Sửng sốt về những tác phẩm được ‘gắn nơ’
Ngày 10 tháng 10 năm 2011, sau phần lễ khai mạc trọng thể, Ban tổ chức dành 1 giờ để hội thảo nghiệp vụ. Tuy thời gian ngắn ngủi nhưng hiệu quả rất bổ ích đối với các nhà nhiếp ảnh. Đối tượng của hội thảo chính là những tác phẩm được “gắn nơ” (Huy chương Vàng, Bạc, Đồng, Khuyến khích) chưa làm mọi người tâm phục khẩu phục. Duy nhất có tác phẩm “Hương đồng” của Lê Hiển (Phú Thọ) đạt Huy chương Vàng là có ít ý kiến trái ngược. Tác giả “chộp” được khoảnh khắc chàng trai và cô gái tình tứ bên bó lúa trĩu hạt, kẻ ngoảnh đi người liếc lại, ánh mắt nụ cười điểm những giọt mồ hôi lấm tấm tạo một “Hương đồng” nồng nàn chất thơ đầy lãng mạn.
Tác phẩm “Nước và cuộc sống” của Thanh Miền (Yên Bái) cũng đạt Huy chương Vàng, rất tiếc chú thích chưa ăn nhập với nội dung bức ảnh. Cần nước hay thừa nước mà vòi nước cứ chảy tràn trề khỏi chậu? Ý nghĩa giữa nước với cuộc sống chưa rõ ràng! Tác phẩm “Mẹ Kim” của Đàm Sơn (Lạng Sơn) – Huy chương Bạc, tác giả chụp Mẹ chính diện, ngực đeo đầy huân huy chương, nếu không có những thành tích đó “Mẹ” khó được giải, người ta dễ nhầm chụp Mẹ để thờ. Có lẽ giám khảo quá chú trọng ý nghĩa chính trị mà xem nhẹ tính sáng tạo của tác phẩm. Huân huy chương đầy ngực của Mẹ giá được chụp trong ngày mừng thọ, cháu chắt quây quần cùng chiêm ngưỡng thì tuyệt biết bao! Tác phẩm “Xấu hổ” của Tào Đức Khánh (Hòa Bình) – Huy chương Đồng, tác giả chụp hai cô gái gùi ngô, một cô xấu hổ dùng hai tay che mặt, hướng thẳng vào ống kính. Tác phẩm có phần khiên cưỡng, nếu xấu hổ chẳng ai buông gùi ngô trên trán để che mặt bằng hai tay. Một bất cập là trong các giải khuyến khích và một số tác phẩm được trưng bày triển lãm này về vị thế còn có thể hoán vị cho nhau. Ví dụ tác phẩm “Nghĩa vụ thiêng liêng” của Phan Cầu (Lạng Sơn) – giải Khuyến khích, chụp các chiến sỹ biên phòng đeo súng xếp hàng hướng về đồng chí chỉ huy chỉ tay vào cột mốc Biên giới. Bức ảnh dễ chụp, tư duy mòn, thiếu logic, thông thường người chỉ huy chỉ dẫn những chiến sỹ mới (tân binh) ra cột mốc Biên giới để giáo dục truyền thống, ở đây lại toàn là cựu binh. Tác phẩm này nên nhường ngôi cho tác phẩm “Lên chốt” của Đinh Văn Tưởng (Lạng Sơn) chụp chiến sỹ Biên phòng tuần tra dưới mưa tuyết bảo vệ chủ quyền an ninh Biên giới Tổ quốc sẽ có ý nghĩa hơn nhiều.
Đặc biệt Liên hoan ảnh Nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần này có 5 tỉnh không đạt giải có nhiều nguyên do của nó. Nếu không hạn chế về cơ cấu giải có lẽ những tác phẩm “Một thoáng Sapa” của Nhật Minh (Tuyên Quang), “Dấu ấn thời gian” của Ngọc Quý (Hà Giang), “Tình rừng” của Quang Lượng (Bắc Giang), “Vượt núi” của Trọng Điển (Cao Bằng), “Nụ cười ngày hội” của Khải Hoàn (Điện Biên) cũng xứng đáng được xếp vào tốp gắn nơ!
Chặng đường Liên hoan ảnh Nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc đến nay đã gần 20 năm. Gần 200 hội viên trung ương đã trưởng thành – là một thành công lớn của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, nhưng thành công lớn nhất chính là qua mỗi lần Liên hoan, cấp độ chuyên môn của các nhà nhiếp ảnh được nâng cao và tự mỗi nghệ sĩ nhiếp ảnh trong khu vực đánh giá đúng được về giá trị đích thực của tác phẩm ảnh nghệ thuật!