Kỹ thuật

10 quy tắc về bố cục trong nhiếp ảnh

Những quy tắc này sẽ giúp cho bức ảnh của bạn có được sự cân bằng, thu hút sự chú ý vào những phần quan trọng trong ảnh. Một khi bạn đã quen với các quy tắc này, bạn sẽ thấy ngạc nhiên khi thấy chúng được áp dụng rất nhiều. Bạn sẽ thấy những bức ảnh được áp dụng quy tắc ở bất cứ đâu, và dễ dàng nhận ra vì sao một số bức ảnh thực sự gây ấn tượng, trong khi có những bức ảnh trông như thể một bức được chụp vội vàng.

Dưới đây là 10 quy tắc phổ biến về bố cục, được tổng hợp từ PhotographyMad.

Quy tắc Một phần ba

Hãy tưởng tượng rằng bức ảnh của bạn được chia thành 9 phần, bởi 2 đường kẻ dọc và 2 đường kẻ ngang. Trong quy tắc Một phần ba, bạn nên đặt các phần quan trọng của khung cảnh dọc theo các đường kẻ, hoặc ở các điểm mà chúng giao nhau.

Khi thực hiện điều đó, bức ảnh sẽ có thêm sự cân bằng và thú vị. Một số máy ảnh có sẵn tính năng hiển thị các đường kẻ trên màn hình LCD, để bạn dễ dàng áp dụng quy tắc này.

Cả đường chân trời và căn nhà quan sát đều được đặt theo đường kẻ

Các yếu tố cân bằng

Khi bạn đặt một chủ thể lệch khỏi tâm của bức ảnh, như khi áp dụng quy tắc Một phần ba, điều đó sẽ làm bức ảnh thú vị hơn, nhưng cũng làm lộ ra một phần trống trong ảnh. Bạn nên cân bằng “trọng lượng” của chủ thể trong ảnh bằng cách đưa vào một chủ thể khác, ít quan trọng hơn, để lấp vào chỗ trống đó.

Trong ảnh này, “sức nặng” của tấm biển chỉ đường được cân bằng với tòa nhà ở phía kia của bức ảnh

Đường dẫn ánh nhìn

Khi nhìn vào một bức ảnh, đôi mắt chúng ta sẽ tự nhiên nhìn vào các đường kẻ. Bằng cách suy nghĩ về việc đặt các đường kẻ trong bố cục, bạn có thể tác động đến cách người xem nhìn tấm ảnh, thu hút ánh nhìn vào chủ thể chính, hay lướt qua khung cảnh. Có rất nhiều loại đường dẫn – thẳng, chéo, cong, zigzag… –  và mỗi loại đều có thể cải thiện được bố cục của bức ảnh.

Con đường trong bức ảnh này sẽ dẫn ánh nhìn của bạn qua toàn bộ khung cảnh

Các khuôn mẫu và sự đối xứng

Xung quanh chúng ta có rất nhiều mẫu hình có tính đối xứng, cả trong tự nhiên và do con người tạo ra. Chúng có thể tạo nên bố cục rất bắt mắt, nhất là khiến người xem bất ngờ khi trong một khung cảnh đặc biệt lại có thể xuất hiện sự đối xứng. Một cách sắp xếp bố cục khác là phá bỏ khuôn mẫu đối xứng, bằng cách tạo ra các tiêu điểm lệch trung tâm.

Sự đối xứng của khung cảnh bị phá vỡ bởi cái xô ở góc dưới bên phải ảnh

Góc chụp

Trước khi chụp chủ thể, hãy dành thời gian để nghĩ xem bạn sẽ chụp nó theo góc nào. Góc chụp có ảnh hưởng lớn tới bố cục của bức ảnh, và do đó có thể thay đổi thông điệp người chụp muốn chuyển tải. Thay vì chụp bằng góc nhìn ngang tầm mắt, hãy thử chụp với góc nhìn từ trên cao xuống, từ dưới nhìn lên, từ bên cạnh, đằng sau, xa hay gần…

Góc chụp khác biệt giúp bức ảnh tạo được cảm giác thú vị, trừu tượng

Nền của ảnh

Đã bao nhiêu lần bạn xem ảnh mình chụp và thấy rằng bức ảnh thiếu ấn tượng, bởi chủ thể bị lẫn vào một nền có quá nhiều đối tượng đằng sau? Mắt người có thể nhận biết rất nhanh các yếu tố bị lẫn vào nhau, nhưng máy ảnh lại có xu hướng làm bẹt phần nền ở phía trước và phía sau, và điều này có thể làm hỏng một bức ảnh đẹp. Rất may là bạn có thể dễ dàng khắc phục vấn đề này ngay khi chụp – hãy chụp ảnh trên một nền đơn sắc và không gây chú ý, để người xem hoàn toàn tập trung vào chủ thể chính của ảnh.

Nền đơn sắc trong bố cục này giúp người xem hoàn toàn tập trung vào chủ thể của bức ảnh

Độ sâu của bức ảnh

Do nhiếp ảnh diễn tả hình ảnh hai chiều, ta cần chọn bố cục kĩ lưỡng để đảm bảo bức ảnh có thể diễn tả được độ sâu của khung cảnh thực tế. Bạn có thể tạo chiều sâu cho bức ảnh bằng cách đưa vào các đối tượng ở cả phần trước, giữa và sau của khung cảnh. Bạn cũng có thể che bớt một phần của chủ thể bằng một chủ thể khác. Mắt người có thể nhận ra các lớp trong bức ảnh và tách biệt chúng ra, tự tạo thành một bức ảnh có chiều sâu.

Tạo nên chiều sâu cho bức ảnh bằng cách đưa vào các đối tượng ở những khoảng cách khác nhau

Đóng khung

Có rất nhiều sự vật có thể tạo thành các khung ảnh tự nhiên, như cây cối, những con đường hay hố sâu. Bằng cách đặt các sự vật này quanh bố cục của bức ảnh, bạn có thể tách chủ thể chính ra khỏi khung cảnh bên ngoài. Nhờ đó ánh nhìn của người xem sẽ tự nhiên được dẫn vào điểm quan trọng nhất của ảnh.

Trong bức ảnh này, những đồi núi xung quanh tạo thành một khung tự nhiên, và mảnh gỗ trở thành tâm điểm của bức ảnh

Tập trung vào chủ thể chính

Thường thì một bức ảnh sẽ không gây ấn tượng nếu như chủ thể chính quá nhỏ, khiến cho nó bị hòa lẫn vào môi trường xung quanh. Bằng cách đặt khung ảnh thật sát vào chủ thể chính, bạn sẽ loại bỏ được sự chú ý của người xem vào môi trường xung quanh, đảm bảo chủ thể chính có được sự chú ý cần thiết.

Loại bỏ hết các chi tiết không cần thiết giúp người xem tập trung sự chú ý vào chủ thể chính

Hãy mạnh dạn thử nghiệm

Từ khi máy ảnh số trở nên phổ biến, chúng ta không còn phải lo về giá tiền của phim hay sợ hết phim khi đang chụp nữa. Do vậy, bạn có thể thử thật nhiều bố cục cho một bức ảnh; ta có thể chụp hàng trăm bức ảnh và sau đó xóa những bức không mong muốn mà không tốn kém gì cả. Hãy tận dụng điều này, thử nghiệm với các bố cục khác nhau – bạn sẽ không thể biết một ý tưởng có tốt không nếu như không thử.

Nhiếp ảnh số cho phép chúng ta thoải mái thử các bố cục cho tới khi tìm ra được bố cục hoàn hảo

Bố cục trong nhiếp ảnh không phải là một môn khoa học, và tất cả các “quy tắc” trên đều không phải bất biến hay luôn đúng. Nếu như bạn áp dụng một quy tắc với một khung cảnh nhất định và thấy nó không có tác dụng, hãy bỏ qua nó. Nếu như bạn nhận ra một bố cục không theo quy tắc nào nhưng vẫn rất thuyết phục, hãy chụp theo bố cục đó. Dù sao, các quy tắc trên cũng rất phổ biến, và cũng đáng để cân nhắc mỗi lần bạn chụp ảnh.

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Để lại một bình luận

Check Also
Close
Back to top button