Tin tức chung

Hình ảnh người Hà Nội trong nghệ thuật nhiếp ảnh (tiếp theo và hết)

Năm 1949, tại Việt Bắc, Nha Thông tin mở lớp đào tạo 30phóng viên nhiếp ảnh. Lớp học chính qui đầu tiên trong những năm kháng chiến lấy khẩu hiệu: “Mang nghệ thuật ánh sáng phục vụ kháng chiến”. Nhiều học viên sau này trở thành nhà nhiếp ảnh nổi tiếng.

Năm 1949, Đại hội Văn nghệ toàn quốc tiến hành tại tỉnh Phú Thọ, và thành lập hội Văn nghệ Việt Nam. Ban Chấp hành đoàn nhiếp ảnh gồm hầu hết các nhà nhiếp ảnh Hà Nội: Vũ Năng An, Đinh Đăng Định, Hồng Tranh, Trần Văn Lưu, Bàng Bá Lân, Lương Xuân Nhị, Đỗ Văn Thành.

Đội ngũ các nhà nhiếp ảnh Hà Nội trở thành lực lượng chủ chốt, luôn xông xáo, hoàn thành nhiệm vụ phóng viên chiến trường, bám sát tuyến đầu trận đánh, gắn bó với cuộc sống, sinh hoạt của lãnh tụ các cơ quan Đảng, chính phủ, mặt trận, đoàn thể, hàng triệu con người trong chiến khu kháng chiến… kịp thời thông tin, tuyên truyền, động viên mọi tầng lớp nhân dân, quân đội vượt muôn trùng khó khăn, gian khổ, một lòng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng cao cả, trường kỳ kháng chiến giành độc lập cho dân tộc.

Do hoàn cảnh riêng, một bộ phận các nhà nhiếp ảnh ở lại Hà Nội vùng địch tạm chiếm, mở hiệu ảnh kiếm sống. Một vài người hoạt động cho giặc vì nhận thức và miếng cơm manh áo, số lớn làm nghề và đi theo con đường nghệ thuật. Có cửa hiệu là cơ sở cho cách mạng, cung cấp phim, giấy ảnh, thuốc ảnh, nguyên vật liệu… cho chiến khu kháng chiến.

Các nhà nhiếp ảnh Hà Nội lúc đó tập hợp lại cùng nhau thành lập Hội Nhiếp ảnh Việt Nam và bầu ông Phạm Văn Mùi làm hội trưởng, ông Đỗ Huân làm hội phó, tiêu biểu là các nhà nhiếp ảnh: Võ An Ninh, Lê Đình Chữ, Nguyễn Duy Kiên, Nguyễn Cao Đàm, Nguyễn Văn Chiêm, Bàng Bá Lân… Hội đã ba lần tổ chức triễn lãm vào các năm 1952, 1953, 1954. Nhiều tác phẩm hướng tới phong cảnh ngoại thành, phố xá và đời sống hàng ngày của người Hà Nội, có nhiều tác phẩm tiêu biểu như: “Thuyền” của Võ An Ninh, “Tình mẫu tử” của Đỗ Huân, “Giọt mưa trên kính” của Lê Đình Chữ, “Cụ đồ” của Nguyễn Duy Kiên, “Núi Trầm” của Nguyễn Cao Đàm… là những tác phẩm mang tâm hồn, gợi nét đẹp thanh lịch, tao nhã của người Hà Nội.

Nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật biểu hiện tâm tư, niềm đam mê của các nhà nhiếp ảnh Hà Nội, họ đi vào chiều sâu của cảm xúc, tâm hồn, phản ánh trung thực cuộc sống đa dạng, phong phú, ghi nhận một thời lịch sử bi thương và hào hùng của dân tộc. Thời gian lùi dần, hình ảnh sinh hoạt của con người, sự kiện quá khứ trở nên quý giá, bức ảnh mãi mãi mang giá trị lịch sử và thẩm mỹ sẽ có vai trò đáng trân trọng, nối liền tâm thức con người.

3. Những hình ảnh đầu tiên về con người mới xã hội chủ nghĩa ở Hà Nội (1954 – 1975).

Năm 1954, cắm một cột mốc trong nghệ thuật nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam. Những đoàn quân tiến về giải phóng thủ đô và nhiếp ảnh ghilại hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ. Trong giai đoạn này, hình ảnh người lính Thủ đô là một hình ảnh đẹp của lịch sử. Đó là đoàn quân vũkhí từ thô sơ đã trưởng thành có trang bị hiện đại, sống dạt dào trong tình nghĩa của nhân dân.

Ngày 10 – 10 -1954, quân đội nhân dân Việt Nam tiến vào Hà Nội. Chúng ta có những hình ảnh ghi lại những giây phút xúc động này. Nhà Nhiếp ảnh Nguyễn Đình Ưu đã ghi lại nhân vật trung tâm là người chiến sĩ trẻ, quân phục chỉnh tề, đeo chiếc mũ lướigiản dị, với khẩu tiểu liên trước ngực, chứng kiến hai tên lính Pháp rời khỏi vị trí canh gác, rồi ảnh những chiến sĩ ta khoác súng giám sát quân đội viễn chinh rút lui trên cầu Long Biên. Người Hà Nội trong giây phút này biểu lộ tư thế của người chiến thắng, làm chủ vận mệnh của mình. nghệ thuật nhiếp ảnh ghi lại chân thật nhất hình ảnh của người chiến sĩ Hà Nội trong giai đoạn này.

Cả Hà Nội đổ ra đường có các mẹ, các chị, các tầng lớp nhân dân Thủ đô, thanh niên, thiếu nhi đón đoàn quân chiến thắng tưng bừng cờ hoa. Hình ảnh hết sức xúc động là các em thiếu nhi ùa ra đón chiến sĩ đội mũ sắt trên xe và các anh bộ đội cụ Hồ cúi xuống bắt tay các em vô cùng thân thương, trìu mến.

Cuộc sống của thành phố sau đó biến đổi rất nhanh. Những chuyến xe lửa đầu tiên bắt đầu hoạt động lại nối Hà Nội với các miền của đất nước. Trường Đại học khai giảng. Bác Hồ đi thăm các trường học, các nhà máy như nhà máy điện Yên Phụ, nhà máy xe lửa Gia Lâm. Nhịp sống sôi nổi của thành phố trẻ trung được thể hiện qua các hình ảnh rất gần gũi với đời sống.

Ngày 1-1-1955, tại Quảng trường Ba Đình, 15 vạn dân Thủ đô tới dự lễ đón Hồ chủ tịch và Chính phủ trở về Thủ đô. Hà Nội bắt đầu làm quen với lễ duyệt binh của Quân đội Nhân dân và quân du kích thể hiện sự trưởng thành và lớn mạnh của các lực lượng vũ trang của ta.

Một số phóng sự của các nhà nhiếp ảnh giai đoạn này ở tờ Báo ảnh Việt Nam, tờ báo hình ảnh duy nhất của cả nước đã mô tả được từng bước tiến của Thủ đô.

Hình ảnh các thiếu nữ trẻ trung, mặc những tà áo dài kiều diễm thong thả bên hồ, nói lên niềm vui trong cuộc sống mới.

Hình ảnh anh hùng lao động Lê Minh Đức ở Đoạn đầu máy xe lửa Hà Nội đựơcmô tả như những con người đẹp, giàu sáng kiến, tận tụy với nghề.

Nhà máy in Tiến Bộ, một cơ sở in ấn hàng đầu Việt Nam, với những người công nhân mới và nhu cầu phát triển đời sống tinh thần trong xã hội cũng đi vào ảnh.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc trở thành trung tâm của nhiếp ảnh cách mạng, nơi hội tụ các nhà nhiếp ảnh ở chiến khu trở về, các nhà nhiếp ảnh ở tại Hà Nội, các nhà nhiếp ảnh ở miền Nam ra tập kết. Hình ảnh của người Hà Nội lúc này có nội dung phong phú, tụ hội nhiều đặc điểm của mọi miền. Ảnh giai đoạn này còn được ghi lại trong nhà máy, công xưởng, chú trọng tới hình ảnh công nông binh, chú trọng tới chính trị của sự việc. Người Hà Nội đã trải qua những bước đi lớn về tinh thần, trở nên quen thuộc và nhạy cảm với những vấn đề chính trị, biết quan tâm tới công việc chung. Đó là hình ảnh người Hà Nội với lối sống mới trong cuộc sống xã hội chủ nghĩa.

Có những bức ảnh gây ra tranh luận trong giới nhiếp ảnh như bức ảnh “Hồ gươm trong sáng” của tác giả Dương Quỳ trưng bày tại triển lãm nghệ thuật nhiếp ảnh lần thứ hai, Hà Nội năm 1959, chụp những bóng cây mờ nhạt trong sương, ở trung tâm là một đôi trai gái đang trò chuyện bên ghế đá. Có ý kiến cho rằng bức ảnh đã có tính hình thức chủ nghĩa, nhưng thực ra khi Hà Nội giải phóng, những khía cạnh của cuộc sống thường nhật đã được chú ý, con người Hà Nội trở nên quan tâm tới cảnh hạnh phúc riêng bên cái chung.

Có những tác phẩm như “Nguồn vui” của Đỗ Huân mô tả hình ảnh người mẹ và em bé vô cùng sinh động và đẹp, chân thành. Đây là bức ảnh khá hoàn chỉnh về nội dung và bố cục, nó nêu được một nét tâm tình sâu lắng của người Hà Nội.

Hà Nội như được đổi mới về lối sống, phong cách sống, thể hiện qua những bức ảnh chân dung, sinh hoạt, phong cảnh mô tả nhịp sống mới ở các khu phố, công xưởng, nhà máy, các cánh đồng ngoại thành. Phần lớn những bức ảnh chú trọng tới tính xã hội của hình ảnh và cũng nhờ thế nó có một tầm vóc khác so với trước kia. Người Hà Nội trong ảnh thể hiện một lối sống giản dị, thiên về vẻ đẹp trong công việc, gắn bó với những công việc cụ thể của nghề nghiệp hay các mối quan hệ.

Nhiều bức ảnh của Bác Hồ được chụp tại Thủ đô. Những bức ảnh của Đinh Đăng Định chụp cảnh Bác đang tưới cây vú sữa, thể hiện tấm lòng thương nhớ của Người tới miền Nam. Ảnh Bác Hồ đang cho cá ăn của Vũ Đình Hồng thể hiện sự giản dị, thanh thản của Người, ảnh Lâm Hồng Long chụp Bác đang bắt nhịp cho dàn nhạc và đồng bào hát bài “Kết đoàn”. Rồi ảnh Bác với các cháu thiếu niên ở miền Nam ra thăm Người hết sức xúc động vì sự bình dị của Người, ảnh Bác đang vui với các cháu thiếu nhi mầm non của đất nước… Trong những ngày đưa tiễn Người đi xa, cả Hà Nội đã khóc thương bên Bác. Từ những vị lãnh đạo cao nhất cho tới những em bé, các cụ, các chị, các cô, các thanh niên, công an và quân đội, các ngành, các giới… và cả bạn bè trên thế giới đều đến để chia tay với Người. Đó là sức mạnh lớn lao của nhân cách Hồ Chí Mi nh, hình ảnh cao đẹp của dân tộc. Nghệ thuật nhiếp ảnh đã góp phần để lại cho đời sau hình ảnh chân thực của Bác, với một khối lượng ảnh đồ sộ nhất, tiêu chuẩn nhất cho chân dung một con người hết lòng vì nước, vì dân.

4. Hình ảnh Người Hà Nội chống Mỹ qua vẻ đẹp của ảnh nghệ thuật và tư liệu.

Một trong những thành công lớn của nhiếp ảnh Hà Nội trong giai đoạn chống Mỹ là việc ghi nhận được khá nhiều hình ảnh tiêu biểu cho một giai đoạn lịch sử của Thủ đô.

Ngày 5-8-1966 máy bay Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc. Các nhà nhiếp ảnh đã ghi lại được hình ảnh quân ta tự tin bắn trả máy bay địch và hình ảnh tên phi công Mỹ Alvarez bị bắt ngày này. Những hình ảnh ghi lại cảnh tàn phá của máy bay xuống làng mạc và phố phường để lại một dấu ấn khá dâu trong nhiếp ảnh Việt Nam. Trong giai đoạn Mỹ ném bom miền Bác lần thứ nhất (1965 – 1968) nhiều hình ảnh lịch sử của người Hà Nội chiến đấu được ghi lại. Đó là hình ảnh bộ đội phòng không với những dàn tên lửa bảo vệ Hà Nội, cảnh chiến sĩ ta tự tin rèn luyện bên mâm pháo, cảnh những chiến sĩ dũng cảm đối đầu với kẻ thù và đẹp nhất là hình ảnh máy bay Mỹ bốc cháy trên bầu trời Hà Nội.

Cuộc sống người Hà Nội lúc đó có nhiều thay đổi. Những bức ảnh để lại đã ghi chép hình ảnh những đoàn người đi sơ tán khỏi thành phố. Người Hà Nội cần mẫn đi theo nhau ra khỏi thành phố trên những chiếc xe đạp. Trên xe đạp là tất cả mọi thứ cần thiết cho cuộc sống. Từ gạo nước cho đến quần áo, chất đốt, đài đóm… Có cả những cảnh người Hà Nội nón lá gánh con đi sơ tán như thời chống Pháp. Một trong những hình ảnh phổ biến của người Hà Nội thời điểm bấy giờ là những chiếc mũ rơm ở nơi sơ tán. Mũ rơm là người bạn đồng hành của các các bé đi đến trường học, cùng với những gùi rơm sau lưng. Những người trực chiến thì lúc nào cũng có mũ rơm và mũ sắt trên đầu. Mọi kinh nghiệm chiến tranh được mang ra thử nghiệm và nó trở thành nếp sống thời chiến của người Hà Nội.

Cái đáng quý nhất là vẻ đẹp tinh thần của người Hà Nội trong giai đoạn chiến tranh. Những người ỏ lại thành phố vẫn tuân theo kỷ luật chiến đấu, vừa giữ gìn an ninh, vừa thực hiện phần việc của mình một cách tự tin và thoải mái. Hàng ngày, xe cộ vẫn tập trung đi vào ban đêm, tránh những giờ cao điểm, còi thành phố luôn sẵn sàng báo động khi máy bay tới. Trên các nóc nhà cao, trên các trụ cao của cầu Long Biên là các tổ dân quân trực chiến. Những bức ảnh như ảnh tổ dân quân trực chiến ở trên sân thượng phố Nguyễn Thái Học chứng tỏ sự tự tin mãnh liệt của người Hà Nội vào sự nghiệp đánh Mỹ cứu nước góp phần lý giải vì sao chúng ta thắng Mỹ.

Nhiếp ảnh đã ghi lại được những hình ảnh lịch sử của người Hà Nội trong những giây phút đó. Đó là những hình ảnh khi kho xăng Đức Giang bị cháy, hình ảnh những chiếc xe tên lửa của ta vào trận đánh. Những chiến sĩ luôn sẵn sàng chiến đấu. Hình ảnh những trận địa cao xạ đang nhả đạn vào máy bay địch. Những nữ tự vệ trên mâm pháp đầu đội mũ sắt nhằm thẳng quân thù mà bắn. Bên cạnh đó là máy bay Mỹ bốc cháy trên bầu trời Hà Nội.

Nhà nhiếp ảnh Minh Trường đã chụp một phóng sự ảnh về máy bay B52 bị cháy, anh chụp được cả cảnh tên giặc lái bị dân quân Ngã Tư Vọng bắt. Minh Lộc chụp được chiếc B52 chưa kịp ném bom đã bị ta bắn cháy xé làm nhiều mảnh rơi xuống hồ cá. Anh chụp ảnh cô gái làng hoa lấy nước tưới hoa ngày Tết có xác B52 ở đó. Văn Bang chụp ảnh hai cô gái tự vệ bơi thuyền trong sương sớm ra lấy xác máy bay ở Ngọc Hà.

Những sinh hoạt bình thường của người dân Thủ đô thời chiến cũng được ghi lại trong những ngày địch bắn phá miền Bắc. Những nhân vật như chị làm vệ sinh, người bán hàng, đến những con người cụ thể như bác sĩ Trần Hữu Tước, bác sĩ Tôn Thất Tùng đang mổ xẻ, cấp cứu tại bệnh viện, đều được các nhà nhiếp ảnh ghi lại rất sinh động.

Đề tài nông nghiệp có những bức ảnh như Bừa đất làm mầu, Nhân bèo dâu, Vớt cá giống của Lê Minh rất đẹp và gợi cảm. Bức ảnh Nhân bèo dâu mô tả những cánh bèo dâu lấp lánh ánh bạc trên bàn tay của người xã viên đang đẩy nước. Vớt cá giống làm cho chúng ta thêm yêu con người lao động cần cù.

Hình ảnh người Hà Nội qua ảnh vừa tự tin, bình thản sẵn sàng cho mọi chiến công, vừa sống vừa chiến đấu được nhiếp ảnh thể hiện chân thật và sinh động. Thật khó quên hình ảnh đôi nam nữ đạp xe Đi trực chiến của Đỗ Huân, hình ảnh Nữ dân quân của Nguyễn Đình Ưu, bên cạnh đó cũng có những nét bi thương mang nét nhân đạo và mang tính anh hùng ca trong ảnh như cảnh phố Khâm Thiên bị đổ nát, cảnh Phúc Tân kêu gọi trả thù của Vũ Ba.

Hà Nội trong bom đạn vẫn giữ được phong độ của một thành phố Thủ đô kiên cường. Công nhân nhà máy điện, nhà máy nước vấn bảo đảm sinh hoạt cho thành phố. Chợ vẫn được nhóm họp, quầy bia vẫn bán bên cạnh hầm trú ẩn. Người dân nấp trong hầm trú ẩn vẫn lặng lẽ theo dõi mọi diễn biến của trận đánh, các chiến sĩ tự vệ thì dũng cảm bắn trả kẻ thù.

Những người nông dân ở ngoại thành như nông dân Yên Duyên, Yên Sở, vẫn cầy bừa bên cạnh các hố bom. Bà con đem quà thăm bộ đội trực chiến. Đám cưới vẫn được tổ chức giữa hai đợt bom đạn. Đêm Noel các nhà thờ vẫn làm lễ cho các giáo dân. Bộ đội ta giải lính Mỹ quanh Hồ Gươm tạo không khí náo nhiệt và phấn khởi.

Qua những hình ảnh chúng ta thấy, người Hà Nội vào giai đoạn ấy sống hết sức sôi nổi và kiên cường, kiên trì mục tiêu xây dựng và chiến đấu, người Hà Nội vẫn sống rất nhân văn, đối xử tử tế với những kẻ thù bị bắt làm tù binh trong trại Hilton. Hình ảnh người Hà Nội với đạo lý sống cao đẹp được thể hiện khá rõ qua những bức ảnh giai đoạn này. Nhiếp ảnh cũng đã ghilại khásinh động cuộc sống của lũ tù binh Mỹ trong trại giam Hilton.

Người Hà Nội đón tin hiệp định Paris ký kết chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam (ký ngày 27-1-1973) với niềm vui và hoan hỷ. Sau khi ký hiệp định Paris, đến ngày 29-3-1973, các lực lượng Mỹ rút khỏi Việt Nam.

Hình ảnh người Hà Nội đón chiến thắng năm 1975 được ghi lại thành trang lịch sử của nhiếp ảnh. Những con người Hà Nội trong chiến tranh có sinh hoạt hết sức cần kiệm và giản dị. Trang phục của họ những đơn giản, không có nhiều mầu sắc. chú trọng tới sự giản tiện cho lao động và chiến đấu.

Hình ảnh người phụ nữ là một nét tiêu biểu cho vẻ đẹp của Hà Nội trong thời kỳ chiến tranh và hòa bình. Bức ảnh Nữ dân quân của Nguyễn Đình ưu chụp trong thời chiến tại Hà Nội là một trong những bức ảnh khá tiêu biểu của thời chiến. Đó là cái đẹp giản dị nhưng hết sức thanh cao và tự nhiên, hồn hậu và tươi tắn.

5. Hình ảnh người Hà Nội từ sau năm 1975 đến nay.

Từ sau năm 1975, cuộc sống người Hà Nội càng đi vào chiều sâu, chất lượng sống được nâng lên, có sức gợi mở về nghệ thuật và hình ảnh sáng tạo.

một trong những nét mới của nhiếp ảnh Hà Nội là những triển lãm ảnh ngày càng đa dạng, phong phú và mang nhiều cá tính hơn. Nhiếp ảnh sáng tạo cũng không chỉ dừng ở một vài mô tít mà đã có cái nhìn thực sự đổi mới, hướng tới hội nhập với quốc tế. Hình ảnh người Hà Nội qua các tác phẩm nhiếp ảnh cũng mang được bề sâu tâm lý và được thể hiện một cách nghệ thuật và thành thạo hơn. Có những hình ảnhsống động như chân dung GS. Nguyễn Trọng Nhân ghép giác mạc thành công mang lại ánh sáng cho Lê Duy Ứng. Có những tác phẩm về con người giàu tính nhân văn như “Hướng đi lên” của Đỗ Huân, “Thầy thuốc tương lai” của Xuân Liễu, “Nối sợi” của Văn Phúc. những khoảnh khắc thường nhật được chú ý hơn trong nhiếp ảnh. Quang Phùng chụp “diễn viên múa” ngược sáng, tạo mảng khối sinh động, diễn tả được nội tâm nhân vật. Tâm hồn tươi sáng của các em thiếu nhi cũng được thể hiện trong “Em có ý kiến” của Xuân Liễu. Đây là tác phẩm có chiều sâu.

Diện mạo thay đổi và con người cũng thay đổi theo hướng kinh tế thị trường, người Hà Nội cũng tạo ra nét riêng văn hoá phố cổ, văn hoá vỉa hè với bao nhiêu những vấn đề của nó. Những triễn lãm với cái tên “Hà Nội đẹp và chưa đẹp” cũng thể hiện một phần cố gắng bằng cách nhìn Hà Nội vớicon mắt của người trong cuộc. Một cái nhìn xây dựng từ bản chất với ước muốn mỗi ngày càng đẹp hơn đồng thời phê phán cái xấu. Những triển lãm này đã góp phần giúp nhiếp ảnh thoát khỏi cái nhìn một chiều, thiên về ca ngợi và nêu thành tích. Các tác phẩm về con người như “Đi xe đạp trong công viên Lênin” chụp những công an đi xe đạp trong công viên và người dân chứng kiến rất khó chịu, hay “Một kiểu kính lão” của Vũ Nhật chụp một thiếu niên ngồi chơi trên chạc cây bờ hồ buông hai chân xuống mấy cái đầu bạc… là những bức ảnh chân thực vừa hài hước vừa báo động một hiện tượng xuống cấp của kỷ cương, nếp sống, chứa đựng sự phê phán nhẹ nhàng và hữu hiệu.

Đấu tranh với cái xấu là một trong những mặt cần làm để xây dựng nếp sống mới xã hội chủ nghĩa. Chính vì vậy những bức ảnh có tính chất phê phán đã có một vai trò cần thiết và có tác dụng xã hội. Năm 1989 có triển lãm ảnh Đời thường tại Hà Nội. Triển lãm của nhóm ảnh Đời thường lúc này trở thành một hiện tượng trong giới chuyên môn. Những bức ảnh chú tọng tới tính chân thực, không né tránh cả những mặt trái của đời sống, ghi lại một cách nhìn mới, đa chiều với thực tế đa dạng của Việt Nam. Phương pháp phong sự của ảnh báo chí đặc biệt hữu ích với việc thể hiện con người đa dạng của cuộc sống. Cái tốt và cái xấu được nhìn nhận một cách gần với cuộc sống thực tế. Điều này cũng đáp ứng được những đòi hỏi của độc giả nhiếp ảnh là cần có cái nhìn thực tế, đa chiều.

Cuộc sống con người Hà Nội không chỉ dừng ở những cảnh đẹp, những con người thơ mộng. Đâu đó còn hằn lên những nét suy tư và suy nghĩ, bên những công trình lớn là những vấn đề xã hội đôi khi khá gay cấn. Hướng ống kính vàothể hiện con người trongcuộc sống thành phố là một trong những đòi hỏi bức thiết. Hàng loạt những triển lãm cá nhân đã ra đời trong đó không ít bức ảnh chụp về con người Hà Nội. Các nhà nhiếp ảnh đã có cái nhìn toàn diện và khai thác chi tiết hơn về con người trong những hoàn cảnh khác nhau.

Tóm lại, qua ảnh chúng ta nhận thấy Hà Nội với vị trí là Thủ đô nên luôn luôn tiếp nhận những yếu tố mới. Con người Hà Nội cũng thay đổi theo dòng lịch sử. Từng ngày thành phố lớn lên và cuốn vào nó bao nhiêu những nhân vật và sự kiện không dễ gì bao quát hết được. Nhưng con người Hà Nội vẫn giữ được cốt cách của nó và có những yếu tố sẽ mãi trường tồn như tính thanh lịch của người Tràng An, tính hòa nhã, kiên định với lý tưởng hòa bình, hết sức cởi mở, nhân hậu, tha thiết yêu quí thành phố xinh đẹp và cổ kính của mình. Nhiếp ảnh cũng góp phần phản ánh được một phần nào tính cách của người Hà Nội…/.

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Để lại một bình luận

Back to top button