Tin tức chung

“Em bé Napalm” – bức ảnh nổi tiếng nhất về chiến tranh của Việt Nam

 PV: Ông biết đến bức ảnh “Em bé Napalm” thời gian nào?

NSNA Vũ Khánh: Tôi được biết đến bức ảnh “Em bé Napalm” vào năm 1972 – khi đó tôi đang học Nhiếp ảnh tại Cộng hòa Dân chủ Đức. Vào thời điểm đó, không chỉ tại Đức, mà tôi được biết ở nhiều nước trên thế giới báo chí và nhiều người dân bàn tán rất nhiều về bức ảnh này của Nick Út. Các thầy giáo nhiếp ảnh cũng đưa bức ảnh này ra để giới thiệu với sinh viên chúng tôi về nội dung cũng như giá trị của bức ảnh. Lúc đó chiến tranh ở Việt Nam là tâm điểm của báo chí thế giới, nhiều tờ báo, các hãng thông tấn quan tâm, đăng tải về bức ảnh này cũng như các ảnh về chiến tranh khác của các nhà nhiếp ảnh Việt Nam. Vì vậy, chúng ta khỏi cần bàn đến độ lan tỏa, sự ảnh hưởng mạnh mẽ của bức ảnh này, bởi điều đó đã quá rõ ràng.

PV: Lúc đó, ông có cảm nhận gì về bức ảnh?

NSNA Vũ Khánh: Quả thật, lúc đó tôi còn rất trẻ, chưa có sự va chạm, tiếp xúc nhiều với cuộc sống cũng như công việc báo chí, truyền thông, vì thế, tôi chỉ cảm nhận được ở góc độ tố cáo cuộc chiến tranh phi nghĩa của đế quốc Mỹ tại Việt Nam, chứ chưa có được những cảm nhận sâu sắc về tính báo chí, sức mạnh truyền thông, hay có thể nói gọn là “thế giới quan, nhân sinh quan” của bức ảnh.

PV: Còn bây giờ, sau hơn 40 năm, chắc hẳn cảm nhận của ông về bức ảnh đã thay đổi?

NSNA Vũ Khánh: Tôi đã từng làm báo (nguyên Tổng biên tập Báo ảnh Việt Nam), rồi bây giờ lại đang ở cương vị Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Công việc của một nhà báo, rồi nhà quản lý nhiếp ảnh đã cho tôi nhiều trải nghiệm về nghề báo, nghề ảnh, và thêm 40 năm cuộc đời (cười), nên hiển nhiên là giờ đây tôi có cái nhìn “khác” về “Em bé Napalm”. Khác ở đây có nghĩa là sự nhìn nhận sâu hơn, trầm lắng hơn, bao quát hơn, chứ không như thuở ban đầu biết đến bức ảnh (như đã nói ở trên). Tôi nghĩ đây là một bức ảnh nổi tiếng nhất về chiến tranh của Việt Nam. Để chụp được bức ảnh này không dễ, người phóng viên ảnh phải xâm nhập, đi vào cuộc chiến, thậm chí, họ là người “sống giữa 2 làn đạn”. Phóng viên chiến trường quả thật là một nghề rất nguy hiểm, họ có thể bị thương, thậm chí, chết bất cứ lúc nào. Tôi đánh giá cao các nhà nhiếp ảnh chiến trường ở sự xông pha, hy sinh về nghề – công việc và sự quả cảm của họ thật đáng trân trọng!

Với “Em bé Napalm” Nick Út đã may mắn hơn các đồng nghiệp cùng xông pha “trận mạc” với anh lúc đó – tức là anh còn phim để chụp khi sự kiện ác liệt xảy ra: quân Mỹ rải bom Napalm xuống Trảng Bàng, Tây Ninh. Tuy bức ảnh chưa thật sự hoàn hảo như tác giả và người xem chúng ta mong muốn (không được nét lắm – về kỹ thuật), nhưng, điều đó không hề làm ảnh hưởng đến giá trị của bức ảnh – bởi bức ảnh được chụp tại chiến trận đã vượt qua tất cả những nhược điểm (nếu có): nhân vật chính là cô bé Kim Phúc, bị bỏng bom Napalm, lột hết quần áo, trần truồng kêu khóc chạy trên con đường, xung quanh là những đứa trẻ khác cũng khóc gào, hốt hoảng chạy, đằng sau lưng những đứa trẻ này là những người lính đang đi càn, sau nữa là mù mịt khói đen – tất cả các yếu tố đó đã tạo nên giá trị của bức ảnh – là sự kiểm chứng, chứng minh rõ ràng nhất để người xem thấy rằng đây là một bức ảnh được chụp trực tiếp, là thật, chứ không phải là sự sắp đặt. “Em bé Napalm” là bức ảnh đạt được đỉnh cao nhất của tác phẩm ảnh báo chí, là sự tôn vinh nhà nhiếp ảnh. Tính trung thực khi mô tả sự kiện, sự chân thật của bức ảnh cùng sự dấn thân của Nick Út là điều anh em báo chí bây giờ cần học tập!

Ở bất cứ cuộc chiến tranh nào, người lính ra chiến trường bị hy sinh đã là đau khổ, mà người dân thường, trẻ em lại phải gánh chịu những điều đó thì còn đau khổ hơn. Hình ảnh Kim Phúc bị bỏng gào khóc chạy trên đường cho thấy sự dữ dội của một loại vũ khí mang tên bom Napalm mà Mỹ ném xuống Việt Nam, cái thấy được ở “Em bé Napalm” không phải là sự chết chóc, mà là sự đau đớn. Tôi còn được biết, lúc đó Kim Phúc vừa chạy vừa kêu: “Nóng quá! Chết con rồi! Cứu con! Anh Tâm ơi chắc em chết!”. Hình ảnh và tiếng kêu cứu ấy thật sự quá xúc động, làm lay động, “đánh” thẳng vào tim những người có lương tri, nhân đạo. Bức ảnh không chỉ mang tính tư liệu, ghi thật báo chí nữa, mà đã trở thành thông điệp kêu gọi hòa bình, đòi kết thúc chiến tranh.

PV: Còn với “cha đẻ” của “Em bé Napalm” – phóng viên ảnh Nick Út, ông đã có dịp nào tiếp xúc?

NSNA Vũ Khánh: Cách đây khoảng 8 tháng, khi Nick Út sang Việt Nam, qua anh em nghệ sĩ nhiếp ảnh miền Nam giới thiệu, tôi đã đón ông đến thăm Trung tâm lưu trữ và triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam tại Hà Nội. Dù thời gian gặp gỡ ngắn, nhưng chúng tôi đã cùng nhau giao lưu và trao đổi nghề nghiệp. Nick Út đã có những tâm sự với tôi về quá trình hoạt động ảnh báo chí của anh, mong muốn dịp nào đó sẽ giới thiệu ảnh của mình tới đông đảo công chúng Việt Nam. Được biết nguyện vọng đó của Nick Út, tôi đã bày tỏ sự ủng hộ và hy vọng sẽ được giới thiệu triển lãm ảnh của ông ở Việt Nam, để trao đổi chuyên môn với những người cầm máy trong nước, đồng thời cũng là để công chúng có được cái nhìn từ nhiều phía về cuộc chiến tranh Việt Nam.

PV: Cảm nhận, ấn tượng của ông về con người Nick Út?

NSNA Vũ Khánh: Thời gian trò chuyện, tiếp xúc với Nick Út không nhiều, tuy nhiên, tôi thấy ông là một người giản dị, khiêm nhường, dễ gần. Đặc biệt, ông vẫn rất yêu nhiếp ảnh. Giờ đây, khi đã gần 70 tuổi, nhưng ông vẫn còn khỏe, vẫn yêu nghề, vẫn muốn đi đây đi đó để chụp ảnh và làm các công việc của nhiếp ảnh. Điều đó, không phải “người nổi tiếng” nào cũng có được! Mặc dù không được xem nhiều ảnh của ông, nhưng tôi tin rằng, ảnh của ông sẽ như con người ông vậy. Và tôi hy vọng sẽ được “biết” về ông nhiều hơn nữa thông qua triển lãm ảnh cá nhân tại Việt Nam trong thời gian tới – sẽ càng có ý nghĩa hơn, nếu triển lãm đó được khai mạc vào dịp 30/4/2015 – nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước!

PV: Xin cảm ơn ông đã có cuộc trò chuyện thú vị về “Em bé Napalm”!

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Để lại một bình luận

Back to top button