Nhiếp ảnh gia Đinh Quang Thành: Lãng du tìm cái đẹp
Già gì mà khi dẫn đồng nghiệp lên vùng núi, vai trĩu nặng đồ nghề mà cứ đi phăm phăm leo lên không kể gì giời đất, thỉnh thoảng la toáng lên đẹp quá, đẹp quá, thế là doạng chân giương máy, nháy nháy, lại phăm phăm đi không cho ai kịp thở.
Đã già hay còn trẻ, nhìn con mắt sinh học hay nhìn thấu thị tâm hồn. Cũng là tùy. Chỉ biết rằng đó là người bạn vong niên, một đồng nghiệp mà tôi hằng ngưỡng mộ, yêu mến khôn cùng, người có nghệ danh nhắc tới hẳn nhiều người chẳng mấy lạ lẫm: Nhà báo – Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành. Đón Mậu Tý này ông tròn 75 tuổi đời, hơn 50 năm cầm máy, và giờ đây vẫn bươn bả trên từng cây số…
Những dấu ấn mãi xanh tươi.
Cứ ngỡ là “danh gia vọng tộc” gia truyền nghề ảnh, hỏi ra mới biết: Cha ông là chủ một xưởng may ở Kiêu Kỵ, ngoại thành Hà Nội, một làng nghề nổi tiếng dát vàng, chuyên may áo quần cho nhà thờ và đồng phục học sinh các trường học. Nhà có đến 7 anh chị em, Thành là con trai út.
Không biết số phận cậu út sẽ ra sao nếu không có người anh cả là Đinh Đăng Định sớm bước vào đời bằng nghề chụp ảnh (ông Định nguyên là Tổng thư ký Hội Nhiếp ảnh Việt Nam. Ông là tác giả những bức ảnh đặc sắc về Bác Hồ, như bức Bác mặc quân phục, ngồi trên phiến đá, tay cầm ống nhòm trong chiến dịch Thu Đông và bức Bác ngồi ở Đền Hùng trước đoàn quân chuẩn bị về tiếp quản thủ đô với câu nói nổi tiếng: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”), ông có ảnh hưởng lớn tới cuộc đời và sự nghiệp của người em út sau này.
Năm 1958, sau một khóa tu nghiệp báo chí dài hạn do các nhà báo nổi tiếng hồi đó, như Hoàng Tùng, Lưu Quý Kỳ, Đào Duy Tùng, các nhiếp ảnh gia Văn Phú, Đinh Đăng Định trực tiếp giảng dạy, Đinh Quang Thành chính thức trở thành phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), chuyên theo dõi mảng thời sự chính trị, thường được phân công đi theo Phó thủ tướng Lê Thanh Nghị, trong nước cũng như ngoài nước.
Chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ trên miền Bắc, chàng phóng viên trẻ được phân công thường trú ở địa bàn tỉnh Hà Nam Ninh, bám trụ nơi ác liệt nhất là thành phố Dệt, rồi tiếp tục cầm máy, cầm bút trên những tuyến đường giao thông vận tải đầy lửa réo bom rơi…
“Úi, đẹp quá!”. Ảnh Đinh Quang Thành
Lợn cách nách đặc sản Bắc Hà. Ảnh: Đinh Quang Thành
Một bước ngoặt trong cuộc đời làm báo của Đinh Quang Thành, đó là đầu xuân Ất Mão. Đang ngày đêm bám biển Hải Phòng, ghi những hình ảnh quân dân ta chống chọi ngoan cường chiến dịch thủy lôi của giặc Mỹ và cuộc đánh phá dữ dội của không lực Hoa Kỳ trên bầu trời thành phố Cảng, ông được lệnh gấp rút về Hà Nội, chuẩn bị vào chiến trường miền Nam.
Thế là tạm biệt thủ đô, người vợ thân yêu, tay bút, tay máy, khẩu súng lục bên hông, đầu đội mũ tai bèo trong bộ đồ chiến sĩ giải phóng quân hăm hở ra chiến trường. Đi dọc đường 1, chứng kiến cuộc Tổng tiến công nổi dậy suốt từ Huế, tới Sài Gòn, tham dự chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, bức ảnh quân ta ào ào tấn công sân bay Tân Sơn Nhất, khói lửa ngút trời đã được Đinh Quang Thành ghi vào máy ảnh.
Tiếp đó ông còn kịp theo chân các chiến sĩ Sư đoàn 304, Lữ đoàn tăng 203 tiến đánh dinh Độc Lập. Chính giây phút lịch sử quân ta cắm lá cờ chiến thắng trưa ngày 30/4/1975, những cỗ xe tăng vươn nòng lên bầu trời bên những nụ cười rạng rỡ của đoàn quân giải phóng đã được ông ghi lại và kịp thời gửi ra Bắc, đăng tải trên báo chí trong nước và quốc tế, thông báo với toàn cầu chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam…
Chao ôi, còn hạnh phúc lớn lao nào hơn những khoảnh khắc chói ngời sắc lửa ấy…
Năm 1982 Đinh Quang Thành được cử sang Liên Xô để phản ánh một sự kiện đặc biệt, người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ. Ông đã ghi vào máy nhiều hình ảnh, nhưng có hai khuôn hình thật đặc biệt, đó là phút giây anh hùng Phạm Tuân và phi hành gia Gorơbátcô vẫy tay chào mọi người bước vào con tàu kiêu hãnh phóng lên vũ trụ bao la… và khi hai người từ vũ trụ trở về mặt đất với nụ cười rạng rỡ.
Hồi đó mặc dù là phóng viên TTXVN nhưng máy móc trang bị đâu có hiện đại và đầy đủ như bây giờ, chỉ có máy ảnh nhỏ bình thường của Nhật, chẳng có ống kính tê-lê.
Chạy trên sa mạc đầy gai đến tứa máu, ông đã phải trình bày hoàn cảnh (rất chi là nghề nghiệp) với hàng trăm nhà báo mới có thể len vào gần, chụp cận cảnh hai nhà du hành vũ trụ sát vai nhau ký tên kỷ niệm vào vỏ con tàu, biểu tượng tuyệt vời của tình hữu nghị vĩ đại Việt – Xô. Hai bức ảnh này hiện vẫn được treo ở vị trí trang trọng trong Bảo tàng Không quân Việt Nam…