Những bức ảnh của Nguyễn Duy Kiên – bằng chứng về quá khứ
Nếu vậy, thì cuốn sách ảnh này giới thiệu một cách nhìn về cuộc sống (giai đoạn 1940 – 1960) của một nhiếp ảnh gia đã quá cố: Nguyễn Duy Kiên (1911 – 1979).
Sinh ra ở Hà Nội, sống giữa lòng phố cổ, chơi máy ảnh cùng thời với những gương mặt kỳ cựu của giới nhiếp ảnh Hà Thành như Phạm Văn Mùi, Võ An Ninh, Nguyễn Cao Đàm, Lê Vượng.v.v… vào cái thời mà chiếc máy ảnh còn là của hiếm và người chơi ảnh còn mang nặng tính tài tử. Nguyễn Duy Kiên chơi ảnh như một cái thú mới mẻ của lớp thanh niên còn giữ được cái vẻ tao nhã của người Hà Nội xưa lại đang hấp thụ cái tân tiến của những thay đổi mà thời cuộc mang lại. Nguyễn Duy Kiên chụp ảnh như chỉ để ghi lại ký ức của mình về một Hà Nội mà cả đời ông và gia đình của ông gắn bó.
Vì thế những tấm ảnh của ông đã thấm đẫm cái phong cách của một người Hà Nội nhìn quê hương, đất nước cũng như con người sống quanh mình trải qua những thăng trầm của lịch sử mà ông được chứng kiến.
Đó là một Hà Nội cổ xưa với những khuôn diện thanh lịch, những di tích già nua nhuộm màu thời gian nhưng đầy sức sống, những vùng quê ở ngoại ô lam lũ nhưng vẫn toát lên cốt cách của một xứ sở có văn hiến. Đó còn là một thành phố hoang tàn sau 60 ngày đêm khói lửa của chiến tranh cuối năm 1946 đầu năm 1947 gắn kết với một Hà Nội tưng bừng đón mừng ngày chiến thắng… Và cả những cái nhìn thanh thản trước cái đẹp của hoa, lá, cá, mèo… gần gũi với cuộc sống bình dị và một con người yêu cái đẹp mong ước sống một cuộc sống tươi đẹp.
Với Nguyễn Duy Kiên cái đẹp là muôn hình vạn trạng. Nó không chỉ toát lên một cách rạng rõ của một cuộc sống thanh bình với những người thân trong gia đình đầm ấm, với những cảnh vật từ chốn thôn quê cho đến thành thị, từ con người sống động đến những cảnh mây trời, hoa, lá tưởng như vô tri vô giác…
Ngay đến cả những tấm ảnh ghi lại những biến cố của lịch sử tạo nên giá trị như những chứng nhân, thì cái đẹp vẫn hiển hiện trong cả hai dáng vẻ bi và tráng. Đó là vẻ đẹp bi hùng trong những tấm ảnh ghi lại cảnh đổ nát của chiến tranh. Rất ít bóng người nhưng vẫn thấy hừng hực khát vọng sống của một dân tộc sẵn sàng chết vì một cuộc sống tốt hơn. Rồi cái đẹp hùng tráng của một thành phố sóng lại trong những ngày chiến thắng được nhìn bằng con mắt của một con người vừa được giải phóng tràn đầy hy vọng vào một cuộc đời mới… Chính cái chất thông tấn của những bức ảnh này làm nên giá trị lịch sử cho cái di sản nghệ thuật của Nguyễn Duy Kiên, khiến cho ký ức của một cá nhân trở thành ký ức của cả cộng đồng. Cũng chính vì thế, những người đầu tiên tiếp cận và giới thiệu những tấm ảnh của Nguyễn Duy Kiên cũng như đánh thức những tấm ảnh khỏi sự quên lãng về ông lại là giới sử học.
Cái di sản của nghệ thuật nhiếp ảnh mà Nguyễn Duy Kiên để lại dường như càng lên hương sau một thời gian dài ông bi quên lãng trong đời sống sáng tác của giới nhiếp ảnh vốn rất gần gũi với ông. Những thăng trầm ở cuối cuộc đời Nguyễn Duy Kiên là điều ông không thể đưa được vào ống kính. Vì thế cái di sản hình ảnh của ông để lại vẫn là cái nhìn của người nghệ sũ chỉ biết yêu cuộc sống và cái đẹp. Dường như con mắt của ông luôn khép lại trước cái xấu và những bi kịch của cuộc sống mà ông đã từng phải đối diện. Ảnh của Nguyễn Duy Kiên luôn toát lên cái nhìn và khát vọng của một con người tử tế muốn chia sẻ với mọi người điều tử tế.
Hy vọng rằng tác giả nơi suối vàng sẽ toại nguyện khi những tấm ảnh của mình sau những năm tháng phủ bụi lãng quên đã được đưa ra ánh sáng cho mọi người biết tới. Qua hai lần triển lãm ở Hà Nội (1999) và Thành phố Hồ Chí Minh (2000), những bức ảnh của Nguyễn Duy Kiên tại thấm đẫm những ánh mắt chiếm ngưỡng. Người xem ảnh có thể không biết về cuộc đời của ông nhưng được biết cái nhìn chan chứa tình yêu vẻ đẹp cuộc sống của một nghệ sĩ tài hoa.
Cuốn sách ảnh này được nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo thực hiện với sự phối hợp của Tạp chí “Xưa và nay” thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và được xuất bản với sự tài trợ của Quỹ Ford Motor Việt Nam, cũng chỉ mong truyền tiếp tình yêu cái Đẹp và Cuộc sống của Nguyễn Duy Kiên cho những người đang sống.
Đây cũng là điều an ủi đối với bà quả phụ Nguyễn Duy Kiên, người đã gìn giữ di sản của người chồng thân yêu đã quá cố và cho phép được công bố cuốn sách này.