Lý luận phê bình

Nâng cao chất lượng ảnh báo chí

Như chúng ta đã biết, ảnh báo chí là một loại hình báo chí chuyển tải thông tin bằng ngôn ngữ của nhiếp ảnh, trong công việc hàng ngày phóng viên nhiếp ảnh được xem như một dạng lao động đặc thù, tiếp nhận thông tin, tư duy bằng hình ảnh, chuyền tải những thông tin ấy bằng ngôn ngữ hình ảnh. Ngôn ngữ hình ảnh khác với ngôn ngữ viết, ngôn ngữ hình ảnh là “Nói” bằng tư duy bố cục, ánh sáng, đường nét, sắc độ và thời khắc bấm máy, song để chụp được một tấm ảnh đẹp, thông tin phong phú thì lại là một vấn đề không đơn giản. Người xưa có câu “Trăm nghe không bằng một thấy”, câu nói giản dị này xin được khẳng định rằng ai cũng thuộc nhưng trong công việc làm báo hàng ngày người trực xuất bản, biên tập viên lại không phân biệt được cái “Thấy” và cái “Nghe”. Cách đây 8 năm, khi xem khai mạc triển lãm “Người chiến sĩ hôm nay” tôi đã viết một bài với tựa đề “15 phút từ Campuchia đến Điện Biên Phủ”, xem triển lãm ta được thấy hình ảnh lao động, học tập, sinh hoatk của quân và dân hai nơi cách nhau hàng ngàn km. Để có đủ thông tin, tư liệu như vậy nếu diễn tả bằng bài viết thì không biết phải mất bao nhiêu thời gian, tốn bao nhiêu giấy mực mới chuyển tải dầy đủ thông tin đến bạn đọc. Những năm gần đây các cơ quan báo chí của ta vẫn chưa nhận thức đúng vị trí quan trọng của ảnh trên các ấn phẩm, coi sản phẩm của phóng viên ảnh chỉ một thứ để minh họa cho một bài viết. Trên báo quân đội ra ngày 6-11-2008 đăng bài với tựa đề “Quân đội tích cực tham gia cứu hộ, giữ an toàn các tuyến đê, hồ, đập” nhưng tấm ảnh đăng kèm lại là một hình ảnh các chiến sĩ bộ đội vác bao gạo đi cứu trợ dân ở quận Hoàng Mai. Chuyện “Râuoong nọ cắm cằm bà kia” thường xảy ra ở các tờ báo lớn ra hàng ngày, ví dụ trên là một minh chứng khẳng định nội dung mà tôi tham luận “Nâng cao chất lượng ảnh báo chí” nó vẫn như câu nói “Biết rồi, khổ quá nói mãi”.

Trong thời gian tới đây, muốn nâng được chất lượng ảnh báo chí lên đúng được vị thế của nó thì các cơ quan báo chí phải thực hiện đúng qui trình làm báo hàng ngày.

Tất cả những hình ảnh phóng viên ảnh khi đi tác nghiệp về phải kiểm tra lại chất lượng ảnh, những thông tin sau đó nộp cho trưởng phòng, ban ảnh xem xét lại rồi chuyển sang bộ phận biên tập, thư ký tòa soạn trực. Hiện nay ở một số cơ quan báo chí, đa số phóng viên ảnh đi chụp về lại mang sang cho các trưởng phòng, ban phóng viên viết để duyệt đăng theo bài của mình. Nếu không xóa bỏ qui trình này đi thì không bao giờ nâng cao được chất lượng ảnh trên báo.

Người trực xuất bản, biên tập viên phải tôn trọng, để cho những phóng viên ảnh, người phụ trách bộ phận ảnh được quyết định những sản phẩm của họ đăng lên báo và đương nhiên là ngoài ảnh đăng độc lập ra thì những ảnh đăng theo bài phải phù hợp với nội dung bài viết. Người trực xuất bản  cũng như biên tập viên phải coi những tấm ảnh của phóng viên đi chụp về như một công trình, một tác phẩm ngang tầm với một bài viết, bởi bài viết thì còn biên tập, chữa lại câu cú cho người đọc cảm thấy dễ đọc, nhưng một tấm ảnh đã cầm trên tay để mang sang phòng biên tập rồi thì có chăng chỉ nhìn ngắm, có chăng biên tập lại những dòng chú thích trên ảnh cho phù hợp với mảng vệt nằm trong kế hoạch tuyên truyền. Trong một năm làm báo có rất nhiều sự kiện nhưng ít thấy trên những tờ báo ra hàng ngày có những phóng sự ảnh gây sự xúc động cho bạn đọc. Trong đợt lũ lụt lịch sử vừa qua tại Hà Nội, một vài tờ báo mạng đã xuất hiện một vài nhóm ảnh mang tính chất phản ánh chứ chưa đầu tư để có một phóng sự ảnh nào mang được dấu ấn mạnh của ảnh. Tôi không có ý trách các phóng viên nhiếp ảnh trong thời gian qua đã không làm tròn bổn phận của mình, bởi tôi biết họ có say xưa yêu nghề đến mấy, lang thang trên khắp nẻo đường của đất nước ghi lại những hình ảnh mang về, nhưng người trực xuất bản, biên tập viên không biết sắp đặt, bố trí không đúng tầm trên trang báo. Cái quy trình này không sớm chấm dứt thì chắc chắn sẽ không bao giờ có được những tấm ảnh đẹp, đầy đủ nội dung thông tin cần thiết đến với bạn đọc. Làm báo trong thời buổi kinh tế thị trường, ai cũng nói bây giờ độc giả xem báo nhiều hơn đọc báo nhưng khi vào công việc thực tế hàng ngày thì họ lại làm khác. Đã đến lúc chúng ta phải khẳng định nhiếp ảnh đã và thường xuyên đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của báo chí. Muốn làm tốt để nâng cao chất lượng in trên các ấn phẩm báo chí, Hội Nhà báo nên có những cuộc tập huấn riêng cho những người chịu trách nhiệm xuất bản, biên tập viên, họa sỹ trình bày cho các báo, để đi đến thống nhất phương pháp dùng ảnh trên báo, để họ hiểu thêm vai trò của ảnh báo chí, vì ảnh báo chí là một loại hình báo chí được truyền tải thông tin trực tiếp bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh.

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Để lại một bình luận

Back to top button