắt giới trẻ, hình ảnh Che là biểu tượng của đấu tranh

Korda sinh ra trong một gia đình nghèo khó, cha ông là thợ làm đường ray hoả xa. Cuộc sống ông được thay đổi dần khi được nhận vào làm trợ lí cho một nhiếp ảnh gia trong một studio. Ông càng ngày càng đam mê cái lớp nhựa với thứ hoá chất ma thuật ấy và rèn luyện không ngừng để trở thành một trong những bậc thầy của khoảnh khắc. Cuộc đời đột ngột rẽ và tiến nhanh khi ông tậu cho mình chiếc Leica M2 và được chọn là nhiếp ảnh gia chính thức của Fidel vào năm 1959.

Ngày ấy, Korda còn là một phóng viên ảnh trẻ của tờ “Revolución” của Cuba. Bức hình được chụp vào ngày 5 tháng 3 năm 1960 tại nghĩa trang Colón của Havana. Nếu như một ngày trước đó, không có chiếc tàu chở hàng của Pháp chở đầy vũ khí nổ tại cảng Cuba là hơn 100 người thiệt mạng, thì chắc hẳn 2 tấm phim X-Pan Kodak của Korda không thể ghi lại sự giận dữ pha lẫn buồn bã của Che vào lúc này. Và đó là khoảng khắc làm nên biểu tượng của cả thế giới.

Theo thói quen, Korda xoay chiếc máy ảnh và bấm liền 2 tấm theo chiều ngang và dọc hình ảnh Che ngày hôm ấy. Khi về studio của mình, ông vội tráng cuộn trắng đen X-Pan và nhận ra ngay rằng ông đang có bức chân dung mạnh mẽ nhất về cá tính của một con người vĩ đại. Nhưng rồi, Korda chỉ crop lại hình ảnh loại bỏ cây dừa và người thừa trong ảnh như những gì một tay máy cần làm khi rửa ảnh và ông treo nó trên tường nhà. Một kỉ niệm đáng nhớ cho đời người cầm máy, chụp được vị lãnh tụ mình yêu quí.

Năm tháng đã làm cho Studio và tấm ảnh Che trên tường cũ đi nhiều với một lớp khói xì gà bao phủ. Rồi một ngày, Korda mở cửa studio của mình để đón một người khách Ý đến thăm. Ông ta hỏi: “Ông có bức hình nào về Che đẹp nhất không”. Korda chỉ lên tường và nói: “Tấm này là đẹp nhất”.

Korda chẳng thể nào ngờ gã người Ý đó là tay buôn bán ảnh lừng danh Giangiacomo Feltrinelli. Được tặng bức ảnh đẹp nhất về Che mà không tốn một xu, Feltrinelli lập tức cho in 2 triệu tấm poster cho toàn thế giới.

Cả thế giới nghĩ, Korda sẽ chẳng còn là gì sau bức hình quá nổi tiếng. Có lẽ Korda may mắn chụp được khoảng khắc này. Rồi sự nghiệp của ông sẽ chẳng ra sao.

Nhưng đó tất cả chỉ là sự lầm tưởng về một tay máy thầm lặng. Ông yêu nhiếp ảnh và cũng chẳng gồng mình lấy tiếng khi chụp Che, và mãi những bức hình về sau của ông cũng vậy. Chỉ là những cú bấm máy thầm lặng, ghi lại khoảng khắc của cuộc sống.

Sau hai cú bấm, ông vẫn về với nhiệm vụ của mình là ghi lại tất cả hình ảnh của Fidel, người lãnh đạo mà ông yêu quí và hy sinh cả đời để ghi lại hình ảnh. Ông chẳng cần gồng mình sống cho sự nghiệp, vì ảnh của ông luôn như thế. Luôn là cái nhìn, cái chắp tay, khoảnh khắc của những lãnh đạo Cuba.

Washington Post đã vinh danh ông với bộ ảnh Cuba by Korda. Chỉ cần nhìn vào ảnh của ông, nhìn vào các nhà lãnh đạo Cuba, người ta sẽ thấy Cuba trong đó.

Korda đã không thu gì cho riêng mình với bức ảnh để đời. Ngày nay, bạn đừng cố gắng tránh khỏi hình ảnh chân dung của Che ở một đại hội nhạc Rock hay các cuộc biểu tình đấu tranh. Che là biểu tượng của cách mạng , của đấu tranh trên toàn thế giới. Và biểu tượng này không mang lại một chút gì cho cuộc sống của người chụp ra nó. Một xu cũng không, vì Cuba không nằm trong hiệp ước Berne, chẳng có bản quyền ở Cuba. Và còn vì vị lãnh tụ cách mạng Cuba cho rằng sỡ hữu trí tuệ là những thứ vớ vẩn. Và vì thế, Korda mãi sống với 2 tấm phim X-Pan một cách thầm lặng cho đến khi ông qua đời vào ngày 25-05 -2001 tại Paris. Và ông được chôn cất ngay chính nơi làm nên tên tuổi của mình – Nghĩa trang Colón, Havana.

Korda đã không kiếm một xu nào từ cú bấm máy để đời

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Để lại một bình luận

Back to top button