Kỹ thuật

Tìm hiểu kính lọc cho ống kính máy ảnh

Kính lọc và chức năng của kính lọc

Có nhiều loại kính lọc khác nhau với những ứng dụng riêng biệt trong quá trình sử dụng

Kính lọc (Filter) là thiết bị hỗ trợ cho ống kính máy ảnh, có tác dụng nhất định đối với một số thành phần ánh sáng nhằm tạo ra những hiệu quả hình ảnh đặc biệt.

Mỗi loại kính lọc đều có những chức năng khác nhau, nhờ đó mà có ứng dụng khác nhau trong quá trình sử dụng. Chức năng nổi bật của kính lọc bao gồm, bảo vệ ống kính máy ảnh, bảo vệ mắt người, giúp hạn chế bớt ánh sáng chiếu trực tiếp vào ống kính, tạo ra các hiệu ứng thú vị cho ảnh. Ngoài ra, kính lọc còn hạn chế bụi bẩn cũng như các tác nhân môi trường khác gây trầy xước ống kính.

Cấu tạo của kính lọc

Kính lọc được cấu tạo từ một thấu kính trong suốt hoặc cũng có thể có màu sắc. Chất lượng của kính lọc ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng ảnh, do vậy, kính lọc được tráng phủ nhiều lớp trên bề mặt để loại bỏ tối đa các hiện tượng quang sai, phản xạ. Trên thị trường hiện có 3 dạng kính lọc chia theo vật liệu cấu tạo.

Gel: Kính lọc làm từ các chất dẻo dạng gel, rất dễ hỏng và có giá thành khá rẻ.

Optical: Kính lọc chế tạo từ nhựa đặc biệt, tương tự như nhựa làm kính đeo mắt. Dòng sản phẩm này có nhiều ưu điểm như nhẹ, bền hơn các sản phẩm làm từ gel, đa dạng và giá thành không quá cao.

Kính: Kính lọc được làm từ kính cho chất lượng tốt, bền bỉ trong mọi môi trường sử dụng. Tuy nhiên, dòng sản phẩm có giá thành khá cao, thường được các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp sử dụng nhiều hơn.

Kính lọc UV 52mm của Nikon.

Với những kính lọc thông dụng, viền của kính lọc thường có màu đen nhằm hạn chế sự phản xạ ánh sáng và được làm từ nhôm hoặc đồng thau, có khả năng chịu lực tốt, giúp bảo vệ kính lọc. Trên viền này thường ghi thông tin về nhà sản xuất, kích thước, loại kính lọc để người sử dụng nhận biết và lựa chọn cho phù hợp với mục đích sử dụng.

Kính lọc thông dụng trên thị trường

Kính lọc tia cực tím (UV): Giúp ngăn chặn các tia cực tím tiếp xúc với bộ cảm biến của máy ảnh, thường được dùng trong việc chụp ảnh ở môi trường có ánh sáng tự nhiên như ảnh phong cảnh.

Kính lọc UV được cấu tạo nhiều lớp nên giảm được đáng kể các viền tím quanh ảnh chụp do tác nhân từ ánh sáng tia cực tím gây nên. Những kính lọc này trong suốt và có giá thành rẻ, do đó có thể dùng với hầu hết mọi nguồn sáng và có thể sử dụng như một kính chắn giảm bụi và chống xước cho thấu kính bên trong ống kính.

Kính lọc phân cực (Polarizer): Có tác dụng giảm độ chói sáng và mây mù, rất quan trọng và thích hợp trong việc chụp ảnh phong cảnh, đặc biệt phong cảnh có trời mây.

Ảnh trái không sử dụng kính lọc phân cực, ảnh phải sử dụng kính phân cực.

Kính lọc phân cực phát huy khả năng tối đa khi được đặt vuông góc với hướng nguồn sáng trong ảnh. Sử dụng thấu kính này có thể giảm bớt độ tương phản giữa những vùng ánh sáng đối lập trong ảnh.

Có hai loại kính lọc phân cực là loại tuyến tính (Linear) và loại vòng (Circular – CPL). Kính lọc phân cực vòng cho phép hệ thống tự động lấy nét của máy ảnh có thể hoạt động được. Loại tuyến tính có giá thành rẻ hơn nhiều, nhưng không cho phép máy ảnh lấy nét tự động nên người dùng phải tự lấy nét bằng tay.

Kính lọc sáng theo từng phần (GND): Có tính năng giảm lượng ánh sáng trong hình ảnh nhưng chỉ giảm sáng ở một phần, không giảm toàn bộ bức ảnh. Kính lọc này cũng được sử dụng nhiều khi chụp ảnh có độ tương phản cao, khung cảnh có ánh sáng phân bố không đều theo dạng dọc hoặc ngang.

Ứng dụng của kính lọc GND khá hiệu với hình ảnh có độ tương phản cao.

Kính lọc GND có nhiều loại, điển hình là Soft Edge, Hard Egde và Radial Blend. Kính lọc dạng Soft Edge tạo ra một dải mờ trung gian, giúp sự chuyển đổi từ sáng sang tối một cách từ từ, trong khi đó kính lọc Hard Edge chuyển đổi đột ngột giữa nền sáng và tối, trong khi kính lọc Radial Blend cho kết quả tối dần từ 4 góc vào trong bức ảnh.

Ngoài ra, khi sử dụng kính lọc GND cần chú ý tới sự khác biệt giữa vùng sáng, tối của kính lọc và sự thay đổi ánh sáng của đối tượng để đưa ra thông số chụp thích hợp.

Kính lọc theo mật độ ánh sáng tự nhiên (ND): Có tác dụng giảm lượng sáng đến cảm biến của máy ảnh. Kính lọc này rất hữu dụng khi cần chụp ảnh tốc độ chậm, thời gian phơi sáng dài trong điều kiện nguồn sáng mạnh hoặc muốn sử dụng ISO thấp.

Kính lọc ND cho phép giảm tốc độ chụp để tạo ra hiệu ứng hình ảnh theo mong muốn.

Kính lọc ND đặc biệt có tác dụng khi cần chụp những tình huống như thác nước hay sông, biển nhằm tạo cảm giác nước mượt mà như dải lụa, những tình huống cần tăng độ mở ống kính, giảm độ sâu trường ảnh…

Nhược điểm của kính lọc

Không nên sử dụng nhiều Filter cho một ống kính, chỉ sử dụng khi cần thiết.

Là thiết bị hỗ trợ bên ngoài thấu kính, kính lọc thường hấp thụ một lượng nhỏ ánh sáng vào cảm biến, làm giảm độ sáng, độ sắc nét, sai màu và độ tương phản của hình ảnh. Bên cạnh đó, hiện tượng viền đen cũng có thể xuất hiện nếu kính lọc chắn đường đi của ánh sáng vào ống kính và làm tăng thêm hiện tượng chói sáng vốn đã là yếu điểm của ống kính.

Khi lắp nhiều kính lọc vào ống kính có thể gặp hiện tượng đen 4 góc ảnh, đặc biệt khi gắn kính lọc phân cực trên kính lọc UV với một ống góc rộng. Vì thế không nên gắn nhiều kính lọc cho một ống kính và chỉ nên sử dụng khi cần thiết.

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Để lại một bình luận

Check Also
Close
Back to top button