Tin tức chung

NSNA Văn Quang Đức – lão nghệ sĩ cao tuổi nhất trong làng ảnh Việt Nam

Tháng 8/1945, ông tham gia cướp chính quyền ở huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam, sau đó được cử làm Phó Chủ tịch huyện Lý Nhân. Tháng 12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông lên Chiến khu làm công tác chụp ảnh. Năm 1949, ông được cử vào vùng địch hậu hoạt động cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp. Địa bàn hoạt động chủ yếu là Hải Phòng, Hải Dương. Và rồi, cuộc đời đã gắn ông với dòng sông Kinh Thầy, với mảnh đất Kinh Môn địa linh nhân kiệt. Vừa thực hiện các nhiệm vụ được tổ chức giao, vừa chụp ảnh và lấy chụp ảnh để hoạt động, ông đã có những đóng góp xứng đáng vào cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.

Hòa bình lập lại, ông chuyển hẳn sang Nhiếp ảnh, lấy nhiếp ảnh làm nghề sinh sống, vừa làm dịch vụ vừa sáng tác ảnh nghệ thuật. Đây là ước mơ từ nhỏ mà cho đến bây giờ ông mới thực hiện được.

Miền Bắc bước vào xây dựng Chủ nghĩa xã hội, những hình ảnh về tổ đổi công, tập đoàn sản sản xuất, hợp tác hóa nông nghiệp đã được Văn Quang Đức thu vào ống kính của mình. Còn nhớ những bức ảnh chụp về đoàn thuyền nan trong mùa thu hoạch lúa, những con người một nắng hai sương, những thiếu nữ xinh xắn trên ruộng mạ, hay những gương mặt tươi rói trong mùa gặt quê nhà, đàn xe bò in bóng trên công trình thủy lợi, những anh thanh niên phá đá mở đường, rồi những cánh buồm nâu trong sương sớm trên sông Kinh Thầy thơ mộng là những tác phẩm của ông đầy ấn tượng lúc bấy giờ.

Trong cuộc chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, cùng với những con người Hải Dương anh dũng như những cô du kích Lai Vu, những khẩu đội pháo kiên cường của dân quân tự vệ… vừa sản xuất vừa đánh trả máy bay địch thì Văn Quang Đức, với vũ khí của mình là chiếc máy ảnh, ông đã bám quê, bám sát sự kiện, bám đường, bám trận địa và rồi ông đã để lại những bức ảnh có giá trị về chiến tranh như: Địch rải bom B52 xuống cầu Lai Vu; đoàn tàu Hà Nội – Hải Phòng bị trúng bom Mỹ; Du kích Hiệp An bắt sống giặc lái Mỹ, những thần sấm con ma bị quân và dân Hải Dương bắn hạ, hay những trận địa Phòng không, những cuộc diễn tập của bộ đội chuẩn bị bổ sung chi viện cho miền Nam, buổi tiễn đưa những người con của quê hương Hải Dương ra trận… hình ảnh chân thực, sinh động và đậm tính nhân văn. Đó chính là những dấu mốc lịch sử, những chiến tích, những đau thương mà Văn Quang Đức ghi lại, để hôm nay và mãi mãi mai sau các thế hệ người Hải Dương hiểu và biết thêm về những năm tháng hào hùng trên quê hương mình.

Trong công cuộc xây dựng đất nước, nhiều bức ảnh của Văn Quang Đức đã khắc họa nỗi gian lao, vất vả trên con đường xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Bộ ảnh Nhà máy xi măng Hoàng Thạch, những khu công nghiệp mới, những di tích được bảo tồn, tôn tạo hay những khu du lịch mới được mở ra để đáp ứng nhu cầu cuộc sống đã tạo dựng  những nét chấm phá trong bộ ảnh về quê hương Hải Dương đang khởi sắc của ông.

Xem ảnh của Văn Quang Đức, ta như thấy quá khứ đang dội về hòa vào hiện tại để rồi tạo nên sự giao thoa giữa tình đất, tình người xứ sở, để cho ta thêm mến, thêm yêu mảnh đất Hải Dương tươi đẹp và anh hùng. Nhiều tác phẩm của ông không những đã đoạt giải trong nước mà còn đoạt giải thưởng quốc tế. Các nhà nhiếp ảnh và nhân dân các nước bạn như Rumani, Đức, Liên xô cũ… chắc hẳn không quên những tác phẩm mà ông đã được các bạn trao giải. Những tác phẩm đó là những  “cái đinh” được  ông “đóng vào bức tường nhiếp ảnh Việt Nam”, góp phần làm cho nền nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam ngày một  phát triển.

Với Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, một tổ chức Chính trị – Xã hội – Nghề nghiệp, sau gần 50 năm hoạt động, Đảng và Nhà nước đã đánh giá cao vai trò, thành tích của Hội và Hội đã vinh được nhận phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh. Để có vinh dự đó, các thế hệ hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam luôn khắc ghi công lao của những người đi trước, những người đặt viên gạch đầu tiên xây nên “lâu đài” Nhiếp ảnh Việt Nam. Chúng ta tự hào, NSNA Văn Quang Đức là một trong 71 hội viên sáng lập Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.

Cuộc đời của NSNA Văn Quang Đức là một chuỗi dài thăng trầm, nhưng điều tự hào nhất của giới nhiếp ảnh và gia đình đó là NSNA Văn Quang Đức năm nay đã ở tuổi 97 –  là người cao tuổi nhất trong làng ảnh Việt Nam, thế mà ông vẫn minh mẫn, nhiệt tình và tham gia đầy đủ các hoạt động của Hội. Ông vẫn đạp xe đi sáng tác, vẫn có tác phẩm tham gia và đoạt giải tại các cuộc thi, triển lãm và liên hoan ảnh của Hội, khu vực cũng như của tỉnh. Hội NSNA Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao vai trò và thành tích của NSNA Văn Quang Đức trong tiến trình phát triển của Nhiếp ảnh Việt Nam.

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Trả lời

Back to top button