Bệnh Cúm: Hướng Dẫn Phòng Ngừa, Điều Trị Và Lời Khuyên

Bệnh cúm có nguy hiểm hay không? Biện pháp để điều trị cúm là gì? Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về bệnh cúm, cách điều trị cũng như những phương pháp để tránh khỏi nguy cơ lây nhiễm. Cùng tìm hiểu để bảo vệ sức khỏe của bản thân và giai đình trong mùa cúm này nhé.
Bệnh cúm là gì?
Bệnh cúm được biết đến là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus cúm gây ra với các triệu chứng như sốt cao, ho khan hoặc có đờm, chảy nước mũi, đau đầu, đau nhức cơ thể và mệt mỏi. Cúm có khả năng lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp, đặc biệt trong môi trường đông người. Bất kỳ ai cũng có thể mắc cúm, nhưng một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao gặp biến chứng nghiêm trọng, bao gồm trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai, người cao tuổi trên 65 tuổi, bệnh nhân mắc bệnh mạn tính như tiểu đường, tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và những người suy giảm miễn dịch do ung thư hoặc HIV/AIDS. Ở những đối tượng này, cúm có thể làm bệnh lý nền trở nên nghiêm trọng hơn hoặc gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi do virus cúm, viêm phổi do vi khuẩn bội nhiễm hoặc hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS). Tại Việt Nam, các chủng virus cúm mùa phổ biến bao gồm cúm A/H1N1, cúm A/H3N2 và cúm B. Những chủng virus này liên tục biến đổi, gây khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh và tăng nguy cơ lây lan trong cộng đồng.
Tất cả mọi độ tuổi, mọi đối tượng đều có khả năng mắc cúm
Alt: Bệnh cúm có nguy hiểm không
Các loại bệnh cúm hiện nay
Bệnh cúm ở người được phân thành ba loại chính, bao gồm cúm A, cúm B và cúm C, mỗi loại có đặc điểm lây nhiễm và mức độ nguy hiểm khác nhau.
- Cúm A: Là dạng cúm phổ biến nhất có khả năng lây nhiễm cao và biến đổi liên tục, tạo ra nhiều chủng virus mới, thậm chí gây ra các đại dịch cúm trên toàn cầu. Virus cúm A không chỉ ảnh hưởng đến con người mà còn lây lan ở nhiều loài động vật với hai phân nhóm chính đang lưu hành hiện nay là A (H1N1) và A (H3N2).
- Cúm B: Tương tự như cúm A, virus cúm B cũng có thể gây bệnh theo mùa, nhưng mức độ biến đổi về di truyền và kháng nguyên của nó chậm hơn. Virus cúm B chỉ lây nhiễm ở người và không được phân chia thành nhiều phân nhóm như cúm A và cũng hiếm khi gây ra các đợt bùng dịch quy mô lớn.
- Cúm C: Loại virus này cũng có thể lây nhiễm sang người nhưng ít phổ biến hơn. Các triệu chứng cúm C thường nhẹ hơn nhiều so với cúm A và B, ít gây biến chứng nghiêm trọng, do đó ít được quan tâm trong công tác phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh cúm
Nguyên nhân chính dẫn đến bệnh cúm là do virus cúm (Influenza virus), một loại vi rút có khả năng biến đổi liên tục, tạo ra nhiều chủng mới theo thời gian. Cấu trúc của virus cúm chứa vỏ glycoprotein với hai loại kháng nguyên chính: kháng nguyên ngưng kết hồng cầu H (Hemagglutinin) gồm 15 loại và kháng nguyên trung hòa N (Neuraminidase) gồm 9 loại. Sự sắp xếp khác nhau của các kháng nguyên này tạo nên các phân tuýp virus cúm A. Trong quá trình lây lan, hai kháng nguyên H và N liên tục thay đổi, đặc biệt là kháng nguyên H, dẫn đến hiện tượng “trôi” kháng nguyên (antigenic drift), gây ra các đợt dịch cúm nhỏ và vừa. Khi các biến đổi nhỏ này tích tụ dần và kết hợp với nhau, chúng có thể tạo ra những thay đổi lớn và hình thành tuýp kháng nguyên mới. Quá trình này thường xảy ra do sự tái tổ hợp giữa virus cúm ở động vật và virus cúm ở người, dẫn đến sự xuất hiện của các phân tuýp virus mới có khả năng gây ra đại dịch cúm trên phạm vi toàn cầu.
Virus cúm là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cúm ở mọi người
Alt: Cách điều trị bệnh cúm
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cúm
Mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh cúm, nhưng một số nhóm đối tượng dễ gặp biến chứng nghiêm trọng hơn, bao gồm:
- Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi: Đặc biệt là trẻ suy dinh dưỡng, béo phì, mắc hen phế quản hoặc suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải.
- Người cao tuổi trên 65 tuổi: Do hệ miễn dịch suy yếu khiến khả năng chống lại vi rút kém hơn.
- Người mắc bệnh lý nền mạn tính như tim mạch, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), tiểu đường, suy thận hoặc các rối loạn suy giảm miễn dịch khác.
- Phụ nữ mang thai: đặc biệt trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba, do sự thay đổi sinh lý làm tăng nguy cơ biến chứng.
- Bệnh nhân có rối loạn ảnh hưởng đến khả năng bài tiết chất nhầy đường hô hấp, chẳng hạn như suy giảm nhận thức, rối loạn thần kinh cơ, tiền sử đột quỵ hoặc động kinh.
- Trẻ em dưới 18 tuổi đang sử dụng aspirin, do nguy cơ mắc hội chứng Reye – một tình trạng hiếm gặp nhưng nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến gan và não.
Các triệu chứng của bệnh cúm? Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bệnh cúm có thể gây ra các triệu chứng từ nhẹ đến nghiêm trọng và dễ bị nhầm lẫn với cảm lạnh, đặc biệt là ở giai đoạn khởi phát khi cả hai bệnh đều có dấu hiệu như sổ mũi, hắt hơi và đau họng. Tuy nhiên, cúm thường phát triển đột ngột và nhanh chóng, trong khi cảm lạnh có xu hướng tiến triển từ từ. Các triệu chứng của cúm có thể xuất hiện trong vòng 1-7 ngày, nhưng thường là từ 48-72 giờ sau khi tiếp xúc với virus cúm.
Triệu chứng cúm đầu tiên và phổ biến nhất là sốt cao, có thể dao động từ 39 đến 41 độ C. Trẻ em thường có nguy cơ sốt cao hơn người lớn khi mắc cúm. Bên cạnh đó, người mắc cúm có thể gặp các triệu chứng khác như:
- Ớn lạnh, đổ mồ hôi
- Ho khan
- Viêm họng
- Nghẹt mũi, chảy nước mũi
- Đau đầu
- Mệt mỏi, khó thở
- Nôn mửa, tiêu chảy (thường thấy ở trẻ em nhiều hơn người lớn)
Người bị bệnh cúm sẽ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh,…
Alt: Triệu chứng cúm gồm những gì
Thông thường, các triệu chứng cúm sẽ giảm dần sau khoảng 4-7 ngày, tuy nhiên người bệnh vẫn có thể bị ho khan và mệt mỏi kéo dài hàng tuần, đôi khi kèm theo sốt tái phát.
Nếu triệu chứng cúm không có dấu hiệu cải thiện sau 1 tuần, đặc biệt là sốt kéo dài trên 3 ngày hoặc xuất hiện dấu hiệu nghiêm trọng như khó thở, tức ngực, mất ý thức, co giật hoặc mất nước (tiểu ít hoặc không tiểu), bạn cần thăm khám bác sĩ ngay lập tức. Đây là dấu hiệu cảnh báo cúm có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi hoặc suy hô hấp.
Cảnh báo biến chứng nguy hiểm của dịch cúm năm 2025
Bệnh cúm nếu không được điều trị kịp thời và chính xác có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như:
- Viêm phổi: Là biến chứng phổ biến nhất, có thể dẫn đến suy hô hấp.
- Viêm não: Một tình trạng nghiêm trọng có thể gây tổn thương não bộ.
- Viêm cơ tim: Viêm nhiễm ảnh hưởng đến tim, có thể làm giảm khả năng hoạt động của cơ tim.
- Myoglobin niệu: Một tình trạng hiếm gặp, gây hại cho thận do sự giải phóng myoglobin từ cơ bắp bị tổn thương.
- Suy thận: Mắc phải tình trạng này, thận không thể hoạt động bình thường, dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về bài tiết chất thải trong cơ thể.
- Hội chứng Reye: Là một bệnh lý cấp tính đặc trưng bởi viêm não và gan nhiễm mỡ, thường xảy ra ở trẻ em đã sử dụng aspirin trong quá trình điều trị cúm.
Nên điều trị cúm kịp thời để hạn chế các biến chứng nguy hiểm
Alt: Triệu chứng cúm với triệu chứng cảm khác gì nhau
Phương pháp chẩn đoán bệnh cúm
Để chẩn đoán bệnh cúm, bác sĩ sẽ thu thập thông tin về các triệu chứng của bệnh nhân. Sau đó sẽ áp dụng một số phương pháp xét nghiệm để xác định sự hiện diện của virus cúm trong mẫu bệnh phẩm từ đường hô hấp, bao gồm:
- RT-PCR (Polymerase Chain Reaction): Đây là phương pháp chẩn đoán chính xác và đặc hiệu nhất để phát hiện vi rút cúm. RT-PCR có thể phân loại các chủng vi rút và cho kết quả trong vòng từ 4 đến 6 giờ.
- Miễn dịch huỳnh quang: Phương pháp này có độ nhạy và độ đặc hiệu thấp hơn so với RT-PCR nhưng vẫn có thể cho kết quả nhanh chóng trong vài giờ.
- Xét nghiệm nhanh (RIDTs): Ưu điểm của phương pháp này là cho kết quả chỉ trong vòng 10 – 15 phút, tuy nhiên độ chính xác không quá cao. Do đó, nếu kết quả xét nghiệm nhanh âm tính tuy nhiên vẫn có đủ các triệu chứng cúm thì cần kết hợp với các xét nghiệm khác để xác định chính xác.
- Phân lập virus: Phương pháp này không được sử dụng như xét nghiệm sàng lọc, nhưng có thể được thực hiện trên mẫu bệnh phẩm từ những trường hợp nghi ngờ mắc cúm, đặc biệt với những bệnh nhân có yếu tố dịch tễ rõ ràng.
- Xét nghiệm huyết thanh: Xét nghiệm này cho kết quả nhanh, nhưng độ nhạy và độ đặc hiệu không cao, thường không đủ để khẳng định chắc chắn có sự hiện diện của vi rút cúm.
Xét nghiệm âm tính giả: Dù kết quả xét nghiệm có thể âm tính, nhưng do các yếu tố như thời gian lấy mẫu, chất lượng mẫu bệnh phẩm, hoặc chủng vi rút, bệnh nhân vẫn có thể bị nhiễm cúm. Do đó, bác sĩ sẽ phải xem xét các triệu chứng lâm sàng để đưa ra kết luận chính xác.
Trong tình hình dịch bệnh hiện tại, xét nghiệm COVID-19 cũng có thể cần thiết để loại trừ khả năng nhiễm cảm cúm và COVID-19 đồng thời, nhất là khi có triệu chứng tương tự nhau.
Bác sĩ sẽ thực hiện các biện pháp kiểm tra phù hợp để xác định tình trạng cúm
Alt: Cách chẩn đoán bệnh cúm
Điều trị bệnh cúm như thế nào?
Điều trị theo triệu chứng
Điều trị bệnh cúm chủ yếu là điều trị triệu chứng nhằm giảm nhẹ tình trạng và hỗ trợ phục hồi. Nghỉ ngơi đầy đủ, bù nước và hạ sốt khi cần thiết là phương pháp điều trị phổ biến nhất đối với phần lớn bệnh nhân. Nên lưu ý tránh sử dụng aspirin cho bệnh nhân dưới 18 tuổi, vì nó có thể gây ra biến chứng nguy hiểm. Hầu hết người mắc bệnh cúm sẽ hồi phục hoàn toàn trong vòng từ 1 đến 2 tuần. Tuy nhiên, nếu bị nhiễm khuẩn phức tạp thì cần sử dụng kháng sinh thích hợp để điều trị thêm.
Điều trị các biến chứng
Với những trường hợp bệnh cúm có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ cao, bệnh nhân cần được nhập viện để theo dõi và điều trị. Đối với những trường hợp này thì sử dụng thuốc kháng virus càng sớm càng tốt, các loại thuốc thường được dùng phổ biến là:
- Oseltamivir (Tamiflu): Thuốc này được sử dụng để điều trị cúm và có liều lượng tùy theo độ tuổi và cân nặng của bệnh nhân. Thời gian điều trị là 5 ngày, tuy nhiên Oseltamivir có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn nôn và nôn mửa.
- Zanamivir: Đây là một dạng thuốc hít định liều, dùng khi Oseltamivir không khả dụng hoặc bệnh nhân có kháng thuốc với Oseltamivir.
Tùy vào mức độ nặng mà bác sĩ và đội ngũ y tế đưa ra phương pháp điều trị phù hợp
Alt: Cách điều trị bệnh cúm tại nhà
Cách phòng chống bệnh cúm
Tiêm phòng vắc xin cúm
Tiêm ngừa cúm hàng năm là phương pháp hiệu quả nhất để phòng tránh bệnh cúm. Vì vi rút cúm thay đổi liên tục, mỗi năm các nhà khoa học sẽ nghiên cứu và sản xuất vaccine mới dựa trên các biến thể của vi rút. Tiêm mũi vaccine cúm mỗi năm giúp bạn bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ mắc bệnh. Theo Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế, hiệu quả bảo vệ của vaccine có thể đạt đến 90%, giúp giảm đáng kể tỷ lệ mắc cúm và tử vong, đặc biệt đối với người cao tuổi, tiêm vaccine có thể giảm đến 60% tỷ lệ mắc bệnh và 70-80% tỷ lệ tử vong do cúm.
Tại SIGC, chúng tôi cung cấp các loại vaccine cúm chất lượng cao, bao gồm Vaxigrip 0.25ml, Vaxigrip 0.5ml, và Influvac 0.5ml. Theo khuyến cáo từ CDC (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ), tất cả mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên đều nên tiêm ngừa cúm, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ cao như trẻ em, người mắc bệnh tim mạch, hen suyễn, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai, người cao tuổi và những người tiếp xúc gần với bệnh nhân.
Tiêm vaccine cúm mỗi năm để đảm bảo cơ tăng khả năng chống virus cúm
Alt: Bệnh cúm có nên tiêm vaccine không
Chế độ sinh hoạt tăng cường hệ miễn dịch
Việc duy trì các thói quen sinh hoạt khoa học có thể giúp giảm thiểu nguy cơ mắc cúm và các bệnh truyền nhiễm khác. Dưới đây là một số biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả để bảo vệ sức khỏe của bạn và cộng đồng:
- Rửa tay thường xuyên: Để ngăn ngừa sự lây lan của virus cúm và các tác nhân gây bệnh khác, bạn nên rửa tay với nước ấm và xà phòng trong ít nhất 30 giây hoặc sử dụng nước rửa tay khô khi không có sẵn nước và xà phòng. Đặc biệt, cần hạn chế chạm tay vào mặt, bao gồm mắt, mũi và miệng để tránh vi khuẩn xâm nhập.
- Hạn chế tiếp xúc nơi đông người khi có triệu chứng cúm: Khi bạn có triệu chứng của bệnh cúm như ho, sốt hoặc đau họng, bạn nên tránh đến nơi công cộng hoặc luôn đeo khẩu trang trong môi trường làm việc, học tập. Nếu cảm thấy không khỏe, hãy chủ động cách ly bản thân trong vòng ít nhất 24 giờ sau khi hết sốt để bảo vệ sức khỏe của mọi người xung quanh.
- Làm sạch và khử khuẩn bề mặt vật dụng: Các vật dụng trong gia đình, văn phòng hoặc nơi công cộng có khả năng tiếp xúc với nhiều người như tay nắm cửa, điện thoại, bàn làm việc và đồ chơi của trẻ nhỏ đều là nơi dễ phát tán vi rút cúm. Hãy thường xuyên lau sạch và khử khuẩn các bề mặt này bằng dung dịch sát khuẩn để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.
- Tập thể dục đều đặn: Thể dục thể thao không chỉ giúp nâng cao sức khỏe mà còn tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại cúm và các bệnh truyền nhiễm. Những người có thói quen vận động hàng ngày thường có thời gian hồi phục nhanh hơn và các triệu chứng khi mắc bệnh cũng ít nghiêm trọng hơn.
FAQ
Cúm có thể tái phát ngay sau khi khỏi không?
Sau khi điều trị và hồi phục từ cúm, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể chống lại vi rút cúm. Tuy nhiên, nếu vi rút cúm đã thay đổi chủng (biến đổi), bạn vẫn có thể bị nhiễm cúm lần nữa trong mùa cúm tiếp theo.
Có thể mắc cúm khi đã tiêm vaccine chưa?
Mặc dù vaccine cúm giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và hạn chế các biến chứng nghiêm trọng, nhưng bạn vẫn có thể mắc cúm nếu tiếp xúc với một chủng vi rút khác hoặc nếu hiệu quả của vaccine giảm đi theo thời gian. Vậy nên hãy nhớ tiêm nhắc hàng năm để đảm bảo khả năng bảo vệ cơ thể tốt hơn.
Cúm có phải là bệnh có thể tự khỏi không?
Hầu hết các ca cúm nhẹ có thể tự khỏi sau vài ngày đến một tuần. Tuy nhiên, đối với những người có hệ miễn dịch yếu hoặc mắc bệnh nền, cúm có thể trở nên nghiêm trọng và cần được điều trị y tế ngay lập tức.
Bệnh cúm có thể gây ra nhiều rủi ro đối với sức khỏe, nhưng nếu bạn thực hiện các biện pháp phòng ngừa và điều trị đúng cách, nguy cơ mắc bệnh sẽ được giảm thiểu đáng kể. Tiêm ngừa cúm hàng năm, duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh và nhận diện sớm các triệu chứng cúm là những bước quan trọng giúp bảo vệ bản thân và cộng đồng. Hãy luôn giữ cho mình những thói quen vệ sinh tốt, đặc biệt trong mùa cúm, để bảo vệ sức khỏe của bạn và những người xung quanh.