Tin tức chung

Ảnh nghệ thuật của NSNA Hoàng Trung Thủy được chắp cánh từ ý tưởng và kỹ thuật

Chiếc máy đầu tiên đến với gia đình vào những năm của thập niên 60 thế kỷ trước, chiếc canon QL19. Ba đã dạy cho các anh lớn trong nhà. Rồi anh truyền lại cho em. Riêng anh, cột mốc để nhớ là mùa hè của lớp 12, năm 1984, anh học xong lớp 1&2 tại Hội nhiếp ảnh TP.HCM.

Mong con đầu lòng

Thế là, cái anh không nghĩ lại đến với anh. Anh xa rời môi trường sư phạm. Nơi mà anh mất nhiều năm dốc sức theo học Cao đẳng, rồi đại học. Mục tiêu của anh là trở thành giảng viên. Nhưng cuộc sống đẩy đưa và anh phải tự nhủ rằng mình có nghề mà không có nghiệp. Thế là, anh đi làm. Công việc đưa anh đến với môi trường tài chính từ năm 1993. Có lẽ, sự năng động đến khốc liệt của thị trường này đã làm anh kiệt sức. Vào năm 2001, bác sỹ khuyên anh phải bỏ việc và nên đi du lịch vì chứng stress ngày càng trầm trọng. Do đó, anh “về hưu non”, lang thang cùng với chiếc máy ảnh. Đây chính là thời điểm anh có nhiều thời gian cho nghiên cứu, trải nghiệm và tư duy nhiều cho ảnh nghệ thuật.

Quyết tâm

Niềm an ủi của anh chính là gia đình luôn ủng hộ những gì anh thích, nhất là nhiếp ảnh. Riêng với cô con gái Như Ngọc tròn 10 tuổi thì cảm nhận về nhiếp ảnh bộc lộ khá sớm. Bé đã biết chỉnh Manual để chụp ánh sáng yếu trong phòng ngủ khi đang học lớp lá. Bé thích thú khi anh giao “nhiệm vụ” tìm cho ba tấm ảnh nào đẹp trong chùm ảnh anh vừa sáng tác về.

Từ năm 2004, CLB Nhiếp ảnh Gia Định bắt đầu thành lập. Đây là mô hình dành cho những người có cùng đam mê về một thể loại ảnh như: Macro, thể thao, tĩnh vật, đời thường, Photoshop, chân dung… Do xác định đây là một CLB ảnh nghệ thuật, nên từ nhiều năm qua, CLB đẩy mạnh công tác phổ cập chuyên môn, thực hiện rất nhiều những buổi báo cáo chuyên đề dựa trên tình hình hoạt động cũng như yêu cầu từ phía hội viên. Những quan niệm, kỹ thuật nhiếp ảnh mới luôn được cập nhật và cùng nhau chia sẻ. Hiện nay, CLB đang có sự góp sức rất lớn của một thế hệ các tay máy trẻ đầy nhiệt huyết, có tư cách và năng lực tốt. Do vậy, CLB đang có những bước phát triển mới và NSNA Hoàng Trung Thủy là Chủ niệm CLB Nhiếp ảnh Gia Định này.

 Chung thủy

Tuy nhiên, khi tôi đặt câu hỏi: Là Uỷ viên Hội đồng nghệ thuật, anh cho biết về xu hướng và định hướng sáng tác của nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam. Qua đó, đánh giá về nhiếp ảnh truyền thống và hiện đại? Anh có vẻ ngại ngần. Cuối cùng, anh trả lời tôi với sự dè dặt nhất định: “Cả thế giới đã và đang thay đổi rất nhiều từ khi công nghệ kỹ thuật số ra đời. Có thể thấy rằng, nền nhiếp ảnh Việt Nam đang hưởng lợi từ thành quả ấy. Từ phương tiện, khả năng thực hiện, tiếp cận thế giới đều dễ dàng hơn rất nhiều. Song về bản chất, chúng ta chưa có bứt phá. Đâu đó còn có sự bế tắc về đề tài và phương pháp thể hiện. Nền nhiếp ảnh Việt Nam thiếu tính chuyên biệt. Đã quá lâu chúng ta phát triển theo tính phong trào, phổ cập đại chúng và đã thành công. Nhưng để trở thành một quốc gia có nền nhiếp ảnh tiên tiến, có chất lượng, có nền tảng vững chắc thì cần thiết phải tổ chức và quy hoạch lại. Nên cải tiến giáo trình, tạo các kênh phổ cập thông tin, kiến thức  về nhiếp ảnh nhằm bù đắp cho hiện trạng thiếu trầm trọng giáo trình, sách nhiếp ảnh có tính đương đại… Bên cạnh đó, cổ động cho người cầm máy tạo những lối đi riêng mang cá tính sáng tạo, có tính chuyên sâu.

Cô đơn

Chúng ta cũng nhìn nhận rằng: Song song với các hội chuyên ngành còn có một lực lượng lớn những người chơi ảnh tự do. Nếu phải tìm những cá tính trong nhiếp ảnh thì đây lại là nơi dễ dàng hơn. Cần có những hình thức tổ chức linh hoạt, hấp dẫn để thu hút họ vào. Chắt lọc rồi phổ biến cái hay của họ, tạo ra sự cộng hưởng giữa các sân chơi. Điều này có lợi cho phong trào”.

Vũ điệu trên sông

Một vấn đề rất nhạy cảm hiện nay trong lĩnh vực nhiếp ảnh nghệ thuật là thẩm định ảnh. Với anh, áp lực là điều không thể tránh khỏi. Đầu tiên là áp lực với chính nội tại của bản thân. Đó là quá trình tự đánh giá về năng lực, chiều sâu  của kiến thức, độ chín về kỹ năng nghề nghiệp, vốn sống, kinh nghiệm… có đủ đáp ứng yêu cầu cuộc thi hay bài giảng hay không? Nếu thiếu, anh sẽ từ chối. Áp lực thứ hai là trách nhiệm đối với lá phiếu, với bài giảng. Làm sao cho chính xác, có chất lượng và quan trọng là được mọi người đồng tình, đón nhận.

Nói đến cái khó thì mỗi nhiệm vụ có một đặc thù riêng. Cái khó của người giám khảo là khả năng định lượng tác phẩm, hiểu và thẩm định chính xác giá trị của từng tác phẩm trong mối tương quan đa chiều. Bên cạnh đó, giám khảo còn phải “giữ mình” độc lập, có chính kiến, quan điểm rõ ràng, không bị các yếu tố tình cảm, vị nể chi phối. Còn với vai trò của người thuyết giảng thì phải xác định đối tượng của mình cần gì, điều tiết lượng thông tin như thế nào cho phù hợp. Song, quan trọng hơn cả là phải luôn cập nhật, tìm hiểu để đào sâu kiến thức nhằm ứng xử tốt các tình huống bất ngờ, đáp ứng được càng nhiều càng tốt những thắc mắc, những vấn đề đặt ra từ phía người dự thính.

Hiện nay, NSNA Hoàng Trung Thủy là Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật của Hội NSNA Việt Nam, tước hiệu E.FIAP, E.VAPA

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Để lại một bình luận

Back to top button