Kỹ thuật

Tại sao và khi nào sử dụng ống kính zoom

1. Sơ lược ống kính zoom

Ống kính zoom là ống kính được lắp ráp bằng nhiều thành phần thấu kính cho phép thay đổi tiêu cự của ống kính. Việc thay đổi này sẽ tương ứng với việc ở cùng một vị trí chụp, bạn có thể kéo gần hay đẩy vật thể chụp ra xa mà không cần phải di chuyển. Đây cũng là ưu điểm lớn nhất khi chụp ảnh bằng ống kính zoom. Chúng ta thường thấy ký hiệu “x” trên máy ảnh có ống kính zoom, nó diễn tả tỉ lệ phóng đại của ống kính zoom. Ví dụ ống kính zoom 100-300mm có thể gọi là zoom 3x hay 3:1. Trước đây, những ống kính zoom có chất lượng tốt thường có tỉ số này nhỏ hơn 3 ( như các ống kính zoom 28-70mm, 70-200mm…).  Có 2 loại ống kính zoom trên máy số là zoom quang học (optical zoom) và zoom kỹ thuật số (digital zoom). Zoom quang học phóng đại hình ảnh bằng sự thay đổi cách sắp xếp thấu kính, zoom số thì phóng đại hình ảnh bằng một phép tính nội suy. Vì vậy zoom quang học luôn cho chất lượng hình ảnh tốt hơn zoom số.

2. Zoom một khẩu tốt và đắt tiền hơn

Đối với những máy Point and Shoot và những ống kính zoom bán kèm với kit của máy DSLR thì độ mở khẩu độ ống kính sẽ thay đổi tùy theo sự thay đổi tiêu cự ống kính. Một ống kính zoom có kí hiệu 7.4-44.4mm 1:2.8-4.8, sẽ có nghĩa là khi tiêu cự của ống kính là 7.4mm thì độ mở khẩu độ tối đa sẽ là 2.8 và khi chuyển sang tiêu cự dài hơn thì độ mở ống kính dần dần nhỏ lại, như tiêu cự 44.4mm thì khẩu độ đối đa chỉ còn 4.8.

Đối với những ống kính zoom khi thay đổi tiêu cự ống kính mà độ mở tối đa của khẩu độ bất biến thì sẽ luôn đắt tiền hơn và cho chất lượng hình ảnh tốt hơn. Ví dụ, một số kí hiệu trên ống kính zoom một khẩu như 70-200mm 1:2.8, 24-70mm 1:2.8…

2. Nhỏ gọn và đơn giản

Việc một ống kính zoom sử dụng được nhiều mục đích khác nhau sẽ giúp cho hành lý chụp ảnh của bạn đơn giản và cơ động hơn. Ví dụ trong một buổi chụp mà nhu cầu của bạn chỉ đơn giản là chụp ảnh lưu niệm, ảnh sinh hoạt, ảnh phong cảnh… thì bạn chỉ cần mang theo một ống kính 18-70mm. Nếu bạn yêu thích chụp chân dung, chụp cận ảnh… thì nên mang theo ống kính 70-200mm. Gần đây, có những ống kính zoom với tầm từ 18-200mm, 18-300mm… thì hầu như dành cho mọi mục đích chụp ảnh.

3. Tiết kiệm chi phí

Với ngân sách giới hạn, bạn có thể chọn mua những ống kính zoom tùy theo mục đích sử dụng và vừa túi tiền. Tuy nhiên, những ống kính zoom này khi cầm trên tay bạn sẽ cảm thấy chúng hơi nhẹ, do đa phần các bộ phận đều làm bằng nhựa. Bên cạnh đó, chất lượng ảnh của chúng cũng không so bì được với những ống kính zoom một khẩu. Trước khi mua ống kính zoom nào đó, bạn có thể yêu cầu người bán cho phép mượn một vài ống kính và bạn gắn vào thân máy rồi chụp tại chổ liền. Sau đó bạn về nhà so sánh chất lượng ảnh và quyết định sẽ mua ống kính zoom nào.

4. Chụp nhanh

Ống kính chỉ có một tiêu cự (ống kính fix) thì luôn cho chất lượng hình ảnh đẹp hơn ống kính zoom. Để có bố cục ưng ý, bạn phải di chuyển nhiều (anh em nhiếp ảnh thường nói đùa là zoom bằng chân), hoặc phải thay một ống kính khác với tiêu cự phù hợp. Dần dần, với sự phát triển của công nghệ thì khoảng cách chất lượng giữa ống kính zoom và ống kính fix đã thu ngắn lại. Vì vậy, ống kính zoom với việc dễ dàng thay đổi tiêu cự chụp ảnh sẽ giúp bạn bố cục, lấy nét… nhanh hơn và chụp nhanh hơn.

 5. Dễ dàng và sáng tạo

Nếu bạn chỉ mới bắt đầu cầm máy thì một chiếc Point and shoot hay một DSLR với ống kính zoom đi kèm với bộ kit là đủ rồi . Những ống kính zoom này đã được nhà sản xuất nghiên cứu và cho ra đời nhằm thoả mãn bất kỳ nhu cầu chụp ảnh một cách dễ dàng, sáng tạo và ít tốn kém nhất. Bên cạnh đó, có một số ống kính zoom còn cho phép chụp macro nữa. Một thủ thuật thường được dùng trong chụp ảnh bằng ống kính zoom là vừa chụp vừa xoay ống kính zoom.

Hãy chụp nhiều và sáng tạo theo cách bạn thích với những gì mình có, rồi bạn sẽ quyết định nâng cấp mua thêm ống kính zoom khác.

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Để lại một bình luận

Check Also
Close
Back to top button