Phóng viên ảnh thể thao Dư Hải: ‘Người phá sản chân chính’
Vào thập niên 1980, Dư Hải sống bằng nghề dịch vụ ảnh. Tiền kiếm được anh luôn trích một phần không nhỏ để thực hiện những chuyến đi săn ảnh, sáng tác và đầu tư máy móc. Anh đã từng bỏ ra một lượng vàng – khi đó là cả một gia tài – để mua máy ảnh Nikon FM2. Nhờ nâng cấp dụng cụ liên tục, chất lượng ảnh của anh ngày càng đẹp hơn nên cửa hiệu kinh doanh ảnh mang tên Dư Hải ngày càng khấm khá. Khi đó Dư Hải còn dạy nhiếp ảnh chân dung – sở trường của anh – tại Nhà Văn hóa thiếu nhi và Nhà Văn hóa quận 3.
Sống chết với nghiệp ảnh thể thao
Yêu bóng đá cuồng nhiệt nên khi có cơ hội làm cộng tác viên báo Thể Thao Thành phố Hồ Chí Minh, anh đã có điều kiện gắn bó với lĩnh vực thể thao. Thế rồi khi chính thức trở thành phóng viên ảnh của báo Thể Thao, Dư Hải đã từ bỏ hẳn kinh doanh, khởi đầu sự nghiệp của đời mình từ 1992 đến nay. Đây là một quyết định táo bạo. Bởi đối với phóng viên ảnh và nhất là phóng viên ảnh thể thao, ‘đồ nghề’ quyết định đến 50% sự thành bại. Mà sắm sửa, trang bị máy móc, dụng cụ để hành nghề nhiếp ảnh thể thao chẳng dễ chút nào (như đồ nghề của anh hiện nay mỗi khi đi công tác trị giá không dưới 200 triệu đồng, trong khi nhuận ảnh trên các báo nói chung còn thấp).
Niềm hạnh phúc – giải xuất sắc năm 2000 của AFC
Tiền đâu để sắm được dàn máy ‘xịn’ hành nghề? Dư Hải cười: ‘Thì cơ quan cho mượn trừ dần vào lương không lấy lời khoảng 50% trị giá những dụng cụ muốn mua sắm, thêm vào đó là tiền kiếm được từ làm lịch, từ các giải thưởng trong năm, và cả… tiền nhà! Chính vì vậy vợ tôi mới nói tôi là người phá sản chân chính, phá sản có lý do’.
Là đồng nghiệp của Dư Hải, cùng có những chuyến công tác chung với nhau ở trong nước lẫn nước ngoài, tôi cảm nhận được đầy đủ khả năng làm việc không mệt mỏi và lòng yêu nghề, không ngừng học hỏi của anh. Ban ngày anh vác túi đồ nghề nặng khoảng 20kg đi khắp nơi không kể thời tiết nắng nóng, mưa lạnh; đêm về có khi anh thức đến gần sáng xử lý ảnh và truyền ảnh về cho tờ báo của mình.
SEA Games 1997 tại Jakarta (Indonesia) có lẽ là dịp đầu tiên các nhà báo thể thao Việt Nam biết đến kỹ thuật truyền ảnh qua Internet. Trong khi những đồng nghiệp trẻ nhanh nhẹn và dễ dàng tiếp cận với kỹ thuật mới này, Dư Hải mới có khái niệm lơ mơ về digital. Vậy mà chỉ một thời gian ngắn anh đã có thể làm từ A đến Z. Theo anh, với sự vươn lên không ngừng của lớp trẻ, nếu không cố gắng trang bị thêm kiến thức và cả dụng cụ tác nghiệp, anh sẽ nhanh chóng tụt lại phía sau.
Không nuối tiếc!
Vũ điệu sân cỏ – giải B ảnh xuất sắc quốc gia 1999
– Anh có tiếc là đã đi theo nghề báo, trong khi những người cùng thời anh, ngay cả lớp sau anh sống bằng dịch vụ giờ đây đều khá giả?
Không. Đúng là tôi không giàu tiền nhưng nghề báo cho phép tôi được đi khắp nơi, được biết nhiều, được học hỏi nhiều, tiếp xúc được đủ loại đối tượng, có thêm nhiều vốn sống. Cũng nhờ đi công tác ở SEA Games Singapore 1993 rồi ASIAD Hiroshima 1994 mà tôi đã bỏ hẳn được thuốc lá (cười).
Nhờ gắn bó với thể thao mà tôi thực hiện được hoài bão: ảnh thể thao phải có vị trí xứng đáng trong ảnh nghệ thuật. Vốn liếng về ảnh nghệ thuật được tôi vận dụng vào ảnh thể thao. Nhờ thế những bức ảnh thể thao của tôi đoạt giải thưởng cao bên cạnh những ảnh nghệ thuật chụp nhiều lĩnh vực khác.
– Theo anh, thể loại ảnh nào là khó nhất?
– Chụp ảnh thể thao và phóng sự là khó nhất. Vì đó là những hình ảnh sống động, không lặp lại và diễn ra rất nhanh mà chúng ta phải bấm máy thật đúng thời điểm. Chụp ảnh thể thao cũng không đơn thuần dựa vào tay nghề, máy móc hiện đại mà còn đòi hỏi người cầm máy phải hiểu được hoàn cảnh, sự kiện hay nhân vật mình bấm máy.
– Cho dù với tất cả những mặt mạnh như thế cũng chưa đủ để lý giải vì sao anh gần như lúc nào cũng ‘thắng’ khi gửi ảnh dự thi…
Trong vòng vây – ảnh đoạt giải nhất cuộc thi ‘Khoảnh khắc SEA Games’
Đó chính là nhờ kinh nghiệm. Tôi lấy ví dụ hai lần chiến thắng của mình ở giải ảnh châu Á. Tôi suy nghĩ nếu gửi ảnh thi đấu mình sẽ khó có cơ hội thắng, vì không thể so với họ về phương tiện, kỹ thuật và cả sự kiện… Và vì vậy tôi chọn gửi những khoảnh khắc của thể thao. Nếu năm 2000 tôi thắng nhờ khoảnh khắc vui mừng của các cầu thủ thì năm 2003 tôi thắng nhờ cách thể hiện sự sống động, cuồng nhiệt của khán giả bóng đá.
– Ở Việt Nam chắc anh là người có kho tàng ảnh thể thao phong phú nhất. Vì sao đến giờ này anh vẫn chưa có cuộc triển lãm ảnh cá nhân nào?
Cái khó là do… có quá nhiều, nên chưa biết sẽ chọn ra sao! Ngay như tại SEA Games 22 tôi có đến 75 ảnh ưng ý, sau đó chắt lọc lại còn 45 ảnh gửi dự thi cuộc thi ‘Khoảnh khắc SEA Games 22’, trong đó có một ảnh đoạt giải nhất, một đoạt giải khuyến khích. Với riêng SEA Games 22, tôi đã có thể tổ chức một triển lãm ảnh chứ đừng nói đến những gì đã có từ hơn 10 năm qua. Dù vậy tôi dự tính sẽ làm một triển lãm trong năm 2004, tất nhiên phải cố gắng vượt qua một khó khăn rất tế nhị: kinh phí!
– Dường như anh có tâm sự gì đó về nghề phóng viên ảnh thể thao hôm nay?
Hoa nước – giải xuất sắc 1995 của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam
Đúng là tôi không tiếc khi đã chọn nghề phóng viên ảnh thể thao; nhưng tôi cũng buồn khi biết trong làng báo chúng ta vị trí của phóng viên ảnh dường như chưa được coi trọng bằng phóng viên viết. Theo tôi biết, ở các tòa soạn báo hiện nay không có mấy phóng viên ảnh được đào tạo chính qui, cũng như chưa có người lựa chọn, biên tập ảnh có tay nghề cao như tại các báo nước ngoài. Chính vì vậy phóng viên ảnh là người đầu tư nhiều nhất nhưng sản phẩm của họ làm ra lại được trả không tương xứng và nhiều khi được sử dụng không đúng tầm trên trang báo.
– Gần 60 tuổi, anh đã chuẩn bị gì cho tương lai khi rời nghề báo?
Nghề phóng viên ảnh thể thao đòi hỏi phải có sức khỏe, phản xạ nhanh nhẹn. Tôi biết cần phải dừng đúng lúc. Nhưng sau này dù có nghỉ hưu tôi vẫn cầm máy đi sáng tác. Nếu được, tôi mong sẽ được tiếp tục cống hiến với nghề báo trên cương vị khác: biên tập ảnh, một công việc tôi tin rằng mình có khả năng để hoàn thành tốt. Và tôi cũng sẽ rất vui khi có được một tổ chức nào đó tạo điều kiện để tôi có thể truyền đạt tất cả những vốn sống của mình cho thế hệ đi sau – những người muốn sống chết với nghề phóng viên ảnh thể tha.