Các bước xử lý ảnh căn bản

1. Những phần mềm biên tập ảnh phổ biến
Có khá nhiều phần mềm biên tập ảnh, nhưng chủ yếu chỉ có 2 dòng sản phẩm chính bao gồm những phần mềm thương mại (phải mua), và phầm mềm miễn phí. Những phầm mền xử lý ảnh thương mại khá nổi tiếng bao gồm Adobe Photoshop, Adobe Photoshop Elements, Adobe Photoshop Lightroom, Corel Painter, Corel Paint Shop Pro Photo, Aperture,Ulead PhotoImpact, Zoner Photo Studio, Microsoft Digital Image,… Những phầm mền xử lý ảnh miễn phí bao gồm Picasa, Helicon Filter Free, Artweaver, Xnview….
Bên cạnh đó, cũng có nhiều trang web hỗ trợ việc xử lý ảnh online như: www.Alilg.com, www.DrPic.com, www.FlauntR.com, www.FotoFlexer.com … Việc xử lý ảnh online cũng chỉ phù hợp với những file có kích thước nhỏ vì sự hạn chế của đường truyền, công nghệ web..
2. Qui trình xử lý ảnh
Đối với chụp ảnh phim thì sau khi chụp sẽ là tráng rồi rọi ảnh. Việc xử lý ảnh sẽ nằm ở giai đoạn tráng, rọi hoặc sửa trên phim, ảnh…
Đối với chụp ảnh số thì sau khi chụp sẽ chép file vào máy tính rồi dùng một phần mềm biên tập ảnh để chỉnh sửa theo ý của người chụp. Công việc này đòi hỏi người chụp ngoài kiến thức nhiếp ảnh còn phải có thêm những hiểu biết về vi tính, kỹ thuật xử lý ảnh. Kiến thức vi tính sẽ bao gồm việc chép dữ liệu từ thẻ nhớ vào máy tính tránh không bị virus, lưu trữ file hình ảnh vào ổ cứng, CD, DVD, USB… Kỹ thuật xử lý ảnh sẽ giúp cho việc thực hiện được những yêu cầu từ đơn giản cho đến phức tạp với ưu thế dễ dàng thấy ngay kết quả trực tiếp. Vì vậy, công việc xử lý ảnh ngày nay thường được gọi là xử lý ở phòng sáng (light room) chứ không còn ở phòng tối (dark room) như xưa.
Ảnh sau khi xử lý xong ở máy tính sẽ được lưu lại thành 2 dạng file thông dụng nhất là JPEG và TIFF. File ảnh này có thể được in ảnh ở các lab nhưng cũng có thể in phun ở nhà hoặc gởi lên web, email….
3. Các bước xử lý ảnh cơ bản
Cho dù đó là phần mềm xử lý nào đi nữa thì đây cũng là những bước cơ bản để xử lý ảnh.
a. Cắt cúp – bố cục
Thông thường khi chụp ảnh thì việc bố cục chưa ưng ý vẫn thường xảy ra nhất. Nó có thể đến từ đường chân trời lệch một chút, có thêm những chi tiết thừa … Với bất kỳ phần mền xử lý ảnh nào thì việc xoay hình (rotate) bao nhiêu độ cũng khá nhanh chóng và dễ dàng. Bên cạnh đó, việc cắt cúp (crop) cũng rất đơn giản. Dĩ nhiên, sau khi bạn cắt cúp – bố cục mà cảm thấy không hài lòng thì bạn có thể trả file ảnh về hiện trạng ban đầu.
Ảnh 1a: Ảnh trước khi cắt cúp
Ảnh 1b: Ảnh sau khi xoay và cắt cúp
b. Chỉnh độ tương phản
Đối với các phần mềm xử lý ảnh thì việc chỉnh sáng tối và tạo sự tương phản khá dễ dàng và nhanh chóng. Tuy nhiên những ảnh chụp quá dư sáng thì sẽ khó cứu lại những chi tiết. Ngược lại những ảnh chụp thiếu sáng thì có thể sử dụng tính năng này hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, các phần mềm xử lý ảnh đều cho phép chỉnh sáng tối hay tương phản từng vùng mà không ảnh hưởng đến những phần còn lại trong ảnh.
Ảnh 2a: Ảnh trước khi chỉnh
Ảnh 2b: Ảnh được chỉnh sáng tối và tương phản
c. Chỉnh màu sắc
Màu sắc trong ảnh số thường dễ dàng thay đổi bằng nhiều lệnh khác nhau. Màu sắc có thể được làm đậm thêm hay nhạt đi. Đối với những ảnh chụp sai màu sắc do việc chỉnh cân bằng trắng lúc chụp cũng có thể được sửa chữa qua lệnh cân bằng màu trong phần mềm xử lý. Việc chuyển một ảnh màu sang trắng đen, màu sepia, hay bất cứ màu monochrome nào chỉ trong tích tắc mà lại cho kết quả hoàn toàn ưng ý.
Ảnh 3a: Ảnh gốc
Ảnh 3b: Ảnh được chỉnh màu
d. Làm mờ dịu – sắc nét
Tuỳ theo từng thể loại hay yêu cầu mà ảnh sẽ được xử lý cho sắc nét hay mờ dịu cho phù hợp. Đối với ảnh chân dung thì khuôn mặt rõ nét còn hậu cảnh thì mờ nhoè chẳng hạn. Lúc này, sử dụng phần mềm xử lý ảnh để chọn những vùng hậu cảnh để làm mờ nhoè. Tương tự, đối với những ảnh cần sự sắc nét thì dù cho phần mềm nào đi nữa thì phương pháp chung vẫn là tạo sự tương phản giữa những đường biên trong ảnh.
Ảnh 4: Ảnh được tạo thêm hiệu ứng mờ bằng Filter Blur trong Photoshop
Trên đây chỉ là một số bước cơ bản, công việc xử lý ảnh rất đa dạng và không có giới hạn bao gồm việc thêm bớt chi tiết, tạo hiệu ứng đặc biệt, chuyển một bức ảnh trở thành một tác phẩm như tranh…. Việc này không nằm ở phần mềm mà ở sự sáng tạo của người xử lý ảnh.