Tin tức chung

Nhiếp ảnh gia Hoàng Thế Nhiệm: 1.095 ngày cho 22 hình ảnh tuyệt đẹp về Việt Nam

“Năm 2003, tôi triển lãm ảnh về Sa Pa được bạn bè anh em trong giới chúc mừng nồng nhiệt. Tôi trở về nhà ngẫm lại: VN đâu chỉ có mỗi Sa Pa tuyệt vời. Mình không lẽ chỉ chụp về Sa Pa mà không rung động trước những cảnh đẹp vốn có rất nhiều ở mọi miền khác?”.

Thế là Hoàng Thế Nhiệm bắt đầu hệ thống lại kho tư liệu ảnh VN khổng lồ sau gần 10 năm cầm máy chuyên nghiệp của anh và quyết định tiếp tục chu du khắp miền đất nước để chụp ảnh đẹp quê hương.

Nhưng từ thời điểm ấy, Hoàng Thế Nhiệm có sự thay đổi về kỹ thuật chụp: chọn tỉ lệ góc ảnh rộng (panorama, tỉ lệ tương ứng giữa chiều rộng và dài là 1-3), vì theo anh, “nhiều cảnh đẹp VN rất hoành tráng và hùng vĩ, chỉ có ảnh rộng toàn cảnh mới diễn tả được nét đẹp đó”.

Suốt ba năm từ đó đến nay, Hoàng Thế Nhiệm lăn lộn mọi miền đất nước từ Nam chí Bắc (anh cười: “Chỉ còn quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là chưa có điều kiện để đi mà thôi), và kết quả của 1.095 ngày lao động nghệ thuật miệt mài là 22 bức ảnh được anh tuyển chọn để làm cuộc triển lãm ảnh quê hương theo khổ panorama 70x200cm.

Người xem không chỉ xuýt xoa hình ảnh VN qua ống kính của Hoàng Thế Nhiệm thật đẹp mà còn ngả mũ nể phục trước nhiệt tâm của một nhiếp ảnh gia tự cất công đi đến mọi miền xa xôi của Tổ quốc để ghi lại những nét đẹp quê hương.

Một cánh đồng xanh mượt bao la ở núi Cấm (Châu Đốc), một cảnh quan dòng Hương uốn lượn nhìn từ đồi Vọng Cảnh (Huế), một mặt hồ Hàm Thuận – Đa Mi với những nhánh cây nổi lên mặt nước thanh bình như tranh thủy mặc, hay khu rừng hoa mận trắng lung linh ở Lào Cai…

 

“Bà xã tôi là bác sĩ, chu toàn chăm sóc nhà cửa, con cái để chồng tự do đi chụp ảnh quê hương…” – Hoàng Thế Nhiệm nói. Bất kể sống được hay không với nghề (bán ảnh nghệ thuật ở VN chưa mang lại thu nhập cao và đều đặn cho các nhiếp ảnh gia), anh vẫn cứ lên đường với balô máy ảnh.

“Tôi không thể chần chừ thời gian hay đợi ai kêu mới đi chụp. Tôi phải đi vì nếu không mai này biết đâu vật đổi sao dời, có những nét đẹp sẽ không còn” – Hoàng Thế Nhiệm tâm tình. Đằng sau mỗi tác phẩm ảnh của anh là cả một công trình thầm lặng để tạo ra nó.

Như ảnh chụp đường vào chùa Hương ở Hà Tây, Hoàng Thế Nhiệm phải đến bốn, năm lần để có được đủ “thiên thời địa lợi” (thời tiết không sương mù, người đi viếng đông, hoa gạo nở đẹp…) để chụp.

Tác phẩm một dòng sông uốn quanh doi đất ở giữa có cây cổ thụ sừng sững tại Bắc Ninh, nhiếp ảnh gia lần lượt đến đây vào mùa xuân, mùa hè và mùa đông để cuối cùng mới ưng ý với một bức ảnh toát lên nét thanh nhã của miền quê Bắc bộ.

Đi nhiều, chụp nhiều, ngẩn ngơ rung cảm trước nét đẹp quê hương nhiều nhưng Hoàng Thế Nhiệm ưu tư cũng nhiều: “Hình ảnh VN tiếp thị và chinh phục bạn bè thế giới nhất là phong cảnh thiên nhiên đẹp một cách hoang sơ, dung dị. Thế nhưng dường như chính chúng ta lại không xem trọng thiên nhiên nơi quê mình. Là người may mắn ngắm nhìn được nhiều cảnh đẹp đất nước bao nhiêu thì tôi cũng xót xa nhiều bấy nhiêu khi thấy những cánh rừng hoa ban ở Điện Biên, vườn đào ở Sa Pa không ai chăm sóc đầy đủ và dần biến mất…”.

Đó cũng là một nguyên nhân mà Hoàng Thế Nhiệm nặng lòng với việc chụp cảnh đẹp quê hương. Nhiều năm qua vào những ngày cận Tết Nguyên đán, trong khi mọi người lo dọn dẹp nhà cửa đón xuân anh lại tranh thủ đi về ngã năm sông ở Cái Răng để chụp sinh hoạt chợ nổi vì chỉ thời điểm này không khí mới tấp nập, hàng hóa mới sinh động và những chiếc xuồng ba lá mới được phép chèo nườm nượp giữa lòng sông.

“Đó là sự lãng mạn đặc trưng của sinh hoạt dân dã vùng sông nước Nam bộ” – Hoàng Thế Nhiệm tâm đắc với tác phẩm của mình.

Đứng ở một góc phòng triển lãm và nhìn nhiều du khách nước ngoài cũng như các sinh viên đang thưởng thức “Việt Nam toàn cảnh”, Hoàng Thế Nhiệm hạnh phúc vì được chia sẻ cảm xúc. Rồi anh quả quyết: “Tôi sẽ tiếp tục và mãi chụp ảnh về nét đẹp quê hương VN”.

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Trả lời

Back to top button