Kỹ thuật

Chuẩn bị ‘đồ nghề’ đi du lịch

Tạp chí Digital Photography School đã tổng hợp những điều những người thích chụp ảnh nên chuẩn bị khi đi du lịch.

Vác máy ảnh đi du lịch luôn là niềm đam mê và khao khát của người chụp ảnh, nhưng vấn đề đầu tiên phải nghĩ đến là bạn sẽ phải mang theo “đồ nghề” gì. Đừng quá tham mang tất cả (nếu bạn có nhiều), mà hãy chuẩn bị sao cho thật gọn nhẹ vì bạn sẽ chính là người phải luôn mang vác đống đồ nghề này trên người. Về cơ bản, chỉ cần một thân máy, một vài ống kính chủ yếu, một chân máy gọn nhẹ (hoặc chỉ cần một chân máy mini có thể quặp được kiểu chân Gorillapod), một vài thẻ nhớ, đèn và một túi máy ảnh có khả năng chống thời tiết.

Đi du lịch nghĩa là sẽ có rất nhiều cơ hội chụp nhiều thể loại ảnh khác nhau, nhưng chính vì thế mà việc lựa chọn ống kính nào mang đi sẽ khiến bạn phải băn khoăn không ít. Nếu bạn chỉ có thể mang được một ống kính, hãy mang các ống toàn dải kiểu 18 – 200 mm hay 28 – 300 mm vì ít nhất chúng cũng đáp ứng đủ nhu cầu thông thường, dù đôi lúc khoảng cách và độ mở của các ống kính này còn có nhiều hạn chế. Nếu đủ sức mang theo nhiều hơn, hãy lựa chọn ba loại phục vụ cho ba vùng tiêu cự khác nhau: Ống prime tiêu chuẩn (như 50 mm hay 85 mm), ống góc rộng (10 – 24 mm) và một ống tele (70 – 200 mm).

Hãy để ảnh ở độ phân giải cao nhất, thậm chí RAW để khi về nhà bạn vẫn có thể khắc phục lỗi nếu có, bởi nếu không, bạn sẽ chẳng có cơ hội quay trở lại. Tuy nhiên, khi lựa chọn chất lượng ảnh cao nhất này, đồng nghĩa với việc phải mang theo thẻ nhớ có dung lượng lớn, hoặc nếu không phải mang máy tính để có thể đổ hết ảnh vào mỗi khi chụp xong. Nếu có điều kiện, mang đầu đọc thẻ kiêm ổ cứng để có thể đổ ảnh ngay khi trên đường đi thay vì phải mở máy tính.

Mối tối sau một ngày chụp ảnh về, hãy giành chút ít thời gian ghi lại về địa điểm, sự kiện, phong cảnh, con người… mình vừa chụp. Ghi chú này sẽ giúp bạn ghi nhớ về từng bức ảnh và có thể làm thành các thông tin khi chia sẻ hay bán ảnh sau này. Một số máy ảnh đời mới có khả năng ghi chú bằng ghi âm vào mỗi bức ảnh, vì thế cố gắng tận dụng công nghệ này.

Nếu không biết rõ về địa điểm đẹp mắt để chụp ở mỗi vùng, hãy tìm đến những văn phòng du lịch để hỏi xem họ có thể giới thiệu những danh lam thắng cảnh nào trong vùng phù hợp với nhu cầu chụp ảnh của bạn hay không. Hỏi xem liệu họ có thể giới thiệu tới các hướng dẫn viên địa phương hay thậm chí là những nhiếp ảnh gia nghiệp dư địa phương để họ chỉ cho bạn những phong cảnh đẹp mắt, những địa điểm đứng chụp mà không bị ảnh hưởng bởi sự đi lại của du khách. Dành thời gian ngắm nghía những điểm bán bưu thiếp hoặc đọc qua sách du lịch về địa điểm muốn đến để hình thành một danh sách các địa điểm cần phải đến, cần phải chụp.

Một trong những hạn chế của người chụp ảnh khi đi du lịch mà muốn chụp ảnh chân dung người bản địa là sự thiếu tự tin. Thông thường khi muốn chụp người bản địa để làm rõ nét văn hóa của vùng đó, người chụp thường hay ngại hỏi vì sợ bị từ chối, thế là đứng từ xa và chụp bằng cách dùng tele. Tuy nhiên, những cách như thế không bao giờ có được một bức ảnh đẹp. Hãy cứ đến gần với nụ cười nở trên môi và lịch sự xin phép họ chụp ảnh. Nếu họ nói “không” thì ta sẽ đi. Còn nếu họ đồng ý, hãy cám ơn và chụp. Một vài kiểu đầu tiên có thể họ sẽ hơi gượng gạo. Hãy cho họ xem những bức ảnh vừa chụp, nhân tiện kiểm tra xem các thông số phơi sáng, histogram đã đúng chưa. Nếu họ đã cảm thấy thoải mái hơn, tiếp tục chụp thêm vài tấm nữa. Nhưng hãy phán đoán tâm lý để biết khi nào nên dừng và khi nào nên tiếp tục. Nếu không nói cùng một ngôn ngữ, hãy cứ dùng nụ cười và ra hiệu bằng tay, rào cản ngôn ngữ sẽ được xóa bỏ.

Các địa điểm du lịch hầu hết đều an toàn, nhưng không phải không có ngoại lệ. Đối với hành lý, hãy trang bị những chiếc khóa tốt, đeo túi có khóa chống trộm. Cất tiền, thẻ ở ngân hàng hoặc ở nhà, chỉ mang theo tiền địa phương. Luôn giữ trong mình những số điện thoại khẩn cấp để liên hệ và những câu hỏi cơ bản bằng tiếng địa phương (nếu bạn đi du lịch nước ngoài nơi bạn không biết tiếng).

Mỗi vùng du lịch luôn có rất nhiều cảnh đẹp để ngắm, nơi đẹp để chụp, vì thế hãy tự giới hạn chỉ đến một số địa điểm cố định trước, nếu không bạn chỉ suốt ngày lang thang mà không có được một tấm ảnh thực sự nào. Lên kế hoạch những kiểu chụp định thực hiện, chẳng hạn, ở cảnh này, bạn có thể chụp toàn cảnh với ống góc rộng, cảnh kia sẽ phải trèo lên tường hay lên cây để tránh ảnh bị vướng bởi khách du lịch, hay cảnh khác sẽ chụp lúc hoàng hôn hoặc bình minh…

Nếu có thời gian lên kế hoạch trước khi đi chụp, hãy tìm xem ở địa điểm mình định đến có ngày nào là ngày lễ hội hay có sự kiện nào diễn ra hàng năm tại đó không. Nếu đặt được chuyến đi đúng những dịp đó bạn sẽ có thêm rất nhiều cơ hội để chụp các thể loại ảnh khác nhau, đặc biệt là ảnh chân dung và ảnh tư liệu.

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Để lại một bình luận

Check Also
Close
Back to top button