Kỹ thuật

Cách chọn độ nhạy sáng của máy ảnh

Với tất cả máy ảnh, việc tăng độ nhạy sáng thường đi kèm với một vấn đề nào đó, và điều này cũng đúng ở một mức độ nào đó đối với tất cả các loại máy ảnh số, từ những máy đắt tiền cho đến máy rẻ tiền. Khi độ nhạy sáng của cảm biến tăng lên – một quá trình tương tự như việc tăng âm lượng của một chiếc đài radio – nhiễu điện tử bắt đầu xuất hiện, giống như hiện tượng méo tiếng khi tăng âm lượng đài radio.

Để cho đơn giản, chúng ta có thể hiểu như sau:

Nếu chụp với ISO thấp, ảnh sẽ ít nhiễu và rõ hơn song lại cần nhiều ánh sáng hơn. Vì thế, cần phải có độ mở lớn hơn và/hoặc tốc độ chụp lâu hơn. Còn nếu chụp với ISO cao, ảnh sẽ có nhiều nhiễu, kém chi tiết song lại cần ít ánh sáng nên người chụp có thể chọn độ mở ống kính nhỏ hơn và/hoặc tốc độ chụp nhanh hơn.

Thông thường, việc chọn độ nhạy sáng của cảm biến được căn cứ vào 2 yếu tố, đầu tiên là ánh sáng xung quanh; và thứ hai là tốc độ chụp cần thiết để ghi lại hình ảnh. Đôi khi người chụp còn cần phải căn cứ vào yếu tố thứ ba, đó là độ mở ống kính, nhưng đây không phải là yếu tố quyết định khi chọn độ nhạy sáng cao.

Theo nguyên tắc, để giữ được chất lượng ảnh ở mức cao nhất có thể, bạn nên chọn ISO càng thấp càng tốt. Ví dụ, để ghi lại được hình ảnh sắc nét của một đối tượng chuyển động trong một ngày nhiều mây, tốc độ chụp cần thiết phải là trên 1/125 giây. Nhưng, ở độ nhạy sáng 50 hoặc 100, điều này không thể thực hiện được ngay cả ở góc mở rộng nhất của ống kính camera. Trong trường hợp này, sự lựa chọn duy nhất là tăng độ nhạy sáng để máy ảnh có thể chọn tốc độ chụp nhanh hơn.

Tuy nhiên, việc tăng độ nhạy sáng nên được tiến hành từng bước bởi nếu tăng độ nhạy sáng lên mức lớn nhất khi không cần thiết sẽ phát sinh một số vấn đề. Bạn nên chọn ISO tăng dần và thử chụp để biết được ở ISO nào thì có thể đạt được tốc độ chụp mà bạn cần để phục vụ cho mục đích của mình. Bằng cách đó nhiễu sẽ được giữ ở mức tối thiểu và chất lượng ảnh mà bạn chụp được là cao nhất trong những tình huống đó.

Trong bất kỳ bức ảnh nào, người xem cũng thường nhìn thấy nhiễu đầu tiên ở những vùng ảnh tối và những vùng mà các tông màu gần như đồng nhất. Chúng ta sẽ xem xét những ảnh minh hoạ dưới đây, thực chất là vùng ảnh nhỏ nằm trong vùng lấy nét của ảnh phía trên (đánh dấu bằng khung màu vàng) được phóng to, nơi nhiễu sẽ dễ nhìn thấy nhất. Vùng ảnh này hơi tối vì được chiếu ánh sáng nền.

ISO 50, tốc độ 1/5, độ mở f3,2 ISO 100, tốc độ 1/10, độ mở f3,2

ISO 200, tốc độ 1/20, độ mở f3,2 ISO 400, tốc độ 1/40, độ mở f3,2

Những ảnh trên cho thấy, ở độ mở ống kính cố định (f3,2), tăng độ nhạy sáng ISO làm cho tốc độ chụp cũng tăng theo – từ 1/5 tới 1/40 giây.

Trên thực tế thì điều này rất hữu ích. Khi máy ảnh được cài đặt ở ISO 50, tốc độ chụp 1/5 thì người chụp cần phải dùng một giá đỡ, trong khi với ISO 400 bạn có thể hoàn toàn yên tâm khi cầm máy trên tay để chụp với tốc độ 1/40.

Nếu mức độ nhiễu ở những hình trên có thể nhìn thấy rõ ở vùng tối của khung hình thì chúng sẽ khó nhận thấy hơn ở những vùng sáng hơn, chẳng hạn như những vùng nằm giữa những điểm sáng nhất và tối nhất.

Nói cách khác, lượng ánh sáng chiếu vào một vùng ảnh càng nhiều thì tác động của nhiễu càng nhỏ, như những hình minh hoạ dưới đây:

ISO 50 ISO 100

ISO 200 ISO 400

Quan sát những hình trên có thể thấy, nhiễu vẫn xuất hiện ở những vùng được chiếu sáng tốt, nhưng rõ ràng là khó nhận thấy hơn. Trên thực tế, trong ví dụ này, ISO 200 hoàn toàn có thể sử dụng được, và lợi thế là cho phép chụp với tốc độ cao gấp 4 lần so với ISO 50. Một thực tế nữa là ảnh hưởng của nhiễu đối với ảnh giảm xuống khi chụp trong môi trường ánh sáng mạnh.

Còn ở ảnh bông hoa vàng phía trên, đối tượng nằm dưới ánh nắng mặt trời trực tiếp. Chúng ta sẽ quan sát các ảnh phóng to của vùng nằm trong hình chữ nhật màu đỏ để thấy rằng với một đối tượng được hưởng ánh sáng chiếu tới có cường độ mạnh thì máy có thể sử dụng tốc độ chụp nhanh để hạn chế nhiễu ở mức thấp nhất có thể. Cần chú ý rằng trong ví dụ minh hoạ này, ISO 400 trên thực tế đã làm cho ảnh bị “thừa” độ phơi sáng vì máy ảnh đã sử dụng tốc độ chụp cao nhất đồng thời chọn độ mở ống kính nhỏ nhất.

ISO 100

ISO 200

ISO 400, ảnh bị “thừa” độ phơi sáng

Tóm lại, mặc dù độ nhạy sáng ISO cao luôn làm tăng tỷ lệ nhiễu, song chúng cũng cho phép người sử dụng máy ảnh ghi hình với tốc độ chụp cao hơn, rất hữu ích trong việc chống nhoè hình. Cần nhớ rằng khi tăng ISO lên mức cao, nhiễu xuất hiện rõ nhất ở những vùng ảnh tối và những vùng có các tông màu gần như đồng nhất với nhau. Vì thế, bạn nên thử nghiệm trước để biết được vùng ảnh nào dễ bị nhiễu. Sau đó, ngắm chụp lại để loại trừ nhiễu ra khỏi càng nhiều vùng ảnh càng tốt.

Trong những điều kiện ánh sáng yếu, nhiễu luôn luôn xuất hiện rõ, và do đó tăng độ nhạy sáng có thể làm giảm chất lượng ảnh đi rất nhiều. Có một điều nghe có vẻ nghịch lý, song khi chụp trong môi trường ánh sáng yếu, tốt hơn hết là người chụp nên ổn định máy ảnh và chọn ISO ở mức tốt nhất có thể để giảm thiểu tỷ lệ nhiễu.

 

VAPA

 

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Trả lời

Back to top button