Tin tức chung

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Mai Nam người đồng hành của “Một thời hào hùng”

Sách ảnh Một thời hào hùng ra đời đúng vào lúc tác giả của nó – nghệ sĩ Mai Nam – tròn 70 tuổi. Và Nguyễn Thị Hiền – tiểu đội trưởng dân quân thôn Yên Vực (Hàm Rồng – Thanh Hoá) người có ảnh in trên bìa sách – bây giờ cũng đã là một người mẹ ba con. Người chụp ảnh và người trong ảnh đều có sau lưng mình một thời hào hùng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta kết thúc đã trên một phần tư thế kỷ, nhưng quả thật, dư âm của nó vẫn còn đọng lại trong trái tim, ký ức mỗi người, nhất là những ai từng có mặt, từng đồng hành với cuộc chiến đấu oanh liệt đó. Có lẽ nào cái thời hào hùng ấy đã trở thành quá khứ, trở thành xa xưa? Không, nó vẫn sống động, tươi nguyên trong tâm trí chúng ta, nó là của hôm qua mà cũng là của hôm nay, của ngày mai. Tất cả đang hoà quyện, đan xen trong cái không gian và thời gian ba chiều vừa lung linh như huyền thoại, vừa chói sáng như làn nắng ban mai, vừa được chắp cánh, bay bổng trong ý niệm tràn đầy chất lãng mạn… Sách ảnh của Mai Nam, gồm những tác phẩm được sáng tạo trong khói lửa, được ghi lại ngay trong khi bị bom vùi, vừa là tư liệu, vừa là nghệ thuật, tạo nên cả một bài ca kỳ diệu về thế hệ thanh niên Hồ Chí Minh.

Sau hơn ba thập kỷ, nghệ sĩ Mai Nam có dịp trở lại Vĩnh Linh – vùng tuyến lửa ngày nào, nơi anh đã chung sống với đồng bào và các bạn trẻ, sự sống và cái chết gần như không có khoảng cách… Anh trở lại, vẫn là anh, người phóng viên ảnh lâu nhất, giàu kinh nghiệm nhất của báo Đoàn, lại cũng là nghệ sĩ có vị trí xứng đáng trong làng ảnh nghệ thuật Việt Nam, nhưng trước hết, trên hết, anh là người bạn, người đồng chí từng sống với họ trong niềm lạc quan, yêu đời, không quản hy sinh, gian khổ, đã chiến đấu bên cạnh họ với máy ảnh trong tay. Anh trở lại, vẫn là trái tim ấm áp, nụ cười tươi trẻ. Và quà của anh: những tấm ảnh anh chụp họ ngày nào…Tôi rất hiểu vì sao họ cảm động và đã khóc khi cầm những tấm ảnh anh mang về cho họ, được trưng bày ở xã Vinh Quang và lưu giữ trong bảo tàng Vĩnh Linh. Các nhà nhiếp ảnh Mỹ nhìn thấy cảnh tượng người đồng nghiệp Việt Nam được nhân dân quí mến, yêu thương, dường như đã cảm nhận sâu sắc hơn về vị trí của người cầm máy trên tư cách nghệ sĩ và chiến sĩ.

Thanh niên Hà Nội với tcas phẩm “Sống như anh” trong ngày lên đường ra nhập “thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước” (1965)

Cái kỳ diệu của nhiếp ảnh là ở đó: rất nhanh, nó đưa ta về với quá khứ, với kỷ niệm; nhưng cũng rất sâu, nó đưa ta về với những trang đời đẹp nhất; rất nhạy cảm, nó làm ta rung động và cứ nghĩ suy mãi về trách nhiệm, về bổn phận trước cuộc sống. . . Sách ảnh của Mai Nam, như đã nói, chỉ ôm gọn một chủ đề: ca ngợi thế hệ thanh niên Hồ chí Minh thời đánh Mỹ. Từ hàng nghìn kiểu phim, anh chọn ra những bức ảnh bình dị mà giàu chất anh hùng ca trong chiến đấu, sản xuất, học tập. Không phải tất cả đều là ảnh nghệ thuật, cũng có những ảnh tư liệu, nhưng nghệ thuật hay tư liệu, đều ẩn chứa vẻ đẹp về nội dung, và nội dung ấy là những con người đẹp, những sự việc đẹp trong cuộc kháng chiến thần thánh của quân và dân ta. Có những tấm ảnh chưa từng công bố bao giờ, khi đưa vào sách vẫn góp phần làm cho chủ đề tập trung, không tản mạn. Mỗi bức ảnh là một kỷ niệm riêng của nghệ sĩ, nhưng vào sách, với vị trí của nó, trở thành một thành tố, một đơn vị hữu cơ của tác phẩm nghệ thuật. Sách ảnh của Mai Nam cũng như của một số nhà nhiếp ảnh từng trải qua cuộc chống Mỹ, cứu nước đã trở thành một bộ phận của kho tàng nhiếp ảnh Việt Nam, vừa có giá trị tài liệu, vữa được nâng lên tầm nghệ thuật, đem lại nội dung hấp dẫn do chiều sâu thẩm mỹ của nó.

Chiều sâu thẩm mỹ này làm cho ảnh có sức bay bổng, vượt lên bản thân tấm ảnh, với chất thơ, chất họa và cả chất nhạc nữa. Xem từng ảnh, xem toàn bộ sách ảnh Mai Nam, tôi nhận thấy ở tác phẩm nào cũng hiển hiện một nét trẻ trung, tươi rói. Trẻ trung vì người được chụp ảnh đều trẻ. Nhưng cái làm cho họ trẻ chính là niềm lạc quan, yêu đời trước cái chết vẫn hiên ngang, bình tĩnh. Nghệ sĩ sống với tuổi trẻ, hiểu họ sâu sắc, nên anh nắm bắt được cái hay, cái đẹp, cái hấp dẫn ở họ. ở đây có sự đồng cảm giữa người chụp và người được chụp, nói khác đi là giữa nghệ sĩ và đối tượng nghệ thuật. Cũng chính vì vậy, tác phẩm có sức gợi rất lớn, rất sâu.

Ở sách ảnh này, có thể nói đã hội tụ đầy đủ những gương mặt của tuổi trẻ Việt Nam ở miền Bắc thời chống Mỹ. Ấy cũng là nhờ tính điển hình của nghệ thuật. Từ những khoảnh khắc mà Mai Nam ghi được, dù ở Hà Nội hay Hải Phòng, Quảng Bình – Vĩnh Linh hay Nghệ An – Hà Tĩnh, ở Hưng Yên hay Vĩnh Phú, trên cầu Long Biên hay ở hầm lò Vàng Danh, ở tổ thăm dò địa chất hay đoàn quân trên đường ra trận… Tất cả đều có tên chung: Việt Nam. Xem ảnh, lòng ta nhớ mãi nụ cười cô thôn nữ Bắc Giang, những chàng trai trên tuyến lửa, ta bồi hồi nhớ mãi ánh nắng chiều trên bờ mương mới, sóng biển Quảng Bình, sắc cây trên núi Kẽm Trống, đoàn xe vận tải trên đường mòn Hồ Chí Minh. Xem ảnh, lòng ta như muốn hát lên:

“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước

Mà lòng phơi phới dậy tương lai.

Quê hương Việt Nam những ngày ấy mịt mùng khói lửa, đạn bom, nhưng cũng đầy tiếng cười, tiếng hát. Ấy là vì sức sống, sự sống của dân tộc này, của tuổi trẻ Việt Nam bất diệt. Một bông hoa súng, một đàn gà, một tờ bích báo, một buổi truyền thanh. Và đây, sự sống trỗi dậy ngay trên những hố bom. ở đấy, người ta làm hầm tránh cho trâu, làm ao thả bèo làm thức ăn nuôi lợn, vâng, ở đấy người ta cũng tập xà đơn nữa… Mai sau, kể những chuyện này, người ta hình dung ra bao huyền thoại.

Nhưng, có huyền thoại nào không bắt nguồn từ cuộc đời thật, cũng như có thánh thần nào lại không mang bóng dáng của chính con người?

Ngày ấy là chiến tranh. Nhưng ngày ấy cũng là cuộc sống, là sự sống. Giặc đến, ta đánh, có hy sinh, mất mát, nhà tan, ngói đổ. Nhưng, cuộc sống vẫn cuồn cuộn, hối hả đi lên. Tuổi trẻ Việt Nam, trong chiến tranh, vẫn thăm dò dầu khí, vẫn lắp đường dây, vẫn luyện thép, vẫn chở hàng tới những vùng xa, vẫn học tập, sản xuất không ngửng, hơn thế: vẫn ca múa và đẹp như những “con thiên nga”, vẫn bồi hồi trước từng giọt nước trong giao thông hào, vẫn tươi mới như em bé chào đời trong địa đạo Vĩnh Linh…

Ngày ấy là chiến tranh. Cũng chính những ngày ấy ở Việt Nam chan chứa tình người. Cái tình quân dân. Cái tình đồng đội. Cái tình làng nghĩa xóm. Những tiếng cười và ánh mắt đầy tình yêu thương trên sân phơi thóc làng Nguyễn, trên công trường thủy lợi huyện Duy Tiên, trong buổi làm cỏ lúa ở Hàm Rồng, làm bèo hoa dâu ở Kim Động…

Tất cả đó là Việt Nam giữa một thời hào hùng… Tất cả đó cắt nghĩa vì sao Việt Nam đã chiến thắng.

 

Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam

Vapa.vn - Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của các cá nhân và tổ chức nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Việt Nam. Hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association of Photographic Artists, viết tắt là VAPA. Hội NSNA Việt Nam thành lập ngày 8/12/1965.

Related Articles

Trả lời

Back to top button