Hữu Nền – Lắng đọng tình yêu Hà Nội
Đây là một tập sách ảnh dày dặn, bề thế, trình bày khoa học và logíc. Tôi đã thầm khen người biên tập cuốn sách này, nhưng xem kỹ, thì ra không ai khác, tác giả chính là người chủ trì biên tập và trình bày, bởi ông có bề dày 55 năm cầm máy và hơn 40 năm làm công tác biên tập ảnh ở Thông tấn xã Việt Nam và Nhà xuất bản Văn Hóa – Thông Tin.
Còn nhớ, cách đây mấy năm, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Hữu Nền đã ra mắt tập sách ảnh với kích thước nhỏ, chuyên về “Thắng cảnh Chùa Hương”, tập sách ảnh đẹp, gọn, rất tiện cho du khách thập phương và bạn bè quốc tế khi đến lễ chùa. Lần này, với “Thủ đô Hà Nội” lại khác, kích cỡ sách lớn hơn, dày hơn (khuôn khổ 25x25cm, dày150 trang). Đây là một tập hợp gồm 177 bức ảnh chụp về Hà Nội mà ông đã chắt chiu suốt gần 50 năm qua.
Tôi thích cái kiểu dựng sách, trình bày theo phương pháp so sánh của ông, theo đó cùng một địa danh ông đưa vào sách hai, ba bức ảnh nhưng mỗi bức ảnh lại được ông chụp vào một thời điểm khác nhau, có khi cách nhau cả hơn 40 năm. Chính kiểu trình bày này đã tạo cho người xem có những hồi tưởng, những so sánh và cả những suy tư.
Những bức ảnh trong tập sách thể hiện một cách bình dị, nhẹ nhàng không tô vẽ nhưng lại sinh động và phải nói là rất thực, thực về phong cảnh Hà Nội, thực về cuộc sống của những con người Hà Thành qua thăng trầm của lịch sử, thực như chính con người của ông vậy.
Hồ Gươm và các cảnh quan quanh Hồ Gươm là những hình ảnh được NSNA Hữu Nền khắc họa và đưa trang trọng vào những trang đầu sách. Chính từ những hình ảnh mà ta cứ tưởng là đơn giản này của ông đã làm tăng thêm nỗi nhớ cho người đi xa và đã nhân lên sự ước ao của những ai đó chưa một lần về thăm Thủ đô Hà Nội.
Hình ảnh “Mặt Hồ Gươm”,“Tượng đài Lý Thái Tổ”, “Đền thờ Lê Lợi”, “Tượng đài Quang Trung” uy nghi, mà những “Nhà Hát Lớn đêm trăng”, “Cổng Ô Quan Chưởng”, “Cổng trường Đại học Tổng hợp” hay “Bảo tàng Lịch sử quốc gia”, “Bảo tàng Lịch sử quân sự”, Quảng trường Cách mạng Tháng Tám”, Lăng và cảnh quan quanh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh… là những nét hào hùng, là tượng đài của thời đại được nghệ sĩ Hữu Nền thể hiện khá đậm nét.
NSNA Hữu Nền, tên đầy đủ là Nguyễn Hữu Nền, ông sinh ra ở thôn Đào Nguyên, xã An Thượng, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay là ngoại thành Hà Nội), vùng đất Xứ Đoài, là Quê hương của những huyền thoại. Hình ảnh về đình chùa, hội làng, về tình người đã gắn với ông từ bé… được ông xác định đây chính là những nét văn hóa, là nguồn cội của cuộc sống vậy nên trong ông luôn đau đáu làm thế nào để lưu giữ được những hình ảnh đó. Và rồi, “Khám bệnh cho người thương binh”, “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, “Luyện âm”, “bước đầu tập vẽ”, “Kiểm tra vở”, “Giao lưu với người khuyết tật”… nói lên những nghĩa cử của của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô với chính sách xã hội, với công tác giáo dục thế hệ trẻ. “Thành cổ Sơn Tây”, “Đình Chu Quyến”, “Chùa So” hay “Tam quan Cổ Loa”… cho thấy những dấu tích xưa cho đến hôm nay vẫn được bảo tồn. Những “Cầu hội mùa xuân”, “Lễ hội mừng xuân bên tượng đài Lý Thái Tổ”, “Hội thả chim”, “Lễ hội Gò Đống Đa”… cũng là những nét văn hóa đã được ông thể hiện trong tập sách ảnh.
Nghề truyền thống ở Hà Nội không biết có tự bao giờ và mỗi chúng ta khi lớn lên đều đã thấy có cả rồi. Thế nhưng ở góc độ nào đó nó đã dần mai một. Những “Nghề bánh truyền thống”, “Được nắng”, “Bến gốm sồng Hồng”, “Sắc màu kim chỉ” “Nghệ nhân gò tranh đồng”… trong “Thủ đô Hà Nội” Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Nền muốn nhắc nhở mọi người: Chúng ta hãy giữ và phát huy lấy nó. Đây là kế sinh nhai nhưng cũng là một nét văn hóa đáng trân trọng.
Xem xong tập sách, tôi vẫn có những trăn trở, giá như tác giả có thời gian để chọn kỹ ảnh hơn, loại bớt một vài bức ảnh thiếu chất lượng và giá như kỹ thuật in tốt hơn, chuẩn hơn thì chất lượng tập sách chắc chắn sẽ khá hơn. Tuy vậy, tôi rất đồng tình với nhận xét của Nhà nghiên cứu Dương Trung Quốc: “Chất mộc mạc là ngôn ngữ chủ đạo của tập sách ảnh này. Chủ đề không mới nhưng nếu người xem chú ý tới những thời điểm nghệ sĩ Hữu Nền bấm máy, sẽ nhận thấy những giá trị mà không phải ai cũng có. Đó là sự tích lũy bằng vốn sống và tuổi nghề của một người cầm máy hơn nửa thế kỷ. Tôi vô cùng trân trọng, ghi nhận bằng sự cảm mến của mình với những tấm ảnh chụp về Hà Nội mà mỗi tấm ảnh đều mang một dấu ấn về thời gian và nghệ thuật”.
Năm nay, NSNA Hữu Nền bước vào tuổi 75, cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng mỗi sáng, mỗi chiều, trời mưa, trời nắng chúng tôi vẫn gặp ông ở những góc phố, những bức tường rêu phủ, trên những con đường lá gió bay bay, hay trên những công trình còn đang ngổn ngang xây dựng, ông vẫn chụp, vừa chụp vừa chiêm nghiệm. Ông tâm sự: “Tôi đã tự nhủ phải viết một cuốn tiểu thuyết, cuốn tiểu thuyết bằng ánh sáng nhiếp ảnh để thể hiện tình yêu của tôi dành cho thành phố “Vì hòa bình”. Và với tôi, mỗi khi nhớ đến NSNA Hữu Nền, tôi vẫn thích cái tên mà nhà báo Hồ Hạ đặt cho ông: Người “Kể chuyện Thủ đô bằng ảnh”.