James Caccavo và cuốn nhật ký chiến trường
Việc quan trọng mà ông nói đến là trao lại cuốn nhật ký của một bộ đội đã tử trận cho người thân của anh ta. “Tôi đã tình cờ nhặt được cuốn nhật ký ấy và giữ nó trong suốt mấy chục năm qua”, ông kể. “Thông tấn xã Việt Nam và Hội chữ thập đỏ Việt Nam cho biết họ đang nỗ lực chuẩn bị cho sự kiện này”.
Ông James Caccavo thuộc số 10 chuyên gia nhiếp ảnh lừng danh thế giới đến Việt Nam lần này để tiến hành chương trình cung cấp kinh nghiệp chụp ảnh digital cho khoảng 30 nhà báo ảnh trẻ. Đây là chương trình thường niên của Indochina Media Memorial Foundation (IMMF), một tổ chức từ thiện phi lợi nhuận tưởng nhớ các nhà báo đã tử thương hoặc mất tích ở chiến trường Đông Dương trong thời gian từ 1945 đến 1975, thông qua các dự án đóng góp cụ thể cho các địa phương. IMMF được thành lập bởi nhiếp ảnh gia chiến trường người Anh Tim Page, người đã nổi tiếng thế giới với nhiều ảnh về chiến tranh Việt Nam. Chương trình lần thứ ba này sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 10 đến 18/5, do hãng Canon tài trợ.
Trong gần 40 năm qua, ông James Caccavo đã thu thập rất nhiều kinh nghiệm ở đủ các lĩnh vực của nghệ thuật nhiếp ảnh, từ ảnh báo chí, ảnh quảng cáo, ảnh tài liệu công ty đến phim tài liệu và video. Ông từng làm việc cho các tạp chí Newsweek, Time, Life, People, Discover, Money, Forbes, Fortune… và các nhật báo Los Angeles Times, Washington Post ở Mỹ và tạp chí Asian Focus ở Nhật.
Caccavo sành sỏi cả công nghệ ảnh phim lẫn ảnh digital và từng làm việc tại nhiều nước châu Âu, Trung Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Philippines, Mexico và Mỹ. Rất nhiều giải thưởng chuyên ngành đã được dành cho ông, bên cạnh số mề đay của Hội chữ thập đỏ của nhiều nước. Vì nhu cầu công tác, nhiếp ảnh gia này cũng nói thông thạo tiếng Đức và có thể giao tiếp được bằng các thứ tiếng Nhật, Việt và Hàn.
Trong hai năm có mặt tại Việt Nam thời chiến tranh, do làm việc cho tuần báo Newsweek và đặc biệt là cho Hội chữ thập đỏ Mỹ nên hầu hết các ảnh của Caccavo đều tập trung vào các cảnh tang thương mà chiến tranh gây ra, từ người lính gác súng đứng cạnh xác đồng đội đến đứa bé trai mất cha mất mẹ nhỏ lệ khi bước vào trại mồ côi ở Sài Gòn năm xưa.
Trở lại trong thời hậu chiến, ông là tác giả của những bức ảnh đau lòng khác vì chúng mô tả những đứa trẻ là nạn nhân của bom mìn, chất độc da cam. Ông đã có nhiều công sức đóng góp cho việc hô hào lập quỹ nghiên cứu tác hại của chất độc da cam và hỗ trợ cứu giúp nạn nhân chất độc này.