Hãy làm mới cách chụp ảnh
1. Dùng góc độ
Với một chủ đề bất kỳ, bạn có thể chụp bằng cách cầm máy ngang, hay máy đứng. Đầu tiên bạn hãy chụp toàn cảnh, sau đó chụp cận cảnh và tiến đến gần để chụp macro. Bạn cũng có thể chụp góc máy từ dưới hướng lên, từ trên chụp xuống và chụp ngang tầm chủ đề nữa. Bạn cũng có thể di chuyển qua lại hay chung quanh chủ đề của mình để có những góc chụp khác nhau. Góc độ chụp cũng khác biệt nếu bạn thay đổi ống kính khác nhau. Nếu dùng ống kính zoom thì bạn hãy zoom ra zoom vào để chọn cho mình một khung hình ưng ý.
Thay đổi góc độ chụp ảnh cũng như chụp thật nhiều lần cho một chủ đề sẽ cho bạn cơ may chụp được ảnh ưng ý. Với máy ảnh số thì bạn cứ chụp thoải mái vì nếu không thích thì ta có thể xoá bớt lúc chép file vào máy tính
Ảnh 1a – 1b: Trong cùng một chủ đề, chọn 2 góc chụp và 2 tiêu cự ống kính khác nhau cho ta 2 kết quả khác nhau.
2. Gắn kính lọc vào ống kính
thông thường ống kính của bạn nên gắn một kính lọc skylight hay UV để bảo vệ ống kính không bị bụi bám, va đập, trầy xước …
Bên cạnh đó, nếu được thì bạn nên sắm thêm một số kính lọc khác. Kính lọc Polarizer sẽ làm sẫm màu mây, chụp chống loé sáng… Kính lọc trung tính ND sẽ làm giảm lượng ánh sáng vào máy ảnh, điều này giúp bạn giảm tốc độ và đóng nhỏ khẩu độ để chụp nước chảy như thác, suối… Kính lọc Infrared Red, giúp bạn chụp theo phong cách ảnh hồng ngoại. Kính lọc sao sẽ làm loé tia lên những tia sáng, kính lọc cầu vòng sẽ tạo ra sắc cầu vòng trên ảnh ….
Ngoài ra, trên máy ảnh chúng ta thường set chế độ cân bằng trắng White Balace (WB) là Auto, nhưng khi đặt WB ở những thông số khác nhau (cho dù thông số sai), bạn sẽ nhận thấy dường như ảnh của mình được nhuộm màu như gắn kính lọc màu vậy.
Phần mềm Photoshop cũng giả lập một số hiệu ứng giống như khi chụp bằng kính lọc. Chắc chắn, kết quả không hoàn toàn như ý bạn muốn, nhưng nếu không có kính lọc thì tạm thời bạn cũng có thể dùng nó.
3. Đa dạng cách chỉnh nét, khẩu độ, tốc độ
Khi chụp ảnh, điều tiên là phải lấy nét rõ, sau đó ta sẽ đo lượng ánh sáng rồi chỉnh khẩu độ và tốc độ. Bạn có thể chụp rõ nét, nhưng đôi khi bạn chụp sai bằng cách chụp thật out nét để cho ra kết quả lạ mắt. Ngoài ra chụp ở tốc độ nhanh, bạn sẽ bắt đứng vật thể chuyển động và chụp ở tốc độ chậm vật thể này lại nhoè, do đó trên cùng một chủ đề, bạn có thể chụp tốc độ khác nhau để có hiệu ứng khác nhau. Tương tự, tận dụng tính chất khẩu độ sẽ giúp bạn chụp đa dạng hơn khi khẩu độ nhỏ độ sâu trường ảnh lớn và khẩu độ lớn DOF sẽ mỏng hơn.
Ảnh 3a: Ảnh chụp với tốc độ 1/30s, khẩu độ f/22, ISO 200
Ảnh 3b: Ảnh chụp với tốc độ 1/1000s, khẩu độ f/4.0, ISO 200
4. Thể hiện sự tương đồng
Giống như trong thời trang, bạn có thể mặc một bộ đồ cùng tông màu với nhau thì trong việc chụp ảnh bạn cũng có thể tạo ra sự tương đồng. Sự tương đồng có từ những màu sắc gần nhau, hay là hình dáng, kiểu mẫu, đường nét… Với ảnh có sự tương đồng bạn cũng dễ dàng áp dụng thủ pháp lặp đi lặp lại. Ngoài ra, sự tương đồng cũng có thể đến trong nội dung của ảnh khi tất cả các yếu tố trong ảnh cùng toát lên một ý.
Ảnh 4: Ảnh bao gồm 2 yếu tố tương đồng chính là đường nét (hình dáng của các cây), màu sắc (2 màu xanh và đỏ).
5. So sánh và tạo ra sự tương phản
So sánh là thủ pháp dễ dàng thực hiện nhất trong ảnh của bạn, bạn có thể so sánh bằng nội dung và so sánh thị giác hay bao gồm cả hai. So sánh ý sẽ là đem vào các yếu tố như so sánh xấu – tốt, già – trẻ, đúng – sai… So sánh thị giác sẽ bao gồm so sánh đường nét, màu sắc, mảng khối hình học, nhanh – chậm, động – tĩnh….Trong một ảnh, bạn có thể vận dụng nhiều thủ pháp bao gồm so sánh tạo ra sự tương phản hay kết hợp với thủ pháp tạo sự tương đồng ở trên…
Ảnh 4: Ảnh mang yếu tố so sánh về mảng sáng tối, so sánh về ý giữa già – trẻ
VAPA