Tin tức chung

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Hữu Ngợt: 40 năm cầm máy ghi lại khoảnh khắc đẹp Bà Rịa -Vũng Tàu

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Hữu Ngợt sinh ra và lớn lên ở tỉnh Hà Nam Ninh, (nay là tỉnh Ninh Bình). Học chuyên ngành báo chí thuộc Đại học báo chí khóa I năm 1968 – 1973 được 4 năm, ông được tuyển vào quân đội làm phóng viên thông tấn xã giải phóng đi các chiến trường. Hồi chiến tranh ông đã viết báo, tin ảnh, gửi phim sống từ trong chiến trường B5 (Quảng Trị – Thừa Thiên Huế) theo đường giao liên gửi về thông tấn xã ở Hà Nội tráng phim và đăng tin. Lúc giờ rất cần tin ảnh trong chiến trường cho nên tin ảnh viết là được đăng liền. Tấm hình “Ngày hội Vùng Chùa” ở Triệu Phong, Quảng Trị thể hiện được sự vui mừng hò reo của nhân dân Vùng Chùa ra đón quân giải phóng. Tấm hình đánh dấu sự bắt đầu viết báo chụp ảnh của ông. Trải qua nhiều năm công tác tại tại báo Hà Nam Ninh. Năm 1975, ông chuyển vào đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo làm công an và bắt đầu đi sâu vào nhiếp ảnh.

Niềm vui dân biển – tác giả: Đinh Hữu Ngợt

Ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Hữu Ngợt đậm chất đời sống vùng biển, hay nói khác đi, mỗi tấm hình của ông là mỗi góc hoạt động cuộc sống của con người Vũng Tàu. Có khi ông đã chụp những tấm hình này một cách tình cờ, có lúc lại có sự chuẩn bị trước rất công phu. Ông kể: “Tôi đã chụp nhiều tấm hình đẹp một cách tình cờ. Ví dụ như tấm hình “Niềm vui dân biển”. Khi đang thong dong qua biển Long Hải, nhìn thấy người con của dân chài đang vác một con cá lớn dưới ghe lên cười rất thoải mái, trên bờ bà con đang đứng đợi cũng cười rất tươi tôi đã nhanh chóng ghi lại khoảnh khắc này. Tôi rất tâm đắc vì nó thể hiện được niềm vui dân biển khi được cá, nụ cười rất tươi không hề gượng gạo, không hề sắp đặt”. Còn tấm hình “Thành phố Vũng Tàu năm 1991” ông lại có một sự chuẩn bị rất kỳ công. Ông phải leo lên tháp của Đài Truyền hình Tỉnh đặt trên núi Nhỏ, cao mấy chục mét, ôm máy chụp phim lớn, leo lên đỉnh tháp không có chỗ đặt chân máy, một tay phải ôm máy chụp, một tay bám, cứ chụp 1 tấm phải lên phim. Thể mà, sau mười lăm lần leo lên, xuống ông mới chụp được tấm hình ưng ý toàn cảnh thành phố Vũng Tàu đằng này là Bãi Trước, đằng kia là mũi Nghinh Phong. Tấm hình này ông đã để lại dấu ấn rất lớn được nhiều người dân biết đến.

Thành phố Vũng Tàu 1991 – tác giả: Đinh Hữu Ngợt

Suốt 40 năm cầm máy, có rất nhiều chuyến đi để săn hình, và có nhiều lần ông nhớ mãi. Đó là chuyến bay ra giàn khoan. Chuyến đi đó được công ty dầu khí Việt – Nhật thuê máy bay cho ông chụp hình. Máy bay từ Vũng Tàu ra giàn khoan mất 1 tiếng. Để chụp được giàn khoan đó phi công phải vòng quanh 17 vòng để ông chụp hình rất nguy hiểm, vì phải hạ thấp độ cao, dễ va chạm vào gian khoan. Máy hình D70 lúc đó không hiện đại, lại bị chóng mặt mà ông vẫn cố gắng chụp được một tấm hình rất đẹp. Tấm hình đó là “Sáng mãi biển dầu” nhiều người dân Vũng Tàu biết đến.

Sáng mãi biển dầu – tác giả: Đinh Hữu Ngợt

Một lần khác, ông cũng không quên hành trình của việc “săn” một tấm hình “Chào xuân mới” đúng nghĩa là săn hình. Để chụp được tấm hình này ông phải leo lên tòa nhà cao tầng Hội Nghị Quốc Tế để chụp ở Đài Liệt Sĩ, ngồi đợi từ 17 giờ chiều đến 2 giờ sáng. Có nghĩa là đón giao thừa xuân mới một mình trên sân thượng tòa nhà để có tấm hình bắn pháo hoa rất đẹp.

Nói về sở trường chụp của mình nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Hữu Ngợt chia sẻ: “Tôi thích chụp phong cảnh rộng, toàn cảnh. Trong đó, thích nhất chụp panorama. Nhiều tấm hình của tôi được người dân biết đến (như hình “Bãi Trước Vũng Tàu”, “Trung tâm thành phố Vũng Tàu”). Nhưng những tấm hình đem lại thành công cho tôi, lại là ảnh chụp về cuộc sống, hoạt động của của con người, ngư dân vùng biển như “Niềm vui dân chài”, “Lễ hội Nghi ông Vũng Tàu, “Sáng mãi biển dầu”, “Cánh diều quốc tế ở Vũng Tàu”.

Cánh diều Quốc tế ở Vũng Tàu – tác giả: Đinh Hữu Ngợt

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Hữu Ngợt luôn luôn tâm niệm: Nhiếp ảnh thuộc văn học nghệ thuật, đã là văn học nghệ thuật không được giống nhau, phải độc đáo và luôn luôn phải tả thực. Chính vì thế ông có nhiều tấm hình tả một cách chân thực về cuộc sống của ngư dân, cũng như sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ông tâm sự: Bà Rịa – Vũng Tàucó rất nhiều cảnh đẹp, có núi có rừng, có biển, có giàn khoan, con người hài hòa thân thiện mến khách. Đối với ông, Vũng Tàu bốn mùa là mùa xuân. Chính vùng đất, con người nơi đây đã mang lại cho ông cảm hứng sáng tác tuôn chảy trong suốt 40 năm qua.

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Trả lời

Back to top button