Minh Tân: Nữ nghệ sĩ đa tài
Minh Tân là bút danh ký dưới các bức ảnh nghệ thuật, ảnh thời sự và các bài báo. Tên khai sinh đầy đủ của cô là Trần Thị Minh Tân, người quê Đông Quang, Đông Hưng, Thái Bình. Khi còn là học sinh phổ thông, Minh Tân đã bộ lộ năng khiếu múa hát của mình. Rất may mắn cho Minh Tân, mới lên 4 tuổi, cô đã được nhạc sĩ Trần Hoàn dạy cho những nốt nhạc đầu tiên, được nghệ sĩ nhân dân Trần Minh phát hiện và dìu dắt vào nghề múa. Năm 13 tuổi, Minh Tân vào lớp thiếu sinh quân thuộc lực lượng công an nhân dân vũ trang, vừa học chữ vừa học nghệ thuật. Nhận thấy năng khiếu và dáng người rất hợp với ngành múa, cấp trên tạo điều kiện để Minh Tân vào học Trường Nghệ thuật Quân đội. Sau khi tốt nghiệp bộ môn múa, Minh Tân lại được học tiếp bộ môn nhạc cụ dân tộc ở Học viện Âm nhạc Hà Nội. Được trang bị lý luận cơ bản về múa và âm nhạc, trời lại phú cho năng khiếu sư phạm, Minh Tân có thể làm trợ lý, làm thị phạm cho các thầy các cô trong giờ lên lớp. Nhân có lớp tập huấn nghệ thuật của các bạn Lào, Minh Tân được đề bạt sang là chuyên gia đào tạo diễn viên múa cho bạn. Lào là một quốc gia có truyền thống múa dân tộc đặc sắc, nhờ đó, vừa giảng dạy vừa học tập, Minh Tân thu hoặch được nhiều điều bổ ích. Hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, Minh Tân trở về quê nhà công tác tại Trung tâm Văn hóa của một huyện lớn.
Làm công tác phong trào, Minh Tân phải kiêm nhiệm nhiều việc hành chính sự vụ, bận liên miên. Nhưng Minh Tân vẫn miệt mài suy ngẫm, say mê sáng tạo, sáng tác kịch bản múa, tham gia các hội diễn văn nghệ của Trung ương và địa phương. Có được kịch bản hay, lại còn phải tuyển người múa, chọn nhạc, nhờ người vẽ phông, cảnh, trang phục cho diễn viên. Liên tiếp ba lần hội diễn, Minh Tân có 3 kịch bản múa được tặng huy chương: Mùa xuân biên giới (1985), Mặt trời của tôi (1986), Tiếng cồng Tây Nguyên (1987). Điệu múa Cây súng mùa xuân, dựng chung với nghệ sĩ Trọng Hứa đã có tiếng vang, được bạn bè đồng nghiệp khen ngợi, được báo chí nhắc đến nhiều nhất. Dạy múa cho các diễn viên nghiệp dư, Minh Tân rất vất vả, uốn nắn, làm thị phạm từng ly từng tý, nhiều ngày mệt muốn đứt hơi.
Rồi Minh Tân được điều động về giảng dạy tại Trường Văn hóa Nghệ thuật của tỉnh, đúng nghề, đúng việc, Minh Tân phát huy hết năng lực, say mê soạn giảng, chịu khó tìm tòi nâng cao nghiệp múa, góp phần đào tạo nên nhiều lớp diễn viên múa giỏi của tình. Một lần, xem bức ảnh nghệ thuật của một nhà nhiếp ảnh tên tuổi, chụp điệu múa chim phượng, Minh Tân nảy ra ý tưởng phải chụp các động tác múa để làm ảnh trực quan phục vụ giảng dạy. Máy ảnh thì nhà trường có sẵn, nhưng cô không biết một tý gì về nghề ảnh. Minh Tân đánh bạo, tìm đến nghệ sĩ nhiếp ảnh Đăng Quang xin thọ giáo. Cần cù, miệt mài theo thầy theo bạn đi chụp các ảnh phóng sự, ảnh tư liệu và mon men đến lĩnh vực ảnh nghệ thuật, bảy năm sau ngày chụp bức ảnh đầu tiên, Minh Tân đã có những bức ảnh đẹp, được chọn đi dự triển lãm ảnh đồng bằng sông Hồng và triển lãm ảnh toàn quốc. Từ 1998 đến 2005, Minh Tân đã được nhận 7 giải chính thức cho các bức ảnh của minh.
Ngoài ảnh nghệ thuật, Minh Tân rất có duyên với các ảnh thời sự. Hiện tại, cô đã có hàng nghìn tấm ảnh thời sự được sử dụng trên các báo, tạp chí của Trung ương và địa phương. Bức ảnh Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Trần của Minh Tân được Tạp chí Việt Nam News in lại phát hành ra thế giới, là một phần thưởng rất lớn, cổ vũ cô thêm quyết tâm theo nghiệp nhiếp ảnh trọn đời. Minh Tân lại còn học viết báo. Đầu tiên cô viết những tin ngắn rồi tiến tới viết các vấn đề thời sự của quê hương. Trong cuộc thi viết về “những nhân tố mới” ở Thái Bình lần thứ nhất, Minh Tân được giải cao với bài Lặng lẽ vượt lên số phận. Ở cuộc thi lần thứ hai (2004 – 2005), tác phẩm Người đi đòi công lý của Minh Tân lại nhận giải 3 (không có giải nhất). Từ một biên đạo múa, sinh hoạt ở Chi hội Âm nhạc và Múa, Minh Tân đã chuyển sang sinh hoạt ở Chi hội Mỹ thuật – Nhiếp ảnh.
Bằng đức tính cần cù chịu khó, ham học, ham làm, Minh Tân đã có được những phần thưởng xứng đáng. Yếu đau, bệnh tật, gia đình lý tán, một mình nuôi con… suốt mấy chục năm trời, Minh Tân đã tự vượt lên, như nhân vật trong tác phẩm Lặng lẽ vượt lên số phận của cô.