Lý luận phê bình

Ngôn ngữ Nhiếp ảnh – Học ngôn ngữ của nghệ thuật

Nói bằng ngôn ngữ Nhiếp ảnh

Nhiếp ảnh cũng không gì khác hơn so với bất kỳ hình thức nghệ thuật nào khác ở chỗ nó cũng có một ngôn ngữ riêng biệt. Ngôn ngữ này tiến hóa từ những hình thái nghệ thuật hình ảnh trước đó và nay tách ra thành một dòng ngôn ngữ riêng của mình, từ các tác phẩm của các nhiếp ảnh gia theo chủ nghĩa pictorialism (ảnh tựa tranh) cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, nhóm f/64 (phim khổ lớn và luôn khép khẩu f/64) , và hàng loạt những phong trào lớn nhỏ phát triển và rẽ nhánh từ đó.

Nhìn vào một bức ảnh ngày hôm nay người ta có thể nhận ra đủ kiểu ảnh hưởng, một số có thể là cố ý, số khác có thể vô tình nằm trong tiềm thức của họ. Nhưng sự thật là chúng ta, với tư cách là các nhiếp ảnh gia, tất cả chúng ta đều đang đứng trên vai những người khổng lồ, nếu không nói là núp bóng của họ.

Luận văn của tôi hồi đó có đề cập tới vấn đề rằng, để là một nhiếp ảnh gia, hoặc ít nhất là vượt lên những người khác chụp chó mèo chỉ để coi máy có bị đo nét sai hay không, thì người ta phải biết xem ảnh. Không phải xem qua loa, không phải lướt lướt, mà là nhìn vào, nghiên cứu – suy ngẫm – xem xét – phân tích, và đặt câu hỏi. Tại sao hình này lại được, hình kia lại không.  Tại sao tôi thích cái này, mà không thích cái kia. Tôi có thể diễn giải bằng lời những suy nghĩ và cảm xúc về những gì tôi đang xem hay không?

Thăm các phòng trưng bày ảnh và bảo tàng là cách tốt nhất để học. Tuy nhiên, sách cũng là một lựa chọn khá tốt. Còn coi trên Web là tệ nhất. Hình ảnh thì nhỏ, chất lượng không rõ ràng, và hiếm khi trình bày một cách mạch lạc. Tôi có thể nói rằng xem sách nhiếp ảnh, các bộ sưu tập của của từng nhiếp ảnh gia hoặc tuyển tập theo chủ đề sẽ là cách tốt nhất để trở thành một nhiếp ảnh gia.

Trong các cuộc hội thảo do tôi tổ chức, một trong những câu hỏi mà tôi thường đặt ra là chúng ta sở hữu bao nhiêu cuốn sách về nhiếp ảnh. Tôi không nói về sách hướng dẫn sử dụng Photoshop nha, mà là những cuốn sách thực sự về nhiếp ảnh. Tôi thường thấy một mối tương quan tỷ lệ thuận giữa số lượng sách họ có và chất lượng bộ ảnh riêng của họ. Không phải lúc nào cũng vậy, nhưng đủ quan sát để củng cố quan điểm của tôi rằng xem ảnh để hiểu được dụng ý của bức ảnh chính là một hướng đúng trên con đường hoàn thiện khả năng nhiếp ảnh cho mình.

Cũng như trong học ngoại ngữ, người ta chẳng thể học được nếu không nghe hoặc không tập nói thường xuyên, nhiếp ảnh cũng vậy. Bạn có muốn là những người tham gia vòng ngoài cho vui, thích những cái mình nhìn thấy, nhưng không thực sự hiểu tại sao, giống như tôi với âm nhạc? Hay bạn muốn trở thành những người am hiểu ngôn ngữ của nhiếp ảnh?

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Để lại một bình luận

Back to top button