Kỹ thuật

Chọn máy ảnh Olympus

Xuất thân từ một nhà sản xuất kính hiển vi được thành lập từ năm 1920 với tên gọi ban đầu là Takachiho Seisakusho, phải đến năm 1935 Olympus mới bắt đầu thiết kế và sản xuất những chiếc máy ảnh đầu tiên. Trước đó, ngoài kính hiển vi, sản phẩm được biết đến nhiều nhất của hãng này chính là những chiếc cửa trập dùng trong camera.

Camedia C-800L là một trong hai chiếc máy ảnh kỹ thuật số đầu tiên của Olympus. Ảnh: Olympus

Khi ngành công nghiệp nhiếp ảnh chuyển mình sang kỷ nguyên số, Olympus là một trong những hãng đầu tiên đón nhận trào lưu này. Năm 1996, hai chiếc máy ảnh kỹ thuật số đầu tiên của Olympus mang tên Camedia C-800L và Camedia C-400L chính thức trình làng. Không lâu sau đó, dòng máy ảnh này nhanh chóng được mở rộng với các model mới và trở nên quen thuộc với những ai đang muốn chuyển từ máy phim sang máy số.

Đến năm 2004, dòng Camedia được thay thế hoàn toàn bằng dòng máy có tên được đặt theo tiếng Hy Lạp là Mju (µ), viết tắt của từ “mikros”, theo Olympus có nghĩa là “nhỏ gọn”. Chiếc máy ảnh đầu tiên mang thương hiệu Mju là một mẫu máy phim được phát triển từ năm 1991, sau khi qua nhiều bước cải tiến đã chuyển hẳn sang sử dụng công nghệ số.

Hiện nay, Olympus có bốn dòng máy ảnh point-and-shoot chính, thuộc các phân khúc thị trường khác nhau, nhắm đến những đối tượng khách hàng khác nhau. Dòng FE là dòng máy ảnh giá rẻ dành cho những người mới sử dụng lần đầu, đề cao tính kinh tế. Dòng Mju là dòng máy ảnh thời trang, nhắm đến những người dùng sành điệu đề cao thiết kế bên ngoài.

Dòng Mju Tough (trước đây có tên là Mju SW) là dòng máy ảnh có khả năng chống sốc, chống nước, chịu được lực nén và nhiệt độ âm, dành cho những người mê du lịch hoặc những người làm việc trong các môi trường đặc biệt. Cuối cùng là dòng SP, nổi tiếng với những mẫu máy ảnh có khả năng zoom xa dẫn đầu thị trường cùng nhiều tính năng cao cấp, nhắm tới những khách hàng đề cao sức mạnh và hiệu năng hoạt động. Sau đây là những thông tin cơ bản về từng dòng máy ảnh point-and-shoot của Olympus:

Dòng máy ảnh giá rẻ FE

FE là dòng máy ảnh giá rẻ nhưng có ngoại hình vẫn rất thu hút. Ảnh: Cnet

Khác với những dòng máy ảnh giá rẻ của nhiều hãng đối thủ, dòng FE của Olympus vẫn gây được ấn tượng khá mạnh ngay từ dáng vẻ bên ngoài, với thân máy mỏng và thiết kế thời trang. Cái tên “FE” được Olympus đặt cho dòng máy này bắt nguồn từ hai chữ Friendly (thân thiện) và Easy (dễ sử dụng). Đó cũng chính là hai điểm mạnh của dòng FE-series.

Với nhiều tính năng tự động, giao diện đơn giản, dễ sử dụng, Olympus FE-series phù hợp với mọi đối tượng người dùng, thuộc mọi lứa tuổi. Đặc biệt, để những người lần đầu tiên sử dụng máy ảnh không cảm thấy quá bỡ ngỡ, tất cả các model của dòng máy này đều được trang bị phần mềm chỉ dẫn, giúp họ dễ dàng có được những bức ảnh ưng ý.

Đại diện tiêu biểu của dòng này là chiếc Olympus FE-320. Máy có thiết kế mỏng manh rất ấn tượng nhưng vẫn đề cao sự đơn giản, tiện dụng. Các phím điều khiển quan trọng được đặt ở vị trí dễ thao tác, màn hình lớn cùng những tính năng hữu ích như nhận diện khuôn mặt, nhận diện nụ cười là những ưu điểm dễ nhận thấy ở chiếc máy này.

Dòng Mju thời trang

Thiết kế thời trang là điểm mạnh nhất của các model dòng Mju. Ảnh: Cnet

Dòng Mju bao gồm những chiếc máy ảnh đề cao tính thời trang của thiết kế, với thân máy nhỏ gọn, trọng lượng nhẹ và bề mặt có nhiều đường cong, vừa làm tăng tính gợi cảm, vừa giúp người dùng cầm máy chắc chắn hơn. Có thể nói, Olympus đã dành rất nhiều tâm huyết cho thiết kế của dòng máy này, đến độ họ tự tin khẳng định ngay cả những tín đồ thời trang khó tính nhất cũng phải hài lòng về ngoại hình của các model thuộc Mju-series. Những chiếc camera này thường được trang bị hệ thống ổn định ảnh hoạt động trên cơ chế di chuyển cảm biến, đồng thời ống kính thường có khả năng zoom xa rất tốt.

Đại diện của dòng máy ảnh thời trang này là chiếc Olympus Mju 1010. Mặc dù sở hữu thân hình mỏng manh, với thiết kế rất ấn tượng, nhưng không vì thế mà khả năng hoạt động của Mju 1010 bị đánh giá thấp. Nhiều người có thể cảm thấy không hài lòng vì máy thiếu ống kính góc rộng, đồng thời vẫn sử dụng định dạng thẻ nhớ xD-Picture không phổ biến, nhưng khi dùng thử sẽ dễ dàng bị tốc độ hoạt động và chất lượng ảnh của chiếc máy này chinh phục.

Dòng Mju Tough cứng cáp

Dòng Mju Tough (trước đây là Mju SW) nổi tiếng về độ bền. Ảnh: Cnet

Dòng máy ảnh có khả năng chống sốc, chống nước, chịu lực nén và nhiệt độ âm mới được Olympus đổi tên thành Mju Tough, còn trước đó có tên là Mju SW. Đối tượng khách hàng mà dòng máy này nhắm đến là những người mê du lịch mạo hiểm, hoặc đặc thù công việc phải sử dụng máy ảnh trong những điều kiện, môi trường khắc nghiệt. Mặc dù điểm mạnh nhất chính là sức bền và khả năng chịu đựng, nhưng các model của dòng Mju Tough cũng được Olympus rất chăm chút cho dáng vẻ bên ngoài.

Đại diện đáng chú ý của dòng máy này là Olympus Mju 1030 SW. Mặc dù ra mắt từ đầu năm ngoái nhưng đây hiện vẫn là một trong những chiếc máy ảnh có khả năng chịu được các điều kiện khắc nghiệt tốt nhất trên thị trường. Theo Olympus, vỏ máy bằng kim loại của Mju 1030 SW đã vượt qua tất cả các cuộc kiểm tra của quân đội, nên có thể chịu rơi từ độ cao 2 mét, bị một vật nặng 100 kg đè lên mà không hề hấn gì. Ngoài ra, máy còn có thể hoạt động dưới mực nước sâu 10 mét và nhiệt độ -10 độ C.

Dòng máy ảnh siêu zoom SP

Các model dòng SP được trang bị ống kính có zoom cao và nhiều tính năng chỉnh tay giống như ở những chiếc DSLR. Ảnh: Cnet

“SP” là viết tắt của cụm từ Special Performance. Đặt tên cho dòng máy này như vậy, Olympus ngụ ý rằng đây là dòng máy ảnh có khả năng hoạt động đặc biệt. Với một thân hình to lớn, cồng kềnh không khác gì những chiếc DSLR, dòng máy ảnh siêu zoom này cũng được trang bị nhiều tính năng chỉnh tay rất pro. Ngoài ra, các model thuộc dòng SP-series cũng hỗ trợ định dạng ảnh RAW.

Đại diện tiêu biểu cho dòng máy ảnh siêu zoom này là model mang tên Olympus SP-570UZ. Máy được trang bị ống kính có zoom quang 20x, hỗ trợ góc chụp rộng 26mm. Ngoài ra, SP-570UZ còn sở hữu tính năng chỉnh phơi sáng bằng tay, hệ thống ổn định ảnh hoạt động trên cơ chế di chuyển cảm biến và hỗ trợ định dạng ảnh RAW. Đầu năm 2009 này, Olympus trình làng thêm một model mới có tên SP-590UZ, được trang bị ống kính có zoom quang lên tới 26x, cao nhất trên thị trường hiện nay.

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Trả lời

Check Also
Close
Back to top button