Gia đình sáu nghệ sĩ nhiếp ảnh
Trong hơn 60 tác phẩm của cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật Bạc Liêu đất nước con người đang diễn ra tại Công trường Lam Sơn, TP.HCM của hơn 10 tác giả có đến 24 tác phẩm của gia đình Đặng Quang. Không chỉ áp đảo về số lượng, những tác giả mang họ Đặng Quang còn thể hiện dấu ấn sâu đậm về bản sắc, sự đột phá trong nghệ thuật.
Anh Đặng Quang Minh, công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cà Mau, là nghệ sĩ nhiếp ảnh đời thứ hai trong dòng họ Đặng Quang, cười tươi, pha trò khi được hỏi truyền thống nhiếp ảnh của gia đình: “Khóc, cười có đủ, các bạn muốn nghe đoạn nào trước?”.
Yêu nghề từ máu thịt
Theo câu chuyện của anh Quang Minh, khởi đầu nghề ảnh là từ cụ Đặng Quang Sanh, sinh năm 1938, quê gốc tỉnh Bạc Liêu. Năm lên 18 tuổi, cụ làm công nhân trong một cửa hiệu ảnh Nguyễn Văn nổi tiếng ở Bạc Liêu. Cứ tưởng là một công việc để mưu sinh, không ngờ sau đó nó thấm vào máu thịt cụ và lan dần sang hai người em trai là Đặng Quang Thanh và Đặng Quang Khương. Thế hệ sau cũng rất tự nhiên, các con của cụ là Đặng Quang Minh, Đặng Quang Vinh, Đặng Quang Hiển lần lượt trở thành những tay nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Bây giờ, một số cháu của cụ Sanh cũng đã chọn con đường nhiếp ảnh. “Rất tự nhiên, không có ai ép buộc chúng tôi phải theo nghề cha, chú mình. Có vài anh em cứ đi lòng vòng rồi cũng lại quay về với nhiếp ảnh và sống đời với nó. Bây giờ nghĩ lại thấy cũng lạ lùng” – anh Minh tâm sự.
Anh Minh trầm tư cố nhớ xem mình đã vào nghề như thế nào. Từ năm lên 11 tuổi, anh đã bắt đầu theo cha đi chụp ảnh đám tiệc. Anh quên mất là cha mình đã dạy mình chụp ảnh lúc nào, chỉ nhớ một lần cha anh bận việc không thể đi chụp ảnh đám đã hứa, anh được giao đi thay cha. Anh đã làm được và rất sung sướng trong cái lần đầu tiên ấy. Nó cũng là điều hãnh diện khi bạn bè hỏi anh biết kiếm tiền từ mấy tuổi. Anh cũng không nhớ được cha anh đã hun đúc máu mê nhiếp ảnh từ hồi nào và bằng cách nào. Cũng không từng thấy cha dạy cho các em làm nghệ sĩ nhiếp ảnh bao giờ. Thế nhưng cũng như cha và các chú, anh Minh và các anh em đã bị hút vào nghề. Thời bao cấp, được làm ngành thương nghiệp nắm giữ hàng hóa là ước mơ của nhiều người nhưng anh Minh từng từ chối vị trí một cửa hàng trưởng để được ở trong sân chơi nghề ảnh. Khi thì báo ảnh, khi thì Hội Văn học Nghệ thuật. Đặng Quang Hiển, em trai anh, học ngành nông nghiệp, tốt nghiệp ra trường lại học nghề thợ bạc. Nhưng rồi cũng bỏ hết, quay về tiệm ảnh và công việc sáng tác ảnh.
Cuộc đời rất cần chúng ta
Điều duy nhất anh nhớ như một lời răn dạy của người cha là cái lần anh mê chơi cờ tướng. Anh có năng khiếu cờ tướng nên được mấy ông lão thích, hay chặn đường anh rủ chơi cờ. Lần ấy, anh được 12 tuổi, đang học lớp nhất một trường làng ở Bạc Liêu. Trên đường đi học về, anh đã ghé chơi cờ tướng với mấy ông lão thì cha anh xuất hiện, bảo anh về. “Trên đường về, ba tôi đã nói với tôi rằng: “Cuộc đời rất cần chúng ta. Sao con có thể quay mặt vào bàn cờ mà bỏ cuộc đời”. Chỉ câu đó, tôi đã bỏ cờ tướng đến bây giờ” – anh Minh xúc động nhớ lại.
Không chơi cờ nữa, anh Minh dành hết thời gian hơn cho nghề nghiệp. Và anh đã dần dà tìm ra được trò chơi mang đến hạnh phúc thực sự cho bản thân, trò chợp bắt những khoảnh khắc. “Không có gì sướng cho bằng khi mình chụp được một khoảnh khắc cao trào nhất của sự việc, sự kiện, sự vật. Khi chụp được một bức ảnh như ý, người cứ lâng lâng. Tôi sướng đến mức không muốn chụp thêm bức nào nữa, đóng máy lại đi về liền. Niềm vui đó kéo dài cả tuần” – anh Minh sung sướng kể.
Máu nghề là yêu cuộc sống
Cái máu nhiếp ảnh cứ lan truyền và ngày càng thấm sâu trong các thành viên gia đình Đặng Quang. Nhiếp ảnh gia Nhật Huy, ở Cà Mau, nói: “Tôi may mắn được đi sáng tác cùng rất nhiều thành viên trong gia đình Đặng Quang, kể cả với cụ Đặng Quang Sanh. Phải thừa nhận là chính tôi cũng được họ truyền cho chút máu me nghề nghiệp”.
Thật ra, cái máu me nghề nhiếp ảnh là gì? Anh Minh cười hiền, bảo rằng cũng không biết định nghĩa nó như thế nào cho hết ý, hết lời. Anh Minh kể về một lần anh hình như đã cảm nhận được nó: “Năm 1988, tôi đi sáng tác ở Đất Mũi. Khi đứng trước cánh rừng đước mênh mông, toàn cây chết đứng, do người dân “khất nhượng” (lột vỏ ở phần gốc cây đước – pv), tôi đã khóc. Bức ảnh đó được đặt tên là Khát vọng sống, đạt nhiều giải trong và ngoài nước”.
Trước đó anh Minh cũng từng tự vấn với bản thân sau cuộc đi săn. Khi đó Minh Hải nổi lên phong trào mua súng săn Tiệp Khắc để đi săn chim. Anh Minh cũng mua một cây. Một lần anh đã bắn chết một con chim sáo. Anh không ngờ là con sáo còn lại không chịu bay đi mà cứ bay quanh xác bạn tình kêu thét cho đến tối. Anh đã mang tâm trạng nặng nề cả tuần liền và sau đó không bao giờ anh đi săn chim thú nữa. “Có thể cái nghề nhiếp ảnh, cái nghề tôn vinh vẻ đẹp, sự sống đã ảnh hưởng đến tính cách chúng ta. Có thể đó là máu me nghề nghiệp” – anh Minh trầm giọng đúc kết.
|