Một dịp “ôn cố tri tân”
Thật có ý nghĩa, giữa lòng Hà Nội, tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, những ngày này đang có cuộc triển lãm “Hà Nội thời bao cấp”. Cuộc chiến của Hà Nội thời bao cấp chính là cuộc chiến vượt khổ, cuộc chiến thần kỳ, theo khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến”. Một hình ảnh thu hút đó là cảnh xếp hàng chờ mua gạo với liền cạnh, ở một loạt ngăn, là các loại sổ gạo, các cỡ tem phiếu gạo. Cũng khu vực này còn có ảnh kèm lời của một chứng nhân: Ông Ngô Đức Thiện, Giáo sư Tiến sỹ Dân tộc học, 63 tuổi, với câu nói không còn gì thành thực hơn: “Hồi đó mỗi lần mua, chỉ cần gạo không mốc là sung sướng rồi”.
Sang một dãy khác, cũng trong một loạt ô kính là các loại tem phiếu hàng hàng, lớp lớp, tem phiếu thực phẩm, phiếu vải, tem phiếu dành cho một số nhu cầu cần thiết khác. Qua khu vực tem phiếu, người Hà Nội, trong 10 người, cả 10 đều không ngăn nổi xúc động.
Lời Bác Hồ dường như vẫn còn văng vẳng: Chúng ta không sợ thiếu hàng mà chỉ sợ phân phối không công bằng.
Vậy làm thế nào để phân phối công bằng? Chế độ tem phiếu, chế độ bìa mua hàng, sổ gia đình chính là câu giải đáp sinh động, nói khác đi, chính là giải pháp hữu hiệu.
Với tem phiếu, trẻ em có chế độ cho trẻ em, người lớn có chế độ cho người lớn, cán bộ có chế độ cho cán bộ, dân thường có chế độ cho dân thường.
Xin mời các bạn Hà Nội năm xưa nhớ lại! Hồi đó gia đình nào mà không có phiếu để mua hàng tết, mỗi gia đình một cỡ túi hàng, tùy theo lượng nhân khẩu. Số lượng hàng có thể khác nhau nhưng chủng loại hàng không gia đình nào là không có đủ như trà, thuốc lá, mì chính, hạt tiêu, bánh đa nem, miến…
Triển lãm cũng không giấu giếm một vài nét không được “tích cực” của thời bao cấp. Ông Lê Gia T, do hoàn cảnh công tác, dù biết là không đúng, vẫn móc ngoặc với cửa hàng gạo để được mua gạo ưu tiên. Bà Lê Thị T, nguyên cán bộ tuyên huấn đến chợ Đồng Xuân mua đậu phụ bị con phe bảo “đưa em mua hộ cho nhanh”. Cầm tem của bà rồi, nó lấy cớ “công an đang đuổi” để chạy mất hút!
Tại một ô khác, ngoài cảnh mua bán còn có tấm biển in mấy câu vè: “Một yêu anh có may ô-Hai yêu anh có cá khô để dành”. Thì ra cá khô hồi đó đủ sức đánh át mọi tiêu chuẩn, kể cả tiêu chuẩn hàng đầu là hào hoa.
Như đã nói, thời bao cấp là thời Hà Nội chiến đấu trong gian khổ và đồng thời cũng là thời chiến đấu trong lạc quan. Ăn gạo “mậu” (từ gọi tắt của gạo mậu dịch) được gạo ngon là hay, lỡ gặp gạo kém thôi cũng đành bởi đó là “khó khăn chung”.
Tuy nhiên, nói về tinh thần và sức chiến đấu của quân dân thủ đô thời bao cấp, ta có thể khẳng định đó là tinh thần và sức chiến đấu không gì có thể so sánh. Bắt sống phi công Mỹ ở hồ Trúc Bạch, bắn B52 Mỹ rơi xuống hồ Ngọc Hà, phố Lê Trực đều là những chiến công lập được trong thời cao điểm của cơ chế bao cấp.
Một thời thiếu ăn, thiếu mặc nhưng tinh thần lạc quan, ý chí chiến thắng của người Hà Nội luôn có thừa !
Trần Thành