“Bước đến vườn địa đàng” và giọt nước mắt của nhiếp ảnh gia huyền thoại
W. Eugene Smith (1918 – 1978), không nghi ngờ gì nữa, là một trong những phóng viên chiến tranh vĩ đại nhất của thế kỷ trước. Nhiếp ảnh gia huyền thoại đã từng rong ruổi theo cuộc Thế chiến II cho tới khi bị thương do sức ép súng cối tại mặt trận Thái Bình Dương. Vết thương khiến W. Eugene Smith mất hai năm nằm viện để điều trị, phục hồi chức năng. Ông đã bị khủng hoảng tinh thần và nghĩ rằng mình không thể tiếp tục cầm máy ảnh được nữa cho tới một ngày nắng tháng 5/1946, như Smith từng nói: “một ngày ấm áp của sự du dương bất tận” và ông đã thực hiện một “quyết định tinh thần”, khi quàng máy ảnh cùng hai con Juanita và Patrick dạo bộ để hít thở khí trời. W. Eugene Smith dự định sẽ chụp: “bức ảnh đầu tiên sau khi bình phục sẽ tương phản với những hình ảnh đau thương của chiến tranh và nói lên sự sống”. Và khoảnh khắc ấy, giữa cây cối và niềm vui mừng của con trẻ khi khám phá thiên nhiên, W. Eugene Smith nhận ra rằng chiến tranh đã qua đi và lúc này, “bản sonnet của cuộc sống mới đang chờ đợi ông can đảm bước vào”.
Khi cùng cha đi qua một quãng rừng, cậu con trai Patrick trông thấy một điều gì đó thú vị, vội cầm tay em gái Juanita bước về phía trước. Trong khi đó ông bố với những vết thương chưa bình phục, tụt lại sau, loay hoay đến toát mồ hôi để thao tác với chiếc máy ảnh để chụp lại khoảnh khắc đẹp của hai con. Sau khi có được bức ảnh quý giá sau hai năm tưởng đã chết, Eugene Smith quay mặt đi để hai con không thấy những giọt nước mắt đang lăn trên má.
A Walk To The Paradise Garden – Biểu tượng của tất thảy các hình ảnh về gia đình trong mọi thời đại |
Với W. Eugene Smith, A Walk To The Paradise Garden không phải là một bức ảnh hoàn hảo nhưng lại đánh dấu kết thúc hai năm lãng phí cuộc đời trong những cơn đau đớn thể xác. Ngây thơ, âu yếm, ngọt ngào, tinh khiết vĩnh cửu, hai đứa trẻ và luồng ánh sáng tuyệt vời như tỏa ra từ một thiên đường giấu kín, A Walk To The Paradise Garden gợi lên niềm vui, niềm tin vào một cuộc sống thật bình yên.
Tuy nhiên, trong khi có bước tiến vượt bậc trong phục hồi cơ thể, W. Eugene Smith lại coi nhẹ tầm quan trọng của bức ảnh tình cờ này. Năm 1955, trong tình cảnh mắc nợ một khoản tiền lớn đã quyết định gửi tấm hình cho Edward Steichen, một nhiếp ảnh gia nổi tiếng lúc bấy giờ đồng thời là người tổ chức triển lãm danh tiếng The Family of Man (Gia đình loài người). Đây cũng là công trình quan trọng nhất trong sự nghiệp W. Eugene Smith và trở thành triển lãm được trọng vọng nhất trong lịch sử nhiếp ảnh. Ngay lập tức, cùng với bức ảnh Bà mẹ di cư, A Walk To The Paradise Garden là hình ảnh ấn tượng nhất và trở thành biểu tượng của tất thảy các hình ảnh về gia đình trong mọi thời đại.
Những năm 1960, không một ai trên nước Mỹ không biết tới A Walk To The Paradise Garden vì tấm ảnh này liên tục được chọn làm hình ảnh trên các áp phích trên mọi nẻo đường. A Walk To The Paradise Garden cũng là một trong những tấm ảnh nổi tiếng nhất mọi thời đại. Còn W. Eugene Smith, với những thành tựu trong nhiếp ảnh chiến tranh từng nhận nhiều giải thưởng cao quý cũng như được tạp chí Popular Photography bình chọn là một trong 10 nhiếp ảnh gia vĩ đại nhất thế giới.