Nguyễn Cao Đàm – Người thầy nhiều thế hệ nhiếp ảnh
Cụ Nguyễn Cao Đàm, nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế giới và là người có công tạo nguồn cảm hứng nghệ thuật cho hàng ngàn nhiếp ảnh gia Việt Nam trong suốt thời gian hơn nửa thế kỷ.
Sinh năm 1916 tại Vĩnh Trung, tỉnh Hà Đông, Việt Nam, Niềm đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh từ thuở thiếu thời đã dẫn đưa cụ hiến dâng cuộc đời cho nghệ thuật từ năm cụ 33 tuổi. Kể từ đó cho đến nay trong suốt thời gian hơn 53 năm, cụ đã để lại cho nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam cũng như thế giới những tuyệt phẩm không những có giá trị nghệ thuật cao mà còn có giá trị nhân sinh thấm nhuần tư tưởng Đạo Lão, Đạo Phật, Đạo Khổng, Đạo Thiên Chúa.
Công trình nghệ thuật của cụ đã được sự ái mộ của đông đảo các hội nhiếp ảnh gia có uy tín trên thế giới và cụ đã lãnh nhận hàng chục huy chương vàng, bạc, bằng cấp tưởng lệ các loại trong suốt thời gian nửa thế kỷ qua.
Cụ thể, cụ đã tham dự nhiều cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế ở Hong Kong (1956), Pháp (1956), Bỉ (1958); Huy chương Đồng ở cuộc triển lãm ở Munich, Đức (1958), Huy chương Bạc ở Ahmedabad, Ấn Độ (1958); Huy chương Đồng ở Trento, Ý (1958); Huy chương Bạc ở Moenchenlabad, Đức (1959)… cùng nhiều giải thưởng khác tại các cuộc thi ở Singapore, Tây Ban Nha…
Cụ Nguyễn Cao Đàm cũng từng là giám khảo của các cuộc triển lãm nhiếp ảnh quốc tế tại Sài Gòn từ năm 1957 đến 1975. Đặc biệt, cụ đã hai lần liên tiếp được Hội Nhiếp Ảnh Bỉ trao tặng huy chương vàng và trở thành hội viên danh dự của Hội Nhiếp Ảnh Bỉ (Hon F.Kortrijk). Ngoài ra, cụ Nguyễn Cao Đàm còn là hội viên chính thức của Hội Nhiếp Ảnh Hoàng Gia Anh (A.R.P.S.) và là hội viên danh dự của Hiệp Hội Nhiếp Ảnh Gia Đông Nam Á (Hon S.E.A.P.S.).
Trong thời gian nhiều thập niên, những tác phẩm nghệ thuật của cụ đã được triển lãm nhiều lần tại nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Úc, Pháp, Hoa Kỳ, Đức, Bỉ, Hồng Kông, Đại Hàn, Singapore, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Nam Phi, Nhật Bản…
Về già và xa quê hương, với tâm hồn đa cảm và lòng yêu nghệ thuật nhiếp ảnh thiết tha, cụ Nguyễn Cao Đàm vẫn tiếp tục say mê nghiên cứu nhiếp ảnh, và là người có công đào tạo, hướng dẫn nhiều người Việt hải ngoại trở thành những nhiếp ảnh gia tài hoa. Trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, cụ vẫn sống thanh bạch, mãn nguyện nơi đất khách vì trong chính tâm hồn của cụ luôn luôn ấp ủ những hình ảnh tươi đẹp của quê hương đất nước và con người Việt Nam. Một trong những câu nói nổi tiếng, chứng tỏ nghệ thuật nhiếp ảnh của cụ đã đạt đến mức độ cao siêu gần như bất khả truyền là câu nói: “Chụp tre trúc, hình đen trắng, khi xem vẫn thấy xanh xanh.”.
Nguyễn Cao Đàm đã cùng Trần Cao Lĩnh viết cuốn “Bước đầu nhiếp ảnh nghệ thuật” đã từng là cuốn sách gối đầu giường, là kim chỉ nam cho hầu hết bạn trẻ chọn con đường mà thầy đã đi suốt cả cuộc đời.
Ai lái xe cũng đều biết thế nào là điểm mù (blind spot). Xe ở xa thì thấy được, mà khi chạy sát bên cạnh xe mình thì lại khó thấy nhất. Đó là điểm mù. Loài người văn minh ngày nay vốn đã bị bệnh cận thị bây giờ lại mắc thêm cái bệnh viễn thị: chỉ trông thấy ở xa mà cái ngay bên cạnh thì lại không thấy! Đi tìm hạnh phúc hay “đỉnh cao” của đời sống cũng phải tìm mãi ở xa một cách vất vả và tốn phí vậy đấy. Nhưng những phút kinh ngạc sảng khoái nhất thường lại đến vào những lúc bất ngờ, qua những chuyện xem ra thật tầm thường, gần gũi trong cuộc sống, ngay trong tầm tay, ở ngay trong nhà mình, chứ có phải vất vả tìm mãi đâu xa! Con mắt nhà nhiếp ảnh thường chụp được nét thần này.
Ở cái thời mà máy chụp còn rất sơ khai tại Việt Nam, một hôm đi xem triển lãm ảnh ở Hà Nội, nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm kể lại cảm nghiệm bắt đầu mê chụp ảnh do một chuyện thật tình cờ:
“Có một tác phẩm làm tôi rung động đến sửng sốt, đó lá tác phẩm chụp mấy chiếc lá súng sau cơn mưa của Phạm Ngọc Chấn. Những giọt nước trái sáng, sao mà long lanh đến thế… Tác phẩm làm tôi rung động mãnh liệt. Tôi thấy đó là tôi, với hết nghĩa của nó. Mà có gì đâu, chỉ vài cái lá súng và vài giọt nước… Làng tôi là vùng nhiều nước, lá súng có rất nhiều, mà sao lâu nay tôi không để ý đến. Mà vùng quê tôi còn nhiều thứ đẹp nữa… Tôi bắt đầu cầm máy. Nói về đề tài sáng tác: quanh nhà chúng ta, quanh ngõ chúng ta, quanh làng chúng ta, quanh đất nước chúng ta, đâu đâu cũng là một kho đề tài vô tận. Và nhà ảnh đeo máy lên vai.”
Một số tác phẩm của Nguyễn Cao Đàm về chủ đề Đồng Quê Việt Nam:
Trăng treo ngọn cỏ
Chiếc cầu ao
Sum họp tình thương
Giếng nước đầu làng
Ta đây trâu đấy ai mà quản công
Lúa vàng cò bay thẳng cánh
Ngày mùa
Sau mùa gặt
Tràn trề hy vọng
Đẹp lão
Chiều cô thôn
Nắng chia nửa bãi
Nguồn: “VIETNAM Our Beloved Land”